| Hotline: 0983.970.780

Đảo không túi ni lông

Thứ Sáu 24/08/2012 , 09:50 (GMT+7)

Đặt chân lên Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam), khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng khi đi khắp xung quanh đảo, rồi xuống lội dưới biển cả ngày mà gần như không thấy một cái túi ni lông nào.

Du khách mua túi sinh thái ở nhà đón tiếp du khách trên đảo Cù Lao Chàm

Đặt chân lên Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam), khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng khi đi khắp xung quanh đảo, rồi xuống lội dưới biển cả ngày mà gần như không thấy một cái túi ni lông nào.

Từ Hội An đi ra Cù Lao Chàm, mọi con tàu đều cặp vào bến tàu Bãi Làng. Chợ Cù Lao Chàm lại nằm sát sạt bên bến tàu này. Do đó, hầu như bất kỳ ai, khi vừa đặt chân lên bến tàu, cũng ghé ngay vào trong chợ. Chúng tôi cũng vậy.

Chợ nhỏ, bán chủ yếu là các đồ hải sản tươi sống và hải sản khô, nhưng lại khá sạch sẽ, không bốc mùi tanh và đầy ruồi nhặng như bất kỳ một chợ hải sản nào khác. Các quầy hàng ăn uống hay bán qua quả, quần áo…, cũng khá sạch sẽ. Và một điều rất dễ nhận thấy là bất cứ người dân Cù Lao Chàm nào đi chợ, cũng cầm trên tay một cái giỏ để đựng tôm cá, rau củ…, mà không dùng túi ni lông như các chợ trên bờ.

Trước sự tò mò của tôi, chị Thành, một một người dân ở thôn Bãi Làng, nhẹ nhàng giải thích" “Từ 3 năm nay, Cù Lao Chàm đã thực hiện nói không với túi ni lông. Vì thế, nhà nào cũng sắm một cái giỏ để đi chợ đựng đồ. Mua thứ gì cũng gói vô giấy báo rồi cho hết vào giỏ”.

Một cán bộ xã Tân Hiệp cho biết, hằng ngày, loa truyền thanh trên đảo đều dành thời gian nhắc nhở mọi người dân không sử dụng túi ni lông. Trước cổng chợ có hai câu khẩu hiệu: “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ” và: “Không phát túi ni lông cho người mua hàng”. Vì thế, từ 3 năm nay, dân Cù Lao Chàm đã nhắc nhở nhau không dùng túi ni lông nữa.

Cái gánh bánh ít lá gai của bà Lê Thị Là thường được khá đông du khách dừng lại hỏi mua. Bánh ít của bà Là đã ngon mà lại rẻ, chỉ 2.000 đồng một cái. Dù bận rộn bán hàng, nhưng bà Là vẫn tranh thủ những lúc rảnh rỗi tự tay làm những cái bao đựng bánh từ giấy báo. Với cái bấm ghim trên tay, chỉ sau vài lần gấp mép giấy báo rồi bấm bấm, hết chừng vài chục giây, bà Là đã có một cái túi bằng giấy báo khá bền, có diện tích bề mặt tương đương khổ giấy A4. Với cái túi ấy, bà Là có thể đựng được mười mấy cái bánh ít lá gai để bán cho khách hàng.

“Một ngày cô làm nhiều túi không?”, tôi hỏi. Bà Là vừa bấm ghim, vừa nói: “Không nhớ rõ. Chắc cũng vài chục cái. Cứ rảnh tay ra là làm túi để sẵn đó, vì có lúc khách tới mua nhiều, phải có sẵn túi để đựng bánh bán cho người ta”.

Theo lời bà Là, từ năm 2009 trở về trước, túi ni lông được người dân trên đảo sử dụng khá phổ biến, nhất là ở chợ Cù Lao Chàm. Nhưng từ khi chính quyền thành phố Hội An phát động chương trình: “Nói không với túi ni lông” trên đảo Cù Lao Chàm nhằm bảo vệ môi trường sống của người dân nơi đây và nhất là bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, mọi người bán hàng ở chợ Cù Lao Chàm đều không dùng túi ni lông để đựng hàng đưa cho khách nữa, mà chỉ bảo cho nhau cách dùng giấy báo cũ làm túi đựng hàng.

Bà Là tâm sự: “Phải làm túi bằng giấy báo thay cho túi ni lông, với người bán hàng chúng tôi, đúng là có vất vả, bận rộn hơn nhiều so với khi dùng túi ni lông. Nhưng khi mọi người trên đảo đều đồng lòng và biết rằng không túi ni lông sẽ tránh gây ô nhiễm trên đảo, thì tôi cũng yên tâm, chẳng phải băn khoăn gì cả”.

Quyết tâm đó của chính quyền địa phương và người dân Cù Lao Chàm, cũng đã nhận được sự đồng tình từ các du khách. Bà Tô Thị Phương, một hộ kinh doanh ở Bãi Làng, cho hay, lúc đầu, nhiều du khách không chịu mua hàng vì không có túi ni lông miễn phí để đựng như trước đây, mà phải mua túi sinh thái để đựng hàng. Dần dà, trước sự giải thích của các cán bộ, của hướng dẫn viên du lịch và của những hộ tiểu thương trên đảo, du khách đã nhận ra việc cần thiết phải sử dụng túi sinh thái thay cho túi ni lông.

Đến nay, sử dụng túi sinh thái hay giỏ đựng hàng thay cho túi ni lông đã trở thành “truyền thống” đối với mọi người dân trên đảo Cù Lao Chàm cũng như với mọi du khách khi đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp, còn đầy vẻ hoang sơ này.

Mọi du khách khi mới lên đảo, đều được mời ngay tới nhà đón tiếp để giới thiệu về việc vì sao nên dùng túi sinh thái thay cho túi ni lông trong thời gian lưu trú trên đảo. Và du khách được mời mua túi sinh thái với vật liệu là lá cây rừng, có khả năng tự hủy, do các em học sinh trên đảo làm ra. Giá mỗi túi sinh thái tới 15.000 đồng, đắt hơn nhiều so với việc dùng túi ni lông, nhưng hầu hết các du khách vẫn sẵn sàng mua túi sinh thái để góp phần bảo vệ môi trường xanh trên hòn đảo này.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.