| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo lao động chất lượng cao: Vẫn "mù mờ" nhiều khái niệm

Thứ Tư 08/06/2011 , 10:22 (GMT+7)

Đề án “Kết quả lựa chọn nghề trọng điểm và trường có nghề trọng điểm để đầu tư giai đoạn 2011- 2020” vẫn chưa làm rõ nhiều khái niệm...

NNVN nhận được ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Các chuyên gia cho rằng đề án “Kết quả lựa chọn nghề trọng điểm và trường có nghề trọng điểm để đầu tư giai đoạn 2011- 2020” vẫn chưa làm rõ nhiều khái niệm...

Chưa rõ

Đọc một số mục tiêu của đề án “Kết quả lựa chọn nghề trọng điểm và trường có nghề trọng điểm để đầu tư giai đoạn 2011- 2020” của Tổng cục Dạy nghề như có 40 trường dạy nghề chất lượng cao, 12 trường đạt đẳng cấp quốc tế, 28 trường đạt đẳng cấp khu vực ASEAN vào năm 2020…, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT tỏ ra băn khoăn. Bởi, việc đào tạo nghề chất lượng cao là một trong những chủ trương của ngành dạy nghề và cũng là việc góp phần thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI "đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao".

Tuy nhiên, theo vị này cũng cần phải tính toán đến tính khả thi của mục tiêu. Những trường đó đáp ứng nhu cầu nào của ngành kinh tế và có những khảo sát nào chứng tỏ nhu cầu đang hiển hiện hoặc xuất hiện trong tương lai. Bên cạnh đó, với những điều kiện như chất lượng đầu vào thấp của những trường dạy nghề hiện nay càng bị thách thức bởi hệ thống các trường CĐ, ĐH mọc lên như nấm. Đó là chưa kể đến khái niệm mù mờ thế nào là trường đạt đẳng cấp quốc tế.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên dạy nghề vốn đã yếu kém về tay nghề, kiến thức ngoại ngữ, hiểu biết kinh tế thì lấy đâu ra điều kiện để có thể phát triển được trường dạy nghề đẳng cấp quốc tế. Rõ ràng, dạy cái gì, dạy cho ai, ai dạy và người học nghề trong những trường này sẽ làm việc ở đâu cần được làm rõ trong đề án hơn nữa.

Gợi ý của vị lãnh đạo này khiến chúng ta liên tưởng đến “tâm trạng” mới đây của 2 trong tổng số 4 trường đang được ngành giáo dục “bồi dưỡng” đến năm 2020 sẽ thuộc tốp 200 trường ĐH tốt nhất thế giới. Đó là Trường ĐH Việt - Đức và Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Thế nhưng hiện có rất ít sinh viên (SV) giỏi đầu quân vào đây. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Năm học này tổng số hồ sơ nộp về chỉ có 51, qua sơ tuyển chỉ có hơn 30 SV đủ điều kiện nhập học.

Ông Hùng thừa nhận: “Những SV vào trường năm nay chưa phải là những người xuất sắc nhất. Trong tổng số hơn 30 SV trúng tuyển, chỉ có 5- 6 em từ trường khác chuyển sang, còn lại là những SV thi ĐH nhưng chưa trúng tuyển”. Còn với ĐH Việt- Đức, đến năm thứ hai, chỉ tiêu của trường giảm xuống một nửa, mức điểm xét tuyển chỉ còn 17 nhưng cũng không tuyển đủ khi chỉ có 28 SV nhập học. Năm 2010, trường chỉ dám thực hiện hình thức tuyển sinh mới với 60 chỉ tiêu, trong đó có chưa tới 20 SV đạt mức điểm 21 trở lên.

Cứ kiểu “đãi cát tìm vàng” như thế thì e rằng mô hình hiện đại khó nuôi nổi số cán bộ, giáo viên trong nhà trường. “Khi soạn thảo ra các đề án phát triển trường nghề, trường trọng điểm cũng nên tính đến điều này” - đại diện cho ngành giáo dục nói.

Cần có đột phá

Cũng theo vị lãnh đạo ngành giáo dục, tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao vẫn đang là “ẩn số” của rất nhiều doanh nghiệp. Trong khi nhà trường chỉ đào tạo cho người học nền tảng ban đầu. Theo ông, việc tốt nghiệp một trường dạy nghề để có tay nghề cao chắc hiếm có quốc gia nào làm được việc này do thời gian học trong nhà trường và nguồn lực hạn chế. Nếu cứ mãi tiếp cận dạy nghề theo hướng chuyên môn hẹp để có tay nghề cao là điều không tưởng bởi vì muốn có tay nghề tốt trước hết phải có cái đầu tốt (tri thức tốt) và lòng say mê yêu thích nghề nghiệp.

Ông đề xuất: Con đường tốt nhất dạy nghề nên để cho doanh nghiệp làm và nhà nước hỗ trợ. Còn nhà nước nên tập trung vào những nghề mà ít người học nhưng xã hội cần và nên đầu tư giúp cho người lao động ở những vùng còn khó khăn nhằm "xóa đói giảm nghèo". Còn nếu muốn công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế hãy để cho các trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ đó kết hợp với việc xã hội hóa thì nguồn nhân lực mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo Jamil Salmi, chuyên gia về giáo dục đại học của Ngân hàng Thế giới, tác giả cuốn sách The Challenge of Establishing World Class University do UNESCO xuất bản cuối năm 2010, có 9 sai lầm trong quá trình xây dựng trường đại học có đẳng cấp quốc tế như xây dựng một khuôn viên tuyệt đẹp, và hy vọng phép lạ sẽ xảy ra; Chỉ thiết kế các chương trình sau khi xây dựng cơ sở vật chất; Nhập khẩu nội dung giảng dạy từ một nơi khác; Chỉ lập kế hoạch cho những chi phí trước mắt, mà quên đi sự ổn định tài chính lâu dài hạn; đưa ra những chỉ tiêu định lượng quá tham vọng…

Riêng với câu hỏi: “Làm thế nào để tăng nghề trọng điểm, nâng cấp độ nghề trọng điểm cho phù hợp với yêu cầu?”. Đại diện cho ngành giáo dục tỏ ra băn khoăn bởi không thể trả lời nếu như không có nghiên cứu, khảo sát nhu cầu của thị trường lao động cụ thể và dự báo chính xác, thực tế. Tất cả phải cùng hướng tới giái đáp câu hỏi: Trường trọng điểm dạy nghề gì, cho ai, phục vụ ngành kinh tế nào? Ai trả tiền?

Hàng chục năm gắn bó với vị trí quản lý về việc đào tạo nghề cho học sinh, vị cán bộ này đề xuất: Các trường dạy nghề sẽ chẳng thể thu hút học sinh vào học nghề khi mà quy mô CĐ, ĐH phát triển không ngừng. Do vậy nếu có một hệ thống quản lý thống nhất thì bất cập này sẽ giảm bớt. Đồng thời dạy nghề phải gắn với doanh nghiệp, bám sát với nhu cầu doanh nghiệp, doanh nghiệp phải "nuôi" dạy nghề chứ không phải chỉ chăm chăm vào cái "bầu sữa" ngân sách để học nghề xong rồi không có việc làm gây lãng phí vô cùng lớn cho xã hội.

Ngoài ra, cần xác định rõ vai trò nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường cũng như cơ sở dạy nghề. Nhà nước nên ban hành quy định, tiêu chuẩn, điều phối nguồn lực, xây dựng chiến lược, giám sát chất lượng, trong đó đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề cần xem là khâu đột phá để làm cho dạy nghề phát triển cùng với hệ thống giáo dục và đào tạo thống nhất, đồng bộ.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất