| Hotline: 0983.970.780

Đất nuôi cá rớt theo giá cá tra

Thứ Năm 24/06/2010 , 09:45 (GMT+7)

Giờ đây, những ao nuôi cá tra trị giá bạc tỉ ngày trước đang bị bỏ hoang hoặc rao bán, cho thuê nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Vào thời điểm nghề nuôi cá tra XK làm ăn phát đạt, một ao nuôi cá tra nuôi 6 tháng có thể lời hơn 1 tỷ đồng, đã tạo nên cơn sốt đất nuôi cá dọc sông Tiền, sông Hậu. Khi đó, người ta kéo nhau đi mua đất ruộng lúa, đất trồng cây ăn trái, đất bãi bồi… để đào ao nuôi cá với giá “tấc đất tấc vàng”. Còn giờ đây những ao nuôi cá tra trị giá bạc tỉ ngày trước bị bỏ hoang hoặc rao bán, cho thuê nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Một trong những nơi giá đất nóng nhất thời điểm năm 2004 – 2006 có lẽ là phường Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ). Được mệnh danh là “cù lao tỉ phú” vì nhờ nuôi cá, bán đất nên ở đây không ít gia đình tậu xe hơi đời mới, sắm canô bạc tỉ. Nhiều người nhớ lại, nghề nuôi cá hốt bạc kéo người dân, DN nhảy vào đầu tư mua đất, đẩy giá đất tăng chóng mặt. Giá đất ở vị trí đắc địa lên tới 280 – 300 triệu đồng/công (1.000m2), quy ra gần 3 tỉ đồng/ha. Những nơi ít thuận lợi hơn, giá khoảng 180 – 200 triệu đồng/công.

Tại Tiền Giang, giá đất nuôi cá tra thời “hoàng kim” cũng nóng không kém. Theo ông Trần Văn Bé, nông dân nuôi cá tra ở Cồn Tân Phong, huyện Cai Lậy cho biết: “Đất ven sông Tiền có thể đào ao nuôi cá trước năm 2004 giá 70 – 100 triệu đồng/công, sau đó tăng lên 150 rồi 200 – 300 triệu đồng. Khi nghề nuôi cá hưng thịnh, đất bán giá nào cũng có người mua. Thậm chí, có người ở tận Sài Gòn cũng tìm đến mua. Nay nuôi cá tra thua lỗ, bán với giá chỉ bằng 50% so với trước đây mà cũng không ai thèm thương lượng”. Ông Bé cho biết thêm vào khoảng năm 2006, có một số bà con trong khu vực ven sông đầu tư đào ao với diện tích khoảng 5.000 m2. Họ không nuôi cá tra mà chỉ cho thuê đã thu 500 triệu đồng/năm.

Hiện nay, đi dọc dòng sông Tiền, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những ao nuôi cá tra bỏ trống, cỏ mọc um tùm chứng tỏ đã bị bỏ hoang khá lâu. Hỏi ra thì mới biết, chủ những ao này do thua lỗ mấy năm trước nên đang rao bán hoặc cho thuê. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết: Sau vụ cá thua lỗ cuối năm ngoái, gia đình ông ôm nợ ngân hàng hơn 1 tỉ đồng, đành phải treo bảng bán ao nuôi cá tra kiếm tiền trả nợ. Dù vị trí 2 ao khá thuận lợi cho việc lấy nước vào ao nuôi, trước đây mua ngoài 3 tỉ đồng, bây giờ rao bán 1,4 tỉ vậy nhưng hơn nửa năm nay chẳng ai hỏi mua.

Ở nhiều địa phương dọc sông Tiền, sông Hậu, một thời người chưa có đất nuôi cá thì phá vườn cây ăn trái để lên ao, dân ở xứ khác thì đến hỏi mua đất ào ào. Người dân sẵn sàng bán cả ruộng lúa, vườn cây, sang cả nhà ở của mình cho người nuôi cá. Đất tăng giá vùn vụt nhưng người ta vẫn mua vì cho rằng với giá cá cao thì sau một vài năm có thể thu hồi vốn. Nay thì ai cũng “chạy dài”, đua nhau rao bán ao với giá rẻ.

Trước đây, ở ĐBSCL tỉ phú từ nuôi cá tra không đếm xuể. Nhiều nông dân đổi đời nhờ nuôi cá tra XK. Họ cất cả nhà lầu, mua xe hơi, các vật dụng sinh hoạt đắt tiền, có người còn mua cả canô để đi cho cá...ăn. Nay tình hình đã khác: các tỉ phú này phần lớn mắc nợ ngân hàng nên số xe hơi cũng còn không nhiều. Không những vậy, do làm ăn thua lỗ, giá đất xuống và bán không được nên nhiều hộ ôm nợ đâm ra lâm bệnh. “Nghề nuôi cá tra ngày càng khó khăn, càng đeo thì càng chết. Chưa khi nào nghề cá bạc bẽo như vậy, nhiều người nuôi có tra vì mang nợ mà lâm bệnh”- ông Nguyễn Văn Nghĩa nói.

Trà Vinh: Hơn 60% ao “treo”

Hiệp hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay giá cá tra thịt vàng từ 15.000 - 15.500 đồng/kg đã tăng lên 16.000 - 16.200 đồng/kg nhưng nhiều người nuôi vẫn bị thua lỗ 300 đến 500đồng/kg cá thương phẩm. Hiện tại, nhiều hộ nuôi cá tra ở Trà Vinh bị thua lỗ nặng đành phải “treo” ao chuyển sang nuôi cá rô phi, rô đồng, tôm càng xanh. Theo thống kê của Sở NN-PTNT Trà Vinh, 6 tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh mới thả nuôi 45 ha, giảm 62,7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng cá tra thu họach khoảng 5.000 tấn, giảm 4.500 tấn so cùng kỳ.

Ông Trần Quân Mão, xã Hoà Khánh, Cái Bè (Tiền Giang) chỉ vào ao nuôi cá tra chừng 5.000 m2 của mình, nói: “Ao này tôi đang rao cho thuê. Nay đã 3 tháng rồi mà chưa có ai hỏi”. Nước trong ao cá tra xanh đen do hiện tượng “phú dưỡng” xảy ra khi ao bỏ hoang lâu ngày và chất thải vụ nuôi trước phân hủy. Hai bên bờ cỏ dại mọc um tùm, lấn chiếm ra đếm nửa ao. Ông Mão cho biết thêm: “Sau vụ cá cuối năm rồi, tôi bị lỗ hơn 300 trăm triệu, không có tiền đầu tư tiếp nên đành phải bỏ không”. Hiện nay, hộ nào may mắn thì tìm được mối cho thuê với giá 500 đồng/kg cá thành phẩm khi thu hoạch và làm công trực tiếp trên ao cá của mình. Nhưng những trường hợp này cũng rất ít.

Tại An Giang, nơi mà nghề nuôi, chế biến, XK cá tra được xem là một mũi nhọn kinh tế, diện tích nuôi cá tra hiện giảm còn dưới 1.000 ha, chỉ bằng 70% so với năm 2009. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, nợ quá hạn cho vay nuôi cá tra của các ngân hàng trên địa bàn đã lên đến 52 tỷ đồng. 155 hộ nuôi cá tra vì thua lỗ, hết vốn đang đứng trước nguy cơ bỏ nghề.

Trong khi đó, một số DNXK cá tra lại công bố đã chủ động được 60 - 80% nguyên liệu nên hạn chế mua cá tra nguyên liệu của nông dân. Về vấn đề này, các chuyên gia thuỷ sản cho biết: Qua khảo sát thực tế, hiện tại có rất ít DN xây dựng được vùng nuôi riêng. Trong khi, tổng công suất của các NM chế biến cá tra ở ĐBSCL đang gấp đôi sản lượng cá nguyên liệu toàn vùng. Việc công bố thông tin không mua thêm cá tra nguyên liệu thực chất chỉ là chiêu dìm giá thu mua cá của nông dân.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm