| Hotline: 0983.970.780

Đất hiếm ở Việt Nam: Khai thác không đơn giản

Thứ Tư 03/11/2010 , 10:04 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia cho rằng, rất quý, nhưng đất hiếm không dễ khai thác và tinh luyện.

Khai thác đất hiếm đang là chủ đề “nóng” được báo giới quan tâm. Tuy nhiên, không phải đến nay chuyện này mới được đề cập. Nhiều chuyên gia cho rằng, rất quý, nhưng đất hiếm không dễ khai thác và tinh luyện.

Lời cảnh báo 500 năm trước

Theo lời kể và các đống hồ sơ tài liệu đã thất lạc nhiều của UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, cách đây vài chục năm đã từng có các chuyên gia nước ngoài lên đây nghiên cứu. Có lệnh bảo mật nên mọi người cũng chỉ biết có mỏ khoáng sản gì đấy. Và họ bảo bà con không nên sống gần khu vực này. Song do bà con không biết cái chất đó nguy hiểm đến đâu, nên vẫn dựng nhà sống cạnh suối. Hơn nữa, quanh khu vực này có rất nhiều ruộng, nên việc bảo người dân chuyển đi nơi khác là không thể.

Trong báo cáo điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ, khả năng ảnh hưởng và biện pháp khắc phục trên một số mỏ phóng xạ có chứa phóng xạ ở Lai Châu năm 2004 của các tác giả Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Tự và cộng sự thuộc Liên đoàn địa chất xạ hiếm, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chỉ ra vùng không an toàn phóng xạ tại xã Nậm Xe với diện tích 15,6 km2, đặc biệt là tại bản Màu và Đồn biên phòng 277. Nghiên cứu trên đã chỉ ra hàm lượng urani, thozi... trong đất và nước tại Nậm Xe cực kì cao, nước uống nhiễm xạ vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Ông Tiến, chủ nhiệm công trình trên cho biết, đây là một mỏ phóng xạ. Có lẽ kỹ thuật hồi những năm 70 không cho phép các chuyên gia nước ngoài khai thác, nhưng rõ ràng việc khoan thăm dò có xảy ra và việc rò rỉ nguồn phóng xạ này là có. Chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo cho các cấp, ngành cần có quy hoạch cấp nước sinh hoạt cho người dân, không nên cấp đất canh tác và cho dân làm nhà trên các khu mỏ và vùng lân cận.

 Đối với người dân thì không nên trồng cây lương thực và chăn thả gia súc tại khu vực đã khoanh vùng ô nhiễm. Kết quả nghiên cứu được đưa ra cách đây đã 6-7 năm, nhưng đến nay người dân nơi đây vẫn chưa nhận được một khuyến cáo, giúp đỡ nào của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, thời gian vừa qua, 1 đoàn kỹ sư người Nhật đã 2 lần vào thăm dò để khai thác.

Cách đây 5 thế kỷ, trong lần đi thực địa Nguyễn Trãi đã từng viết trong cuốn Dư địa chí về mảnh đất này, đại ý rằng: Đây là vùng đất hiếm. Nước suối có thể đổi màu 5 lần/ngày, mắt nhìn thẳng không thể thấy. Đá ở suối không mọc được rêu – Tuy nhiên về chuyện nước suối thay màu 5 lần/ngày, theo một số chuyên gia, bản chất nước là không màu sắc, nhưng tuỳ theo tác động của phóng xạ vào hạt ánh sáng mà quang phổ (xuất hiện khi nhìn nghiêng mặt nước lúc ánh sáng mặt trời chiếu vào – như cầu vồng) có thể thay đổi độ đậm nhạt khác nhau.

Khó nhất là công nghệ

Về công nghệ khai thác đất hiếm, TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia về mỏ và địa chất, cho rằng, khai thác tài nguyên này khó hơn bô-xít rất nhiều. Đất hiếm cũng như bô-xít, chứa rất nhiều các ô-xít kim loại, nhưng kim loại ở đây hiếm hơn rất nhiều. Nếu đưa ra một phép so sánh với bô-xít, thì công nghệ để phân tách kim loại trong đất hiếm khó hơn hàng chục lần.

Còn theo GS Lê Như Hùng, Trường ĐH Mỏ địa chất, đất hiếm có hai mặt: Nguyên tố chứa trong nó rất quý, nhưng cũng là cái dở, đó là tất cả 17 nguyên tố trong tài nguyên này thường đi cùng nhau, nếu mà khai thác xong, luyện hoặc tuyển ra, phải được cả 17 nguyên tố này, chứ lấy được nguyên tố này, lại bỏ nguyên tố kia, thì cũng vừa lãng phí, lại vừa không mang lại hiệu quả tốt nhất của những nguyên tố còn lại. Hai nữa là tính chất hóa học của các nguyên tố trong đất hiếm lại gần giống nhau. Nếu không luyện cẩn thận, kim loại hiếm trong đất có thể bay hơi theo ô-xy, nên chỉ có các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật mới có đủ khả năng để luyện tuyển lấy các loại nguyên tố hiếm này trong đất hiếm.

 “Như vậy, tôi cho rằng, về công nghệ hiện nay, Việt Nam chưa thể lấy được các nguyên tố này, cho nên việc xuất thô là đương nhiên”, GS Hùng nhận định.

Mức cầu của thế giới về đất hiếm tăng 10% mỗi năm, hiện nay lên đến 120.000 tấn so với 40.000 tấn vào năm 2000. Trong một nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng Mỹ, bà Cindy Hurst, Viện Phân tích an ninh toàn cầu (IAGS) nhận định: Nếu không có các đất hiếm, phần lớn các công nghệ hiện đại sẽ hoàn toàn khác đi và rất nhiều chức năng có lẽ sẽ không thực hiện được. Ví dụ chúng ta không thể thu nhỏ kích cỡ của điện thoại hay máy tính xách tay. Nói chung, càng được cách tân (tức càng bền, nhẹ, nhỏ và càng thích hợp với sinh thái), máy móc càng cần đến các đất hiếm.

Về vấn đề môi trường trong quá trình khai thác, theo TS Sơn, khai thác đất hiếm sẽ không “nguy hiểm” cho môi trường như bô-xít, bởi vì trữ lượng đất hiếm không lớn. Một ví dụ đơn giản như Trung Quốc, họ là nước khai thác nhiều nhất thế giới, nhưng sản lượng trung bình mỗi năm cũng chỉ hơn 100 nghìn tấn. Ở Việt Nam, vùng trên Tây Bắc có đặc thù là vùng núi, dân cư thưa thớt nên mức độ ảnh hưởng không nguy hại như bô-xít.

“Tất nhiên là khi đã nói đến khai thác mỏ thì tất cả, không ít thì nhiều, đều có hại cho môi trường đất, nước, tài nguyên thực vật. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, việc thăm dò, khai thác không hề đơn giản, vì vùng núi non như vậy, việc đưa máy móc lên cũng khó. Ngay như đồng bằng, việc khoan thăm dò trữ lượng than ở bể than sông Hồng cũng đã mất tới hàng triệu đồng một mũi khoan”, TS Sơn cho hay.

Đất hiếm, thật ra không hiếm, nhưng sở dĩ chúng “hiếm” vì công nghệ khai thác và xử lý thường đắt, thậm chí nguy hiểm bởi yếu tố rủi ro cao đối với khả năng gây tổn hại môi trường (quặng đất hiếm thường xuất hiện gần trầm tích các chất phóng xạ chẳng hạn thorium hoặc uranium). Do vậy, phương Tây lâu nay “nhường sân” khai thác đất hiếm cho Trung Quốc. Phí nhân công thấp và luật môi trường thuộc hàng lỏng lẻo nhất thế giới là “ưu thế” số một của công nghiệp khai thác đất hiếm Trung Quốc mà không đối thủ nào địch lại.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.