| Hotline: 0983.970.780

Đất đá theo anh cả cuộc đời

Thứ Sáu 18/11/2011 , 11:00 (GMT+7)

GS.TSKH Nguyễn Văn Thơ là một chuyên gia đầu ngành về cơ học đất...

GS Nguyễn Văn Thơ: "Tôi về hưu rồi nhưng chưa thảnh thơi đâu"

GS.TSKH Nguyễn Văn Thơ là một chuyên gia đầu ngành về cơ học đất. Không những đã để lại dấu ấn với các đề tài nghiên cứu về xây dựng công trình trên nền đất yếu, ông còn góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nên nhiều nhà khoa học giỏi về chuyên môn cho các ngành thủy lợi, giao thông.

"Nhà giáo không chính ngạch"

Khi tôi đến thăm, GS Nguyễn Văn Thơ đang ung dung ngồi đọc báo trên ghế đá trước cửa nhà. Trên mặt bàn đá, có một hộp quà khá đẹp. Thấy tôi nhìn hộp quà, ông khoe "Quà 20 tháng 11 của học trò đấy. Cậu ấy là Phó Giáo sư Trường Đại học Bách khoa TP HCM”.

Người học trò ấy là 1 trong 18 tiến sỹ mà GS Nguyễn Văn Thơ đã đào tạo nên. Ngoài ra, ông cũng đã từng hướng dẫn thành công luận án cho trên 50 thạc sỹ và là người thày đáng kính cả về tài năng lẫn đạo đức của hàng ngàn kỹ sư. Thành tích đào tạo ấy, quả thực rất đáng nể, nhất là với một người luôn tự nhận mình là nhà giáo không chính ngạch, như ông.

Thủy lợi không phải là lựa chọn nghề nghiệp ban đầu của GS Nguyễn Văn Thơ, cả công việc dạy học cũng vậy. Ngày trẻ, ông học toán rất giỏi. Vì thế, ông đã thi đậu vào Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng vì là học sinh miền Nam (ông quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi), ông lại được yêu cầu sang học bên ngành thủy lợi ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian đầu, ông không thấy thích ngành thủy lợi chút nào. Nhưng càng học, ông càng nhận ra thủy lợi có rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, giải quyết. Dần dà, trong ông đã hình thành sự say mê với thủy lợi, cái ngành mà rồi đây ông sẽ gắn bó và cống hiến suốt cả cuộc đời.

Nghề dạy học cũng đến với ông một cách tình cờ. Ngày ấy, do thiếu giáo viên đại học, một số sinh viên giỏi năm thứ 3, trong đó có Nguyễn Văn Thơ, đã được nhà trường chọn ra và cử đi giảng bài tập về sức bền vật liệu cho các sinh viên năm thứ 2. Sau khi tốt nghiệp, nhà trường muốn giữ ông lại làm giảng viên, nhưng lúc ấy, ông muốn được đi vào thực tế sản xuất hơn là đứng trên bục giảng, nên đã xin về Bộ Thủy lợi.

Nhưng rồi, như có một mối “duyên tiền định” nào đó với nghề dạy học, khi đã là người của Bộ Thủy lợi, Nguyễn Văn Thơ lại được cử về… giảng dạy ở Học viện Thủy lợi Điện lực. Năm 1971, Nguyễn Văn Thơ được sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh Kandidat mà trước đây ở Việt Nam gọi là Phó tiến sỹ. Chương trình làm luận án là 4 năm, nhưng chỉ trong vòng 3 năm, ông đã hoàn thành và bảo vệ thành công học vị Kandidat.

Bài luận của ông xuất sắc tới mức sau đó đã được Liên Xô đưa vào giáo trình giảng dạy và được in trong một cuốn sách về khoa học bằng tiếng Nga, xuất bản năm 1977. Nhớ lại chuyện đó, gương mặt ông lại ánh lên niềm vui: “Mình chẳng biết là bài luận đó được in trong sách bên Nga. Tới khi được một người bạn là ông Nguyễn Công Mãn báo tin, tôi mới vội ra chỗ bán sách ngoại văn để tìm mua cuốn sách đó mà không được. Cuối cùng phải xin ông Mãn tặng lại cuốn sách đó cho mình để giữ làm kỷ niệm”.

Không những thế, ông còn được Liên Xô đề nghị Chính phủ Việt Nam cho làm luận án doktor nauk (tương đương với học vị tiến sỹ khoa học ở nước ta hiện nay). Tuy nhiên, sang năm 1975, đất nước được thống nhất, ông đã trở về nước rồi vào công tác ở Phân viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi Miền Nam (mãi tới cuối năm 1984, Nguyễn Văn Thơ mới lại được cử sang Liên Xô để làm luận án tiến sỹ khoa học, và bảo vệ thành công 2 năm sau đó). Tại đây, ngoài việc tham gia các công trình thủy lợi, thủy điện lớn như Dầu Tiếng, Trị An…, ông đã mạnh dạn lên Tây Nguyên nghiên cứu về việc dùng đất đỏ bazan để đắp đập làm hồ thủy lợi.

Bồi dưỡng đội ngũ kế cận

Từ quá trình nghiên cứu, giảng dạy và đi thực tế, GS Nguyễn Văn Thơ đã nghiệm ra rằng để thành công trong lĩnh vực khoa học, nhất là khoa học ứng dụng, người nghiên cứu khoa học phải hội đủ 3 yếu tố: say mê nghiên cứu khoa học, tích cực đào tạo đội ngũ kế cận và đi vào thực tiễn phục vụ sản xuất. Ông bảo, anh say mê nghiên cứu khoa học, nhưng nếu chỉ làm một mình thì không thể thành công được. Do đó, anh phải nỗ lực đào tạo ra đội ngũ những người kế cận. Và anh phải đi vào thực tiễn sản xuất để phát hiện ra những khó khăn, trở ngại trong sản xuất, qua đó có những nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tế.

Với phương châm ấy, suốt từ năm 1977 đến nay, dù liên tục bận rộn với việc nghiên cứu về xây dựng công trình trên các nền đất yếu, rồi các công trình thủy lợi, thủy điện lớn nhỏ từ Bắc tới Nam, GS Nguyễn Văn Thơ đã không ngừng tham gia vào việc đào tạo nên đội ngũ các nhà khoa học thủy lợi, các chuyên gia về xử lý nền móng, đê đập ở nước ta, đồng thời làm giáo viên thỉnh giảng ở nhiều trường đại học. Điều đáng nói là tất cả các luận văn tiến sỹ do ông hướng dẫn đều xuất phát từ những vấn đề cần giải quyết trong xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông… ở nước ta, do đó đều có giá trị ứng dụng cao.

Xem qua những luận án tiến sỹ do ông hướng dẫn, có thể thấy ngay được điều này. Chẳng hạn đề tài nghiên cứu về việc sử dụng đất sét có tính trương nở - co ngót để đắp đập trong điều kiện nhiệt đới ẩm ở Việt Nam của Trần Thị Thanh, hay đề tài xây dựng đập đất vùng miền Trung với đất có tính chất đặc biệt của Lê Xuân Roanh …

Vừa rồi, trong lễ kỷ niệm 50 năm lớp Thủy lợi khóa 3 ĐH Bách khoa Hà Nội, các thành viên trong lớp đều được khắc họa chân dung, sự nghiệp bằng 4 câu thơ. GS Nguyễn Văn Thơ cũng vậy. Nhắc tới chuyện này, ông hào hứng lấy ra một cuốn kỷ yếu in những bài thơ đó, đọc cho tôi nghe bài thơ viết về ông:

Đất đá theo anh cả cuộc đời

Dấu chân tiến sỹ khắp nơi nơi

Dốc bao công sức cho sự nghiệp

Cuộc sống tuổi già có thảnh thơi?

Đọc xong ông cười, bảo: “Tôi đã về hưu lâu rồi, nhưng chưa thảnh thơi đâu. Vẫn làm việc hàng ngày, vẫn thường xuyên đi công trình, viết sách và hướng dẫn các luận án tiến sỹ”. Vậy là sau 18 vị tiến sỹ đã thành danh, “nhà giáo không chính ngạch” Nguyễn Văn Thơ vẫn đang tiếp tục đào tạo cho ngành thủy lợi, giao thông nước nhà những chuyên gia thực thụ.

Bằng chứng là ở một góc bàn làm việc của ông đang có một luận án tiến sỹ của một nghiên cứu sinh Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nghiên cứu về tính ổn định và biến dạng của nền đất yếu dưới nền đường ô tô ngập lũ ở ĐBSCL. Lại là một đề tài xuất phát từ thực tế như trong phương châm nghiên cứu khoa học mà GS Nguyễn Văn Thơ đã miệt mài đeo đuổi suốt mấy chục năm qua.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất