| Hotline: 0983.970.780

Đất cằn nở hoa

Thứ Tư 29/12/2010 , 07:15 (GMT+7)

Từ thị trấn Cát Tiên vào Phước Trung chỉ có con đường độc đạo, hơn 20 năm từ khi mở ra, nay đang được nâng cấp mở rộng nhưng đi lại vẫn vô cùng gian nan...

Cuối năm, nghe tin ở một vùng cao heo hút nhất của huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), người dân hết lòng giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau cùng vươn lên làm giàu đã thôi thúc chúng tôi lên đường tìm hiểu. Vùng cao ấy là thôn Phước Trung, xã Phước Cát 2.

"Chó ăn đá gà ăn sỏi"

Từ TP HCM, chúng tôi vượt hơn 200 km thì tới thị trấn Cát Tiên. Anh bạn chỉ đường qua điện thoại: Các anh đi thẳng vào khoảng 30 cây số thì tới, nhưng nhớ đi chậm thôi nhé, vì đường đồi núi gập ghềnh khó đi lắm.

Từ thị trấn Cát Tiên vào Phước Trung chỉ có con đường độc đạo, hơn 20 năm từ khi mở ra, nay đang được nâng cấp mở rộng nhưng đi lại vẫn vô cùng gian nan. Càng đi sâu, lên cao xung quanh chỉ là đồi núi uốn lượn. Phước Trung hiện ra với những cánh đồng khá bằng phẳng nhưng cằn cỗi, nằm nép vào những dãy núi sừng sững. Cuối năm, cả thôn chuẩn bị Tết nên nhà nào nhà nấy đều tất bật ngoài đồng, kẻ trồng rau, người chăm ruộng dưa hấu.

13 giờ, không hẹn nhưng chúng tôi đánh liều vào UBND xã Phước Cát 2, đúng lúc ông Đàm Xuân Hàm, Phó Bí thư Đảng uỷ xã đang làm việc. Ông bộc bạch: Hồi nãy mình đi uống rượu với bà con. Vụ này, nhà nào nhà nấy được mùa người dân vui quá cứ rủ đến nhà uống rượu chung vui nên giờ tranh thủ làm bù.

Ông Hàm bảo: Phước Trung là điểm sáng vượt khó không chỉ của Cát Tiên mà cả tỉnh Lâm Đồng đấy. Dù nơi đây hơn 90% bà con là dân tộc Nùng từ Cao Bằng vào làm kinh tế từ những năm 80 của thế kỷ trước. Hồi đó, Phước Trung buồn lắm, vùng đất mệnh danh “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, thế nhưng người dân rất chịu khó. Từ thôn có hộ nghèo đói chiếm tỷ lệ cao, đến nay Phước Trung là thôn duy nhất trong 7 thôn của xã đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa cấp tỉnh.

Ông Hàm thú thực: Tôi không nhớ nổi trong thôn có bao nhiêu hộ làm kinh tế giỏi cấp tỉnh, chỉ biết rằng con số đó nhiều lắm. Nói rồi, ông đọc vanh vách cả chục hộ dân đã đạt danh hiệu nhiều năm liền như: ông Thạch Văn Gioỏng, Thạch Văn Phúng, Nông Minh Huấn, Tô Văn Vạn... Chúng tôi đề nghị ông đưa đến một vài hộ tiêu biểu, ông không ngần ngại rút điện thoại di động ra vừa bấm vừa bảo: Bà con ở đây chịu khó làm lắm, giờ này nếu không gọi trước thì đố mà có ở nhà.

Đầu tư ăn học

Chúng tôi đến nhà ông Nông Minh Huấn, Bí thư chi bộ. Dù đã được hẹn trước nhưng khi tới ông Huấn đang cởi trần tranh thủ phơi lúa ngoài sân. Lấy tay quệt mồ hôi chảy thành dòng trên mặt, ông cười: “Nhà báo về lúc này không gặp được bà con rồi, giờ này ra đồng chuẩn bị cho mùa Tết hết rồi”.  

Phóng viên NNVN (bìa phải) bên ruộng lúa đang thu hoạch toàn bộ bằng cơ giới ở Phước Trung

Ông Huấn cho biết: Phước Trung hiện có khoảng 150 hộ, nếu không tính những người thoát ly ra ngoài đi làm, đi học thì trong thôn còn gần 800 khẩu. Khoảng 15 năm trước, thôn còn nhiều hộ từ Cao Bằng di cư vào, cuộc sống rất khó khăn nên những gia đình vào trước có cuộc sống khá giả tự ý giúp đỡ về mọi mặt như góp công lao động, cho vay gạo ăn, vay lúa giống để làm, thậm chí còn cho mượn tiền không tính lãi hay con giống để nuôi.

Toàn bộ việc vay mượn người cho vay không hề đòi, khi nào người vay có điều kiện thì tự ý thức trả. Do có truyền thống chăm chỉ nên ở đây người nào vay mượn đều chí thú làm ăn và nhanh chóng trả được nợ. Từ đó, người dân trong ấp có một luật bất thành văn: Hễ nhà nào có việc gì là cả làng xúm vào làm, mỗi người góp tay một chút. Nhờ thế, hiện nay có đến hơn ¼ số hộ trong thôn có đời sống khá giả và chỉ còn 7 hộ khó khăn do mới tách khẩu.

Ông Huấn nói với nét mặt hồ hởi: Không chỉ giúp nhau làm kinh tế, ở Phước Trung, văn hóa truyền thống của người Nùng còn thể hiện rất đậm nét trong sinh hoạt hàng ngày. Mỗi khi gia đình nào có việc hiếu, hỉ, bà con không ai bảo ai, chủ động đến góp công, chia sẻ vui buồn và cùng lo tròn công chuyện. Chính vì tình người nhân ái mà không khí nơi đây rất đầm ấm, yên bình. Nói về bản thân mình ông Huấn cho biết chuyện giúp đỡ bà con là chuyện thường, nhưng cái vui mừng nhất là hiện nay là con cái ông đều được ăn học đến nơi đến chốn và ngoan lắm.

Ghé nhà ông Thạch Văn Phúng khi ông vừa sắm thêm chiếc máy cắt lúa xếp dãy và chuẩn bị đi làm giúp. Ông Phúng được nhắc đến là người “cơ giới” sớm nhất thôn khi mà từ chục năm trước ông đã sắm đủ loại máy như: máy phun thuốc sâu, máy cày, máy phay…Lý giải về việc này ông tâm sự: Hồi mình mới vào không có vốn phải dùng sức kéo của trâu bò nên không đảm bảo được kịp thời vụ. Làm ruộng mà trễ quá hoặc sớm quá là thất bại, do đó khi có tiền là mình sắm máy ngay. Nhờ có hồ thuỷ lợi Phước Trung mà bà con Phước Cát 2 đã chủ động nước để làm lúa từ 1 vụ thành 3 vụ. Nhà mình có 2 ha, mỗi ha vụ nào cũng thu hoạch từ 8 - 9 tấn mà chỉ có 2 vợ chồng làm nhờ toàn bộ là cơ giới. Nếu mình làm thủ công thì rất chậm, dẫn đến giá trị lao động rất thấp mà năng suất cây trồng cũng thấp theo.

Điều ông Phùng vui nhất là 4 đứa con đều có học, hai lớn ra trường đang công tác ở trường cấp 2, thằng kế đang học ngành Toán ĐH Sư phạm Huế còn đứa út đang học lớp 12. Ông Phúng bảo: Việc cho bà con vay mượn đó là truyền thống rồi, mình có gì dư bà con đến hỏi là cho vay mượn hết. Nhờ thế bây giờ mọi người quý mình lắm.

Sẽ nhân rộng mô hình ra các địa phương khác

"Phước Trung hiện đang là niềm tự hào của huyện. Nhờ cần cù chịu khó mà bà con đã vươn lên làm giàu, đời sống kinh tế ổn định. Đặc biệt, người dân còn có truyền thống hiếu học, luôn đầu tư tối đa cho con em ăn học. Ngoài ra, họ còn gìn giữ và bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vừa qua, huyện đã quyết định hỗ trợ mọi mặt để Phước Trung khôi phục lại lễ hội Lồng Tồng (lễ hội Xuống Đồng), một lễ hội văn hóa đặc trưng nhất của đồng bào dân tộc Nùng và một số dân tộc khác như Tày, Dao, Sán Chỉ… Ngoài ra, chúng tôi cũng đang lên kế hoạch phổ biến, tuyên truyền mô hình ở Phước Trung đến các địa phương khác", ông Lê Ngọc Sanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên

Chúng tôi đến nhà ông Tô Xuân Vạng, một trong số những người sản xuất giỏi nhất thôn. Ông Vạng đang có hơn 1 ha lúa, vụ vừa rồi sau khi để lại ăn, giúp đỡ bà con trong thôn, còn lại ông bán đi được gần 30 triệu để dành. Khi chúng tôi đến, ông Vạng tìm một lúc không có nước sôi pha trà, đành xách một chai rượu trắng ra và thanh minh: Mấy hôm nay vợ chồng tôi suốt ngày làm đồng nên không kịp đun nước. Người Nùng chúng tôi có thói quen là khách đến nhà có nước gì dùng nước đó, không rào đón, không khách sáo. Ly nước hay ly rượu là thể hiện lòng mến khách của gia chủ.

Nghe ông Vạng thiệt tình, chúng tôi cũng không lỡ từ chối ly rượu. Ông Vạng năm nay 54 tuổi, có hai con, trong đó cô con gái đã tốt nghiệp Đại học Y TP. HCM hiện đang công tác tại Bệnh viện huyện Cát Tiên. Cậu con trai đang là sinh viên ĐH Sư phạm TPHCM.

Ông Đàm Xuân Hàm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Cát 2 vui mừng kể: Các gia đình ở Phước Trung thi đua đầu tư cho con em ăn học thành tài. Hiện cả thôn có hơn 100 người có trình độ đại học. Các cháu theo học đủ các ngành như: Luật, Y, Dược, Công nghệ thông tin, Nông lâm... Điều đáng mừng là nhiều kỹ sư, cử nhân sau khi tốt nghiệp ra trường đã được chính gia đình vận động về quê công tác để góp phần xây dựng quê hương. Mừng hơn, ở Phước Trung mỗi năm số học sinh thi đậu đại học cao hơn năm trước. Năm 2009, cả thôn có 9 cháu thi đậu vào các trường ĐH thì năm nay tăng thêm 3 cháu.

Chia tay với bà con Phước Trung, chúng tôi nhận được nhiều lời mời ở lại uống rượu chung vui cùng bà con vì lần đầu tiên họ được gặp nhà báo. Ông Đàm Xuân Hàm còn bảo: Tết này các anh tranh thủ về đây chơi nhé. Bà con mổ “heo đụng” (vài hộ chung nhau 1 con heo) ăn Tết vui lắm...

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm