| Hotline: 0983.970.780

(Tiếp theo số trước)

Đào tạo quản lý khai thác công trình thủy lợi

Thứ Sáu 26/09/2014 , 08:47 (GMT+7)

Cả nước hiện có 110 hệ thống lớn với quy mô phục vụ từ 2.000 ha trở lên, trên 900 các hệ thống loại vừa phục vụ từ 200 ha. 

Đặt vấn đề

Hiện hầu hết diện tích canh tác trong cả nước đã có hệ thống thủy lợi phục vụ. Cả nước có 110 hệ thống lớn với quy mô phục vụ từ 2.000 ha trở lên, trên 900 các hệ thống loại vừa phục vụ từ 200 ha. Trên thực tế nhiều hệ thống công trình thủy lợi đang bị xuống cấp, hoạt động với hiệu quả thấp, gây lãng phí nhiều nước, vận hành thiếu an toàn, gây ô nhiễm môi trường.

Thêm vào đó, nhiều hệ thống thủy lợi, nhất là các hệ thống lớn và vừa phải cung cấp đa mục tiêu cho nhiều đối tượng sử dụng nước khác ngoài tưới, tiêu như cấp nước công nghiệp, sinh hoạt, thủy điện, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường...

Do đó, công tác quản lý KTCTTL đòi hỏi phải có sự thay đổi, nâng cấp và hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sử dụng đa mục tiêu và nâng cao hiệu quả phục vụ của hệ thống.

Quản lý KTCTTL theo hướng dịch vụ đòi hỏi phải có sự đổi mới trong công tác quản lý vận hành các hệ thống thủy lợi nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nguồn nước bị cạn kiệt, môi trường bị suy thoái, kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh những bất cập về năng lực công trình, suất đầu tư thấp, công nghệ và phương pháp quản lý khai thác truyền thống không còn phù hợp, phân cấp quản lý khai thác chưa hợp lý… thì sự thiếu hụt về lực lượng cán bộ kỹ thuật, quản lý cũng như năng lực, trình độ chuyên môn còn hạn chế của một số lượng lớn đội ngũ cán bộ làm công tác thủy lợi cũng là một nguyên nhân đáng kể ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của các hệ thống thủy lợi.

Những nội dung cạnh hạn chế về năng lực bao gồm: 1) Trình độ quản lý; 2) Kỹ thuật vận hành; 3) Ngoại ngữ, tin học; 4) Kiến thức hiện đại hóa vận hành và bảo dưỡng. Vì vậy, việc tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong quản lý KTCTTL đang được đặt ra với yêu cầu hết sức cấp bách.

Một số giải pháp và chính sách tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho quản lý KTCTTL

Đối với các cơ sở đào tạo về chuyên ngành thủy lợi

a) Cập nhật, đổi mới giáo trình

Nhiều cơ sở đào tạo trong lĩnh vực chuyên ngành thủy lợi vẫn sử dụng các giáo trình được biên soạn từ nhiều năm trước kể cả tài liệu bồi dưỡng kiến thức trong quản lý KTCTTL. Một số kiến thức đã trở nên lạc hậu. Nhiều giáo trình chưa cập nhật hoặc đưa các kiến thức, công nghệ tiên tiến. Do đó, cần sớm đánh giá nội dung kiến thức và chất lượng của giáo trình, tài liệu đào tạo cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt và có sự cập nhật để nâng cao chất lượng đào tạo.

b) Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

Đây là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Các giảng viên cũng cần phải được đào tạo lại thường xuyên, được cập nhật các kiến thức và công nghệ tiên tiến của ngành và của thế giới. Bên cạnh đó cần có quy chế yêu cầu về trình độ cần thiết đối với giảng viên, khuyến khích giáo viên thường xuyên tìm hiểu, cập nhật và viết bài về kỹ thuật, công nghệ cũng như lý thuyết, kiến thức hiện đại có thể áp dụng, bổ sung vào các bài giảng.

c) Giới thiệu các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến được áp dụng trên thế giới, nhất là các kiến thức về hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi

Kiến thức về quản lý KTCTTL đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là có sự hỗ trợ của các công nghệ, trang thiết bị tiên tiến. Ví dụ, ứng dụng của đập tràn đỉnh dài, cửa lật, cống Rubicon, hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập số liệu (SCADA)... giúp cho công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi ngày càng được cải thiện theo hướng nhanh chóng và chính xác. Vì vậy cần thường xuyên giới thiệu, cho cán bộ, giáo viên và sinh viên được tiếp cận với các kiến thức về hiện đại hóa hệ thống thủy lợi.

d) Tăng thời gian học tập thực tế tại các hệ thống thủy lợi hiện có. Khuyến khích sinh viên tìm hiểu và phát hiện những yếu kém của các hệ thống thủy lợi và đề xuất những giải pháp khắc phục.

Nhiều sinh viên thủy lợi sau khi tốt nghiệp có rất ít kiến thức thực tế về quản lý KTCTTL. Do đó thường rất bỡ ngỡ và mất khá nhiều thời gian để làm quen với thực tế và học hỏi kinh nghiệm trước khi có thể thực sự tham gia vào công tác quản lý hệ thống thủy lợi. Chính vì vậy, việc tăng cường thời gian đi thực tập tại các hệ thống thủy lợi cho sinh viên cần được quan tâm và đưa vào chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo.

Đối với các Cty KTCTTL

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo

Thực hiện kế hoạch đào tạo hàng năm, ngắn hạn và dài hạn cho cán bộ, nhân viên. Tạo điều kiện cho nhân viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý KTCTTL. Khuyến khích nhân viên tự tìm kiếm học bổng hoặc nếu thấy cần thiết đơn vị có thể tự bỏ kinh phí cho cán bộ, nhân viên được đi đào tạo chính quy ở trong và ngoài nước (đại học, thạc sỹ, tiến sỹ). Đồng thời tăng cường quan tâm, đầu tư kinh phí cho đào tạo nguồn nhân lực của các đơn vị.

Ngoài việc tổ chức thi nâng bậc hàng năm, Cty cần tổ chức đào tạo tập trung vào các kỹ thuật vận hành mới theo hướng hiện đại hóa. Thực hiện đào tạo định kỳ lặp lại 1 - 2 năm một lần để cập nhật thông tin và có sự cải tiến về phương thức vận hành mới.

Các Cty cần có người phụ trách về công tác thông tin, truyền thông, nên có những bản thông báo hoặc tạp chí chuyên ngành được đưa tới các đơn vị quản lý vận hành như các cụm, trạm thủy nông, các xí nghiệp và văn phòng Cty.

b) Liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, tăng cường tham quan học tập

Thường xuyên có liên hệ với các cơ sở khoa học (viện nghiên cứu, trường đại học...) để được thông tin về những kiến thức mới, sản phẩm công nghệ mới có thể áp dụng hoặc biết được các chương trình để có thể gửi cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ.

Mời giảng viên hoặc các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về hiện đại hóa hệ thống tới giới thiệu kiến thức cho cán bộ nhân viên. Tổ chức cho nhân viên thăm quan học tập tại các hệ thống có những cải tiến mới về công tác quản lý vận hành, nơi có những ứng dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại trong quản lý, vận hành.

c) Khuyến khích nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, đề xuất sáng kiến

Quan tâm, khuyến khích đào tạo tin học cho cán bộ vận hành. Cần có quy định về trình độ tối thiểu về tin học văn phòng cho cán bộ kỹ thuật và quản lý vận hành. Mở các khóa đào tạo cơ bản về khai thác thông tin trên internet cho cán bộ nhân viên.

Khuyến khích cán bộ nhân viên, tìm hiểu và khai thác thông tin trên internet, đặc biệt về các luật, nghị định, thông tư, thông báo của nhà nước, các quy trình quy phạm của ngành và của các lĩnh vực liên quan, các kết quả nghiên cứu ứng dụng về khoa học công nghệ ở trong và ngoài ngành.

Khuyến khích học tập nâng cao trình độ về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Hiện nay tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ rất thông dụng trên toàn thế giới, việc tìm hiểu thông tin trên mạng internet trở nên phổ biến, giúp cho người sử dụng có thể cập nhật nhanh chóng những kiến thức mới của nhân loại, tìm hiểu được những thông tin hữu ích cho công việc hàng ngày của mình...

Có chế độ khuyến khích, động viên kịp thời cán bộ, nhân viên đề xuất các sáng kiến, áp dụng những kiến thức mới học tập được vào thực tiễn SX, nhằm nâng cao hiệu quả KTCTTL.

Có chính sách đãi ngộ đối với những người trình độ cao, có nhiều kiến thức về các kỹ thuật, công nghệ hiện đại, có khả năng đóng góp nhiều cho việc cải tiến về quản lý vận hành, hiện đại hóa hệ thống.

Đối với tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi ở cấp cơ sở (xã, thôn)

Hiệu quả phục vụ của hệ thống phụ thuộc không nhỏ vào quản lý, phân phối nước mặt ruộng. Nâng cao kiến thức về quản lý nước cho các cán bộ thủy nông cấp cơ sở sẽ góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả của hệ thống, giúp tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường, tăng tuổi thọ của công trình, xã hội hóa quản lý KTCTTL.

Kinh nghiệm thực hiện các dự án “Quản lý thủy lợi có sự tham gia của người dân (PIM)” cho thấy, khi cán bộ ở cấp cơ sở, cán bộ thủy lợi, thủy nông viên và người dân sau khi được đào tạo các kiến thức cơ bản về quản lý tưới tiêu, được tham gia vào quá trình ra quyết định, lập kế hoạch, vận hành, phân phối nước mặt ruộng, sửa chữa bảo dưỡng công trình đã làm cho các hệ thống hoạt động với hiệu quả cao hơn trước rất nhiều, người hưởng lợi rất phấn khởi và càng tích cực tham gia vào công tác quản lý hệ thống.

(Trung tâm Đào tạo & hợp tác Quốc tế, Viện Khoa học thủy lợi VN)

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất