| Hotline: 0983.970.780

Đất khai hoang thành đất rừng phòng hộ?

Thứ Ba 09/10/2012 , 10:04 (GMT+7)

Một diện tích đất rừng hơn 10ha được gia đình bà Võ Thị Gái (thôn Thanh Vân, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, TT-Huế) khai hoang và sử dụng từ năm 1976. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ bởi BQL rừng phòng hộ Hương Thủy cho rằng phần đất này thuộc tiểu khu 171 của đơn vị.

Một diện tích đất rừng hơn 10ha được gia đình bà Võ Thị Gái (thôn Thanh Vân, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, TT-Huế) khai hoang và sử dụng từ năm 1976. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ bởi BQL rừng phòng hộ Hương Thủy cho rằng phần đất này thuộc tiểu khu 171 của đơn vị.

Theo đơn bà Gái gửi các cơ quan chức năng, năm 1976, gia đình bà nằm trong diện di dân đi vùng kinh tế mới tại xã Dương Hòa. Khi đến đây định cư, bà có khai hoang diện tích đất đồi núi khoảng 10ha tại khu vực Khe Dài, Khe Lạnh. Năm 2003, thực hiện chủ trương của Nhà nước về phủ xanh đất trống đồi trọc, gia đình bà cho tiến hành trồng cây keo trên phần diện tích đất đồi núi mà gia đình đã khai hoang trước đó. Tuy nhiên, vào thời điểm này, do điều kiện đi lại khó khăn nên một phần diện tích rừng bị trâu bò quật phá, bà phải nhiều lần trồng dặm bổ sung.


Đất rừng tại khu vực Khe Dài, Khe Lạnh được gia đình bà Gái khai hoang từ năm 1976

Năm 2008, khi đo đạc bản đồ quản lý rừng, thì thửa đất rừng của gia đình bà cũng được đo vẽ vào bản đồ, đứng tên con trai bà. Trên cơ sở đó, bà Gái về UBND xã Dương Hòa xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ rừng, lại không được UBND xã xác nhận đủ điều kiện. Lý do được đưa ra là vùng đất này nằm trong khu vực rừng phòng hộ Hương Thủy đã được UBND tỉnh TT-Huế phê duyệt, nên không thể cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Bà Võ Thị Gái cho biết: “Diện tích đất rừng trên được gia đình tôi sử dụng liên tục trong nhiều năm liền. Hồi năm 2003, để trồng hơn 10 ha rừng, gia đình tôi đã đổ không biết bao nhiêu công sức và tiền của. Những năm đó ngoài số thành viên trong gia đình, tôi đã thuê nhân công gùi cây giống, vượt đường núi vào trong Khe Dài, Khe Lạnh để trồng rừng mỗi ngày 40 nghìn đồng/nhân công. Nhưng giờ đất đó không làm được sổ đỏ, coi như công sức đổ sông đổ biển”.

“Lên làm kinh tế mới từ sau ngày giải phóng, gia đình chúng tôi luôn là gia đình gương mẫu trong địa phương, bằng việc tôi đã hiến nhiều diện tích đất cho chính quyền xây trụ sở ủy ban, nhà trẻ và ủng hộ các hoạt động của địa phương. Tuy nhiên, đến nay cách mà địa phương “đối đãi” với gia đình tôi như thế hỏi có công bằng không?” - bà Gái bức xúc cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2008, thực hiện công tác đo đạc lại diện tích, phân loại lại hiện trạng rừng trên địa bàn xã Dương Hòa do đoàn đo đạc 202 thực hiện, gia đình bà Gái đã mời đoàn về đo đạc và đưa vào bản đồ hiện trạng, thể hiện thửa đất nói trên mang số 535, tờ bản đồ số 2, diện tích hơn 10ha do ông Trương Hữu Phong (là con trai bà Gái) đứng tên. Trên cơ sở đó, gia đình bà Gái tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với diện tích đất rừng này. Tuy nhiên, qua rà soát với bản đồ đo đạc, thì thửa đất này nằm trong tiểu khu rừng 171 được xác định là rừng phòng hộ, do đó, hồ sơ xin cấp giấy của gia đình bà Gái không được cấp xét.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa cho biết: “Thực tế cho thấy gia đình bà Võ Thị Gái có sử dụng hơn 10ha trồng rừng ở khu vực Khe Lạnh, Khe Dài. Tuy nhiên, đến nay thời điểm sử dụng hiện vẫn chưa xác định được. Sau khi gia đình bà Gái có khiếu nại về việc không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, đại diện BQL rừng phòng hộ Hương Thủy và UBND xã Dương Hòa đã tiến hành nhiều cuộc họp mời bà Võ Thị Gái ra giải quyết, nhưng vẫn chưa có kết quả”. Trong khi đó, nhiều lần chúng tôi liên hệ để đăng ký làm việc với phía BQL rừng phòng hộ Hương Thủy nhưng đều bị từ chối làm việc. Điều đáng nói là theo phía gia đình bà Gái thì họ đã khai hoang sử dụng diện tích rừng này từ rất lâu, trước thời điểm khu vực này được xác định là rừng phòng hộ. Trong khi nhiều hộ dân ở xã Dương Hòa cũng khai hoang diện tích đất rừng cùng thời điểm như bà nhưng lại được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất