| Hotline: 0983.970.780

Đất lạ hóa quê hương

Thứ Hai 21/10/2013 , 11:47 (GMT+7)

Mỗi lần đọc bài thơ “Tiếng hát con tàu”, tôi lại muốn khoác ba lô lên vai, hành trình lên “xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng”, tìm gặp những người miền xuôi đã “làm đất lạ hóa quê hương”...

Mỗi lần đọc bài thơ “Tiếng hát con tàu”, tôi lại muốn khoác ba lô lên vai, hành trình lên “xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng”, tìm gặp những người miền xuôi đã “làm đất lạ hóa quê hương” để nghe họ kể chuyện về hành trình vực dậy vùng đất khó Tây Bắc đầy gian nan nhưng rất đỗi tự hào cách đây nửa thế kỷ.

Đường lên Sông Mã gian nan trùng trùng

Hợp tác xã Lê Hồng Phong (xã Nà Nghịu, thị trấn Sông Mã) là địa chỉ để tôi tìm kiếm những người Hưng Yên đi tiền trạm xây dựng kinh tế mới tại huyện Sông Mã (Sơn La) vào năm 1961. Bởi đó là cái nôi đầu tiên mà họ xây dựng lên để “thay máu” một vùng đất hoang vu và nghèo đói.

Chỉ có con tàu tâm tưởng

Nhờ sự chỉ dẫn của ông Lò Văn Muôn (88 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch kiêm Phó Bí thư thường trực huyện Sông Mã, là người trực tiếp cưỡi ngựa xuống tận xã Chiềng Khương đón đoàn tiền trạm xây dựng kinh tế mới vào tháng 9/1961, tôi đã tìm được những người cần gặp. Nhưng, quá nửa thế kỷ trôi qua đã bào mòn trí nhớ của không ít cụ cao niên.

Trong số họ, nhiều người đã khuất núi, yên nghỉ nơi suối vàng. Cụ Dương Xuân Thái (86 tuổi), ở tổ 2, bản Lê Hồng Phong, xã Nà Nghịu là một trong số ít những người còn sống và kể được câu chuyện một cách rành mạch.

Dù đôi mắt đã mờ đục, tay chân không còn hoạt bát, nhưng khi lục lại ký ức về những ngày đầu tiên lên vùng Sông Mã, khuôn mặt cụ bỗng rạng rỡ như muốn trở về với thời thanh xuân. Cụ Thái kể: Đầu năm 1961, huyện Yên Mỹ triển khai cuộc vận động nhân dân lên Sơn La xây dựng kinh tế và bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc.

Khi ấy tôi 34 tuổi, đang làm Bí thư Đoàn xã Yên Phú, lại là đảng viên dự bị. Vợ tôi mới 22 tuổi. Đứa con lớn đi chưa vững, còn đứa nhỏ đang tập bò. Nhà vẫn là tường đất lợp mái tranh. Nghĩ đến gia cảnh ấy mà lòng xót xa lắm, nhưng vì nhiệm vụ, vì tiếng gọi của Đảng nên tôi quyết xung phong đăng ký đi tiền trạm, làm giàu ở vùng đất mới để đón vợ con lên hưởng cuộc sống an nhàn.


Cụ Dương Xuân Thái ngồi bên cạnh vợ hồi tưởng lại hành trình vất vả từ Hưng Yên lên Sông Mã

Cụ Thái cũng cho biết, những người đăng ký lên Tây Bắc chủ yếu là nam thanh, nữ tú tuổi đời còn rất trẻ và chưa xây dựng gia đình. Để các thành viên ổn định tư tưởng và không bị dao động tinh thần trước khó khăn, tất cả mọi người đều được học một khóa bồi dưỡng chính trị trong thời gian 7 ngày trước khi lên đường.

Sáng sớm ngày 14/9/1961, hai chiếc xe Giải phóng đã đậu trước cửa chùa Tổng Yên Mỹ chờ đón hơn 60 nam thanh, nữ tú lên tiền trạm. Ông Cầm Liên, Chủ tịch tỉnh Sơn La và ông Lò Văn Sáng, Chủ tịch Uỷ ban hành chính châu Sông Mã (huyện Sông Mã bây giờ) cũng có mặt để đi theo đoàn. Tư trang của mỗi người chỉ có 2 chiếc chăn chiên, một cái màn, một cái áo bông nhà nước cấp và một vài đồ đạc sinh hoạt cá nhân.

“Đường lên Tây Bắc không đẹp như những gì nhà thơ Chế Lan Viên miêu tả, cũng chẳng có đường tàu nào. Chỉ có con tàu tâm tưởng của khát vọng chinh phục miền đất khó", cụ Thái nói.

Ngày đầu tiên, đoàn tiền trạm dừng lại ở Km22 (ngã ba thị trấn Mường Khến, tỉnh Hòa Bình bây giờ) nghỉ nhờ nhà dân một tối. Mặc dù khá mệt khi phải ngồi trên thùng xe không mái che, không đệm lót, nhưng vừa xuống bản, mọi người lại tất tả mượn xoong nồi, xin củi lửa thổi cơm, sau đó ép thành từng nắm, bỏ vào tay nải để ngày hôm sau vừa đi đường vừa ăn. Ngày thứ hai, đoàn xe tiếp tục lăn bánh từ Hoà Bình lên Mộc Châu (Sơn La).

Từ Mộc Châu, đường đi trở nên nguy hiểm đến rợn ngợp. Độ rộng lòng đường gần như vừa khít hai bánh xe chạy, vì chưa được cứng hóa bề mặt nên ổ gà nhiều không thể đếm xuể. Trong khi đó, một bên là vách núi cao chợn rợn, một bên là vực sâu hun hút. Có nhiều đoạn, xe bị sa lầy, tất cả mọi người phải vừa đẩy vừa vác đá kè sau bánh mới di chuyển qua được. Chiếc xe hết lắc phải lại nghiêng trái khiến ai nấy cũng phải thót tim, ruột gan lộn lạo.

Vật lộn với cung đường tử thần từ sáng sớm đến chiều tối, cuối cùng 2 chiếc xe Giải phóng cũng đến được đội 4 Hoàng Văn Thụ (đoạn đường cuối cùng ô tô có thể chạy). Gọi là bản, nhưng dân cư sống rất tản mát. Tại đó chỉ có 3 gia đình người Thái sinh sống. Họ đã tự nguyện dồn vào sống chung trong một ngôi nhà, nhường giường sẻ chiếu để đoàn tiền trạm có chỗ nghỉ ngơi và dưỡng sức, chuẩn bị cho cuộc hành trình đi bộ hơn 7 ngày, vượt 24 con suối, vài chục quả đồi để vào Sông Mã.

Dọc đường đi, thỉnh thoảng lại có một quán tự giác (người dân bản địa mang trứng, rau, hoa quả đặt lên một cái bàn, hoặc treo trên một thanh sào. Cạnh đó là một chiếc hộp nhỏ. Chủ quán không cần đứng bán và thu tiền, mà người mua tự lấy hàng hóa rồi bỏ tiền vào hộp) nên mỗi người chỉ cần mang theo gạo là đủ.

Yên Mỹ - Sông Mã một nhà

Kể đến đây, cụ Thái nhấp một chén trà mạn rồi tiếp tục câu chuyện còn dang dở: Trong 7 ngày lội suối, men theo đường mòn trơn trượt “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, chui rúc trong những tán rừng rậm rạp với nỗi kinh hãi về vắt rừng, rắn rết…, không biết bao nhiêu giọt mồ hôi đã đổ; giọt nước mắt đã rơi và giọt máu đã chảy.

Khi sức lực của mỗi thành viên gần như đã cạn kiệt, thì cũng là lúc cả đoàn đặt chân đến bản Lè, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã. Tại đây, trong đêm văn nghệ chan chứa tình cảm ngược xuôi, hai dân tộc Thái - Kinh đã tặng cho nhau những lời ca tiếng hát ngọt ngào, những điệu múa xòe, múa sạp, múa nón... Không khí đầm ấm ấy khiến mọi người quên đi sự mệt nhọc, vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương sau một chặng đường đầy gian nan vất vả.

Lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban hành chính châu Sông Mã và Ủy ban hành chính 2 xã Chiềng Khoong, Nà Nghịu đã tổ chức lễ giao nhận quân số giữa hai huyện Sông Mã và Yên Mỹ tại bản Lè xã Chiềng Khoong với những khẩu hiệu ý nghĩa:

Yên Mỹ - Sông Mã một nhà

Sông Mã - Yên Mỹ đều là con chung

Sau đó, đoàn tiền trạm lại ba lô gồng gánh quân tư trang tiếp tục hành trình đi bộ về xã Nà Nghịu dưới sự dẫn đường của cán bộ huyện. Vô vàn khó khăn, vất vả đang chờ đón họ ở phía trước. Chỗ ăn, ở còn thiếu trầm trọng. Toàn bộ cơ ngơi là 2 căn nhà do đoàn tiền trạm lên trước dựng, chỉ đủ cho cán bộ khung và một vài thành viên ở. Vì vậy, nhiều người phải nương nhờ nhà dân từ bản Púng Bán đến bản Địa, Hát Lay. Một số dựng tạm lều lán để ở qua ngày đoạn tháng.

Diện tích đất ở và đất sản xuất nông nghiệp mà huyện Sông Mã quy hoạch cho nhân dân huyện Yên Mỹ đều là rừng hoang bạt ngàn cây cối. Gỗ, tre, lau sậy, cây gai, cỏ ngứa mọc um tùm; dụng cụ sinh hoạt, công cụ sản xuất như cày, bừa, dao, liềm, cuốc xẻng, còn thiếu nghiêm trọng.

Trong khi đó, kinh nghiệm phát nương làm rẫy của người miền xuôi chưa có; khí hậu thời tiết thì khắc nghiệt: mùa khô nắng nóng gió Lào, mùa mưa kéo dài 2 - 3 tháng; đường sá dốc, nhỏ và lầy lội; địa bàn dân cư cách xa nhau, mật độ thưa thớt, không có điểm chợ búa để giao lưu hàng hóa; ngôn ngữ hai dân tộc Kinh - Thái bất đồng đã tác động đến tư tưởng của nhiều thành viên trong đoàn.

Bà Nguyễn Thị Mùi, 76 tuổi, quê ở thôn Bình Phú, xã Yên Phú, Yên Mỹ - người đi cùng đoàn tiền trạm với cụ Dương Xuân Thái kể thêm: Ngày chúng tôi đăng ký đi lên Sông Mã khai hoang phát triển kinh tế, ít người có thể hình dung nơi này lại hoang vu đáng sợ đến vậy.


Bà Nguyễn Thị Mùi, một trong những người Hưng Yên đi tiền trạm khai hoang, phát triển kinh tế vùng Sông Mã

"Bị cô lập giữa điệp rừng núi; đêm đến, thú dữ về bản tác oai tác quái, cắn nhau inh ỏi, nhiều người còn không dám mở cửa đi vệ sinh…; kèm theo đó là nỗi nhớ người thân da diết", bà Nguyễn Thị Mùi. 

Ở quê, chính quyền xã đã cắt khẩu nên không thể quay về. Chiều chiều, cánh con gái chúng tôi và một vài thanh niên lại rủ nhau ra bờ sông cứ thế khóc rưng rức. Một vài người chưa quen gian khổ, chây ì lao động đã lén lút rang ngô rồi đúc vào ống nứa để thực hiện ý đồ bỏ trốn về quê, nhưng được các đồng chí lãnh đạo chấn chỉnh kịp thời với tư tưởng “cắm rễ cho sâu, làm giàu đất mới” nên đã ở lại. Từ năm 1961 đến 1965, không có người nào tự ý bỏ về quê.

Những thành viên trong đoàn tiền trạm trở thành lực lượng nòng cốt khai khẩn rừng hoang, tổ chức sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu để “rước” gia đình và những người đi sau có điều kiện phát triển.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.