| Hotline: 0983.970.780

Đạo đức xã hội đã xuống sàn?

Thứ Sáu 14/04/2017 , 13:10 (GMT+7)

Thấy 3 học sinh bị đuối nước, bất chấp nguy hiểm 2 sinh viên lao xuống hồ cứu các em thì trên bờ nhóm đối tượng cơ hội đã lấy sạch tài sản của họ rồi tẩu thoát. 

Câu chuyện có thật nhưng kể ra chắc ai cũng lắc đầu ngao ngán về sự đạo đức xuống cấp của một số người, nhất là giới trẻ hiện nay.

Trước đó, chiều 5/4, anh Hoàng Trọng Hiệp (SN 1998) và anh Trần Hữu Thắng (SN 1998), cùng là sinh viên khoa Cơ khí - tin học, Trường Trung cấp nghề Đắk Nông đang thực tập tại một cửa hàng điện tử gần công trình thủy lợi thị xã Gia Nghĩa thì nghe tiếng kêu cứu. Ngay lập tức, 2 sinh viên chạy ra khu vực đập nước, cởi vội quần dài vứt trên bờ rồi lao xuống hồ cứu người.

Sau khi lần lượt đưa được 3 nạn nhân lên bờ thì 2 sinh viên phát hiện có 2 người ôm toàn bộ đồ đạc của họ và các nạn nhân vụ đuối nước chạy lên xe máy. Thấy vậy, 2 sinh viên đuổi theo nhưng không kịp, 2 đối tượng đã tẩu thoát. Tài sản bị mất gồm 2 chiếc điện thoại trị giá trên 10 triệu đồng cùng toàn bộ tiền và giấy tờ tùy thân.

Việc giúp người bị nạn nhưng phải gánh chịu thiệt thòi như bị đánh, bị chửi một cách oan ức, vô lý thì có thể hiểu được. Lý do là người thân của người bị nạn hiểu nhầm, cư xử nóng nảy, hồ đồ nên mới xảy ra chuyện. Tuy nhiên, đang giúp người trong trường hợp thập tử nhất sinh, bị đuối nước mà bị lấy hết tài sản thì rất ít khi xảy ra. Thông thường những người có mặt khi xảy ra tình huống khẩn cấp đều luôn bỏ lại mọi thứ để cứu người bị nạn mà thường ít khi cân nhắc thiệt hơn hoặc nghĩ về các thứ khác.

Trong trường hợp này, địa điểm xảy ra vụ tai nạn không phải là nơi quá đông đúc hoặc trên đường giao thông mà khu vực khác cách biệt, trống trải nên việc lấy cắp tài sản của người đang cứu người càng đáng lên án hơn. Lẽ ra những đối tượng trên phải giúp sức cùng những người khác cứu người, đằng này lại lợi dụng để trộm cắp.

Người Việt Nam không ai là không được học về đạo đức làm người từ khi còn nhỏ cho tới lúc trưởng thành. Đạo đức của một con người, đó là lễ phép với người lớn tuổi, có hiếu với cha mẹ, yêu thương, giúp đỡ mọi người…

Dù bất cứ ai, ở đâu và trải qua quá trình lịch sử ngàn năm thì các chuẩn mực đạo đức đó không có sự thay đổi. Do đó, tình trạng xuống cấp đạo đức, nhân cách của một bộ phận người dân hiện nay rất đáng báo động. Vấn đề này đã được cảnh báo, đề cập, dư luận xã hội lên án mạnh mẽ và cơ quan chức năng có nhiều biện pháp chấn chỉnh, xử lý nhưng nhìn chung không có sự chuyển biến, thậm chí có chiều hướng xuống cấp trầm trọng hơn.

Nguyên nhân là do lối sống quá coi trọng đồng tiền mà nhiều người đã tha hóa đạo đức, nhân cách, sẵn sàng bán rẻ lương tâm vì những thứ rẻ mạt, không tính toán. Bên cạnh đó, pháp luật tuy có những quy định nghiêm khắc nhưng nhiều khi không công bằng, thiếu khách quan cũng là nguyên nhân làm cho đạo đức, lối sống suy thoái, xuống cấp.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.