| Hotline: 0983.970.780

Đất phèn sắp thỏa cơn khát

Thứ Sáu 16/11/2012 , 09:52 (GMT+7)

Thông qua nguồn vốn phát triển nông thôn miền Trung, hơn 2 km đường ống chính với tổng kinh phí 7 tỉ đồng đã và đang được dẫn về với “vùng khát” xã Hải Dương (TX Hương Trà, TT- Huế).

Có nguồn nước sạch dùng là mong nước bao đời của người dân Hải Dương

Thông qua nguồn vốn phát triển nông thôn miền Trung, hơn 2 km đường ống chính với tổng kinh phí 7 tỉ đồng đã và đang được dẫn về với “vùng khát” xã Hải Dương (TX Hương Trà, TT- Huế). Trong những ngày này, người dân vùng đất cát đang mong ngóng từng giọt nước sạch chảy về.

Xã Hải Dương là địa phương nằm giáp biển và đầm phá Tam Giang với những trảng cát mênh mông, quanh năm chua phèn. Để có nguồn nước sạch, người dân từ trước đến nay phải dựa vào 2 nguồn chính, đó là nước ngầm và nguồn nước được các chủ tư nhân đầu tư tẹc tích nước trên các cồn cát cao rồi phân phối cho người dân.

Trước đây, nguồn nước ngầm với vị lợ người dân vẫn dùng được, giờ tình trạng chua phèn đã khiến nhiều giếng nước ngầm, cột bơm bỏ hoang trong xã. Những hộ dân lấy nước từ các trảng cát, khoan bơm tích ở các tẹc rồi bán cho người dân trong xã với giá khá cao: 15.000 đồng/m3.

Ông Phan Lâm, một hộ dân thôn Thái Dương Hạ Bắc, cho biết: “Giá nước thì cao mà không mua thì cũng chẳng biết lấy nước ở đâu mà uống vì xung quanh toàn biển, đầm phá nước mặn hết. Mà uống nước đó cũng sợ nhiễm bệnh lắm. Dân Hải Dương thiếu nước ngọt từ mấy đời nay rồi".

Nói đoạn, ông chỉ tay về phía công nhân đang thi công tuyến ống nước, bảo: “Mà nay thì khác rồi chú à, từ đầu năm đã thấy đơn vị thi công chôn đường ống về đầu xã, dân bọn tui khấp khởi mừng lắm". Từ đầu tuyến đường dẫn qua các thôn của xã, những công nhân đã kéo đường ống chính được dẫn từ mạch ống của hệ thống nước sạch trên địa bàn thị trấn Thuận An.

Ông Nguyễn Ái Thọ, Trưởng chi nhánh cấp nước Phú Dương, cho biết, trước đây, hành trình đưa đường ống nước vượt phá Tam Giang về 9 xã ven biển, ven phá nói chung và xã Hải Dương nói riêng rất gian nan. Thế nhưng, năm 2009, nhờ các kĩ sư của Cty TNHH Xây dựng và Cấp nước TT-Huế đã chế tạo ra máy cuốc, hút bùn để chôn đường ống dưới đáy phá ở độ sâu 1,2 m, sau đó dùng máy định vị lắp đặt tuyến.

Ông Lộc cho biết thêm, nguồn nước sạch đưa về trước mắt sẽ đáp ứng cho gần 50% số hộ dân trong toàn xã (khoảng 750 hộ dân với 3.400 nhân khẩu). Các vùng còn thiếu nước nghiêm trọng đa số nằm trên vùng đồi cao, xa khu trung tâm như thôn Thái Dương Hạ Bắc (200 hộ), thôn Vĩnh Trị (50 hộ)… xã đang có phương án giúp những hộ dân này có nước sạch.

Ống nhựa được đấu nối bằng máy dán ống theo công nghệ của Đức, đánh chìm nhờ những khối bê tông nhỏ (gọi là các rùa bê tông). Theo phương án này, Cty nước sạch đã chọn ba điểm gần nhất đó là nhà máy nước Hòa Bình Chương; thị trấn Sịa qua bến đò Vĩnh Tu, xã Quảng Ngạn (lấy nước từ nhà máy Tứ Hạ); thị trấn Thuận An qua xã Hải Dương (lấy nước từ hệ thống mạng TP Huế).

Sáng kiến này đã giảm chiều dài đường ống xuống còn một nửa, số trạm bơm tăng áp chỉ còn một trạm. Thay vì theo phương án thông thường, hệ thống đường ống qua phá sẽ nối từ nhà máy nước Hoà Bình Chương đến xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và xã Hải Dương, TX Hương Trà. Theo đó, tuyến ống sẽ dài 60 km, với đường ống có đường kính 400 mm, cùng với việc xây dựng thêm bốn trạm bơm tăng áp, tổng mức đầu tư sẽ lên đến khoảng 80 tỉ đồng.

Thấy không khí thi công giữa trời chiều còn chói chang nắng, ông Đỗ Khắc Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Hải Dương, phấn khởi: “Đầu năm 2012, thông qua nguồn vốn của Chương trình Phát triển nông thôn miền Trung, 2 km đường ống chính đã được dẫn về xã, công trình do Sở NN- PTNT TT- Huế làm chủ đầu tư. Dự kiến đến đầu năm 2013 sẽ hoàn thiện, khi đó, nước sạch sẽ có mặt trên địa bàn xã, thỏa lòng mong ước ngàn đời của người dân vùng cát".

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.