| Hotline: 0983.970.780

Đảo lộn!

Thứ Ba 19/10/2010 , 11:17 (GMT+7)

Trong khi “ôm chân” thương lái ngoài tỉnh để rút nguyên liệu vùng khác về ép thì Cty NIVL lại sử dụng chiêu o bế các thương lái “ruột” và người trồng mía địa phương.

NNVN số ra hôm qua có bài "Tranh chấp nguyên liệu mía ở ĐBSCL: Thủ phạm mang tên NIVL- Ấn Độ"  đã phản ánh việc NMĐ này chơi xấu trong việc thu mua nguyên liệu. Tiếp tục điều tra, NNVN còn phát hiện thấy, trong khi “ôm chân” thương lái ngoài tỉnh để rút nguyên liệu vùng khác về ép thì Cty NIVL lại sử dụng chiêu o bế các thương lái “ruột” và người trồng mía địa phương.

>> Tranh chấp mía nguyên liệu ở ĐBSCL: Thủ phạm mang tên NIVL - Ấn Độ

Không thể chịu mãi cảnh “coi trời bằng vung”, ngày 12/10/2010, Hiệp hội Mía đường VN chính thức lên tiếng cảnh cáo việc làm trái khoáy của NMĐ NIVL. Trong công văn, ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN khẳng định: NMĐ NIVL đã không thực hiện thỏa thuận của chi hội, bất chấp lợi ích của nông dân và các NMĐ khu vực ĐBSCL, xâm phạm vùng nguyên liệu của các NM khác khi cây mía còn non, không tôn trọng lời kêu gọi hợp tác của Hiệp hội. Ông Long cũng đề nghị Cục chế biến NLTS và nghề muối “cần có biện pháp đối phó thích hợp với NMĐ NIVL”.

Theo tìm hiểu của NNVN, việc NIVL đưa quân tới “giật” vùng nguyên liệu của NM khác đầu tư đã diễn ra cách đây cả 10 năm trước. Ngay từ năm 2000, NIVL còn chạy lên vùng mía Tây Ninh do NMĐ Bourbon đầu tư “giật” cả trăm nghìn tấn mía/vụ. Về việc này, bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đường Biên Hoà cho rằng: “Ai cũng biết, nhà máy bỏ tiền thì mới nói đến việc được sở hữu mía. Nhưng trên thực tế, dù ngành mía đường VN tồn tại hàng chục năm nay nhưng rất ít đơn vị chịu bỏ tiền túi ra đầu tư mía cho nông dân vì họ đều lo sợ bị người khác đến giành giật vô tội vạ!”.

Cùng với việc “chơi xỏ” đồng nghiệp, ngay tại vùng mía Bến Lức (Long An), NMĐ NIVL lại tung chiêu ép giá các thương lái “ruột” và hàng nghìn hộ nông dân địa phương bằng chính sách mua mía và cách tính chữ đường, tạp chất quái gở. Ông Đ., một trong những thương lái lớn của xã Lương Hóa, huyện Bến Lức cung cấp hàng năm trên dưới 100 ngàn tấn mía cho NMĐ NIVL theo hợp đồng “bao tiêu sản phẩm” uất ức tố: “Thấy NM nào đầu vụ cũng mua tới 1 triệu đồng/tấn, vừa rồi tôi mua bao giá nông dân 600 ngàn/tấn, rồi bán cho NM trên 1.000 tấn mía, nhưng sau 5 ngày nhận tiền mới té ngửa họ đánh chữ đường bình quân có 7 CCS, thậm chí có lô 5,5 CCS".

Cũng theo ông Đ, tạp chất ở các NM khác có 2-3% nhưng NIVL lại trừ tới 5-7%, có lô lên tới 9%. Riêng xã Lương Hòa, bình quân tạp chất tới 11%!. Ông Đ đưa ra bằng chứng về lô mía 50 tấn nhập ngày 10/10, chữ đường có 5,4 chữ, còn tạp chất thì 8,8%. “Nếu cứ thế này, có lẽ tôi sẽ phải bán mía cho NMĐ Trị An, La Ngà thôi” - ông Đ nói.

Không chỉ thương lái bị ép, nông dân trồng mía trực tiếp bán cho NMĐ NIVL cũng không ngoại lệ. Nông dân Nguyễn Văn Quang ( ấp 7, xã Lương Hòa), trồng mía bên Thủ Thừa (Long An) ngày 5/10 chở 2 ghe nhỏ cân cho NIVL 27 tấn mía. Mặc dù thu hoạch trên cùng một ruộng mía nhưng 1 ghe được 6,98 chữ, còn 1 ghe có 5,7 chữ, chênh lệch gần 1 CCS.

Ông Nguyễn Thành Đoàn - Chủ tịch xã Lương Hòa, huyện Bến Lức: "NIVL đang mua mía nơi khác trước, giữ chân sân nhà mua sau. Trước mắt, ép nông dân địa phương bởi không bán cho họ thì bán cho ai, mà NMĐ Hiệp Hòa gần đó bây giờ cũng của NIVL, cổ phần của họ cũng đã chiếm trên 50% rồi!”
Còn ông Võ Văn Lượm ( ấp 2, xã Bình Đức) cho biết thêm, giao mía tận bàn cân NMĐ NIVL bán được 540 nghìn đồng/tấn nhưng do NM đánh chữ đường và tạp chất cao nên trừ qua sớt lại còn 400 nghìn đồng/tấn. Nếu 1 ha năng suất đạt 60 tấn, tức thu về 24 triệu, trong khi giá thành đầu tư 1 ha mía trồng mới hiện nay đã trên 30 triệu (do công cán, phân bón, thuốc BVTV tăng), còn mía gốc thì lãi không đáng kể.

Cũng chính vì chính sách phá vùng nguyên liệu của các đơn vị bạn đồng thời ép “người nhà” ra bã, nên tại vùng mía của NIVL xảy ra nghịch lý: Lái mía mua giá cao hơn cả giá NMĐ thu vào. Ông Dương Văn Trăng - Bí thư xã Tân Thạnh, huyện Thủ Thừa, nơi trồng gần 2.000 ha mía cho biết, bản thân ông cũng không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. “Hôm 15/10, NMĐ NIVL có gửi thông báo cho xã mua giá sàn là 550 nghìn/tấn. Trong khi lái mía lại mua tại ruộng mía nông dân giá tới 600-650 nghìn/tấn. Giá NM kiểu đó thì “đè” chết nông dân, còn lái mua giá kiểu đó cũng chỉ có gom mía bán đi nơi khác chứ bán cho NMĐ NIVL thì lỗ làm sao sống nổi!” – ông Trăng nói.

 Tương tự, bà Nguyễn Thị Như Ý – Trưởng phòng Nguyên liệu NMĐ NIVL khi “đối thoại” với anh Huỳnh Hồng Huân, một thương lái ở huyện Thủ Thừa vào ngày 10/10 cũng đã thừa nhận: “Do ông chủ là người nước ngoài hoàn toàn quyết định, bọn mình chỉ làm thuê. Ngay ở vị trí chị đang ngồi cũng nhận thấy có những bất công đối với nông dân”.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm