| Hotline: 0983.970.780

Đất "tán" và câu hỏi một chiều

Thứ Sáu 14/10/2011 , 12:19 (GMT+7)

Đôi mắt buồn sâu thẳm của cụ Nguyễn Thị Tọ (86 tuổi) ở thôn An Lộc, xã Quế Minh (Quế Sơn) để lại trong tôi nỗi ám ảnh hơn tất cả những cảnh đời quay quắt nơi đây.

Nhiều ngày ở Quảng Nam, mặc dù được tiếp cận với rất nhiều cảnh đời quay quắt trong nghèo khổ nhưng đôi mắt buồn sâu thẳm của cụ Nguyễn Thị Tọ (86 tuổi) ở thôn An Lộc, xã Quế Minh (Quế Sơn) để lại trong tôi nỗi ám ảnh hơn cả. Đôi mắt già nua ấy đầy trăn trở, day dứt.

>> Thảm cảnh làng dệt 500 tuổi
>> Có một Quảng Nam nghèo

Phi nông là... đói

Qua những điều tai nghe, mắt thấy ở nhiều vùng quê trên đất Quảng Nam, tôi cảm nhận, nỗi trăn trở kia không chỉ có trong mắt cụ Tọ, mà đang là nỗi ám ảnh của tất cả những người nghèo ở xứ Quảng hiện nay.

“Sống sắp cạn đời người rồi mà tui chưa có một ngày được sung sướng, chưa nhìn thấy con cháu có một ngày được sống trong cảnh no đủ. Nhiều đêm tui thức trắng nghĩ về 2 đứa con trai cùng vợ con chúng không biết đang đói no như thế nào trong đất Sài Gòn. Rồi bụng cứ thắc mắc không hiểu sao gia đình mình nghèo liền mấy đời liên tiếp. Mà đâu riêng gia đình tui, bà con láng giềng còn nhiều người cũng nghèo như rứa. Bọn tui lười biếng, lười nhác thì có nghèo cũng cam đành, đằng này quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với mấy sào ruộng mà vẫn không đủ ăn”, cụ Nguyễn Thị Tọ nói như rút ruột mình.

Tôi thử làm phép tính với nỗi day dứt của cụ Tọ. Quảng Nam hiện có 390.000 hộ dân (gần 1,5 triệu người), trong đó có 24,18% hộ nghèo, tính cả hộ cận nghèo thì con số trên tăng đến 38,2%. Làm một phép nhân đơn giản thì hiện nay Quảng Nam đang có hơn 90.000 hộ nghèo và gần 55.000 hộ đang chạm ngưỡng nghèo. Đó là một con số đáng suy ngẫm.

Đôi mắt đầy trăn trở của cụ Tọ

Ông Lê Muộn, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, nói buồn: "Thu nhập bình quân đầu người hiện nay ở Quảng Nam rất thấp, chỉ có 985.800đ/người/tháng. Trong đó, thu nhập của dân thành thị là 1,3 triệu, còn dân nông thôn chỉ 886.900đ/người/tháng”. Với số tiền ít ỏi như vậy, không rõ người dân Quảng Nam sẽ xoay xở như thế nào giữa thời “bão giá” hiện nay.

 Tôi nhẩm tính, những người dân nông thôn chỉ ăn mì tôm, mỗi bữa ăn 2 gói (vì nhà nông lao động nặng nhọc, ăn 1 gói không đủ no), ngày ăn 3 bữa thì mỗi tháng sẽ tiêu tốn 180 gói. Với loại mì tôm loại tầm tầm có giá 4.000đ/gói thì đã mất đến 720.000đ. Như vậy, với mức thu nhập nói trên thì người dân nông thôn chỉ vừa đủ tiền để ăn mì tôm sống cầm cự qua ngày.

Cũng theo ông Muộn, lý do cái nghèo cứ mãi đeo bám người dân Quảng Nam là vì đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, gần 80%. Trong khi đó, Quảng Nam là tỉnh rất nghèo về đất sản xuất nông nghiệp, chỉ có hơn 110.000 ha. Trong số đó, còn rất nhiều diện tích không chủ động nước và lúa rẫy, sản xuất phải trông cậy hoàn toàn vào nước trời nên mùa màng được, mất bấp bênh.

 “Mỗi vụ, Quảng Nam gieo sạ được khoảng 44.000 ha lúa thì chỉ có 38.000 ha chủ động nước. Tính toàn năm, Quảng Nam có đến hơn 10.000 ha diện tích SX ăn nước trời, nhiều khi có làm mà không có ăn. Cây lúa ở Quảng Nam lại thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh “ghé thăm”, như vụ ĐX vừa qua, cây lúa đang làm đòng trỗ thì gặp lạnh buốt, lúa giảm năng suất, bà con nông dân mất đứt 12.000 tấn lúa”, ông Muộn nói.

Đã vậy, do thiếu quy hoạch chung về nông nghiệp, nông thôn nên đất nông nghiệp đang có nguy cơ bị các ngành công nghiệp và tiến trình đô thị hóa xâm lấn. Thậm chí có một số diện tích đã quy hoạch cho ngành nông nghiệp như: nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm hoặc 1 số dự án trồng rừng... đã được phê duyệt nhưng rốt cuộc cũng phải chịu rút lui để nhường cho các quy hoạch khác. Ngành nông nghiệp luôn bị “lép vế” thì người làm nông mong sao có cơ hội thoát nghèo.

Công nghiệp ngoảnh mặt

Sau gần 15 năm tách tỉnh, công bằng mà nói, Quảng Nam đã có những bước phát triển vượt trội về công nghiệp. Những ngày rong xe máy dạo quanh Quảng Nam tôi nhận thấy đây là tỉnh khá “giàu có” về khu công nghiệp, không dưới con số 10, trong đó có Khu kinh tế mở Chu Lai. Được biết, với gần 260 nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đã tạo ra hàng trăm ngàn cơ hội tìm việc làm cho lực lượng lao động.

Thế nhưng thật oái oăm, đây không là cơ hội của lực lượng lao động nông thôn. Như ông Nguyễn Huy, Trưởng phòng Bảo trợ và Xã hội (Sở LĐ - TB&XH Quảng Nam), cho biết: “Quảng Nam có nhiều khu công nghiệp nhưng lực lượng lao động nông thôn không chen và được, bởi các nhà máy chỉ cần lao động có tay nghề cao, yêu cầu này nằm ngoài khả năng của lực lượng lao động nông thôn. Bởi thế, họ cứ đành đứng ở ngoài nhìn vào mà thèm khát”.

“Ở nông thôn làm ruộng không đủ ăn, các làng nghề truyền thống thì chết dần chết mòn, không kiếm được việc làm để tạo thêm thu nhập, trong khi Quảng Nam hiện còn đến 56% lao động nông nghiệp. Cứ như thế không biết đến bao giờ người dân Quảng Nam mới hết bị cái nghèo ám ảnh”, ông Nguyễn Huy, Trưởng phòng Bảo trợ và Xã hội tỉnh Quảng Nam.

Quả như lời ông Huy nói, trên đường từ ngã ba Vĩnh Điện xuống khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, ngang qua cánh đồng lúa hè thu vừa gặt xong chỉ còn chổng chơ gốc rạ, tôi gặp một thanh niên đang ngồi trên bờ ruộng thẫn thờ nhìn xa xăm vào cánh đồng mênh mông. Tôi dừng lại xin lửa mồi thuốc để có cớ bắt chuyện: “Vụ này thu được khá lúa không anh?”.

Chàng thanh niên tên Thanh quê ở xã Điện Ngọc thở dài, giọng đầy chán nản: "Vụ này kể như là được mùa. Thế nhưng cuộc đời chỉ gắn với mấy đám ruộng thì chẳng ra làm sao”. Hỏi ra thì biết, sự “chẳng ra làm sao” mà anh vừa nói là thu nhập từ mấy đám ruộng không giải quyết được gì cho những khoản chi trong chuyện anh sắp cưới vợ. “Gần đây có khu công nghiệp sao anh không xin vào làm kiếm tiền?”, tôi hỏi. “Tôi có xin nhưng họ không nhận. Họ từ chối lao động phổ thông, chỉ nhận người có tay nghề”. “Nhiều thanh niên ở đây vào miền Nam làm ăn khấm khá lắm, sao anh không đi?”, tôi lại hỏi. “Mẹ đang bệnh nặng, tôi không thể đi làm xa”, Thanh buồn buồn trả lời.

Khi tôi hỏi: Quảng Nam sinh ra nhiều hiền tài, cớ sao đất này vẫn chưa thoát được nghèo? Một đồng nghiệp làm báo của tôi góp chuyện: “Từ trước đến nay, người Quảng Nam chỉ giải thích vì sao dân Quảng Nam nghèo mà học giỏi chứ chưa giải thích được điều ngược lại. Vả lại, Quảng Nam là đất "tán" chứ không phải đất "tụ" nên người giỏi cũng chỉ thành đạt ở xứ người, ít ai thành danh tại quê hương. Thế cho nên cái giỏi của người Quảng Nam xứ người hưởng hết".

Rồi anh liệt kê một loạt những người nức danh từ xưa đến nay của Quảng Nam và họ chỉ nổi danh khi đã rời quê.

Là cán bộ đầu ngành nông nghiệp của huyện Quế Sơn, ông Nguyễn Văn Chín cũng đã từng thao thức về cái nghèo của người dân quê mình: "Đất đai quá ít, dẫu nâng cao năng suất đến cỡ nào cũng không thể cải thiện được thu nhập từ làm nông nghiệp, trong khi nông nghiệp đang là nguồn thu chính. Để tháo gỡ nút thắt này, trước tiên kết cấu hạ tầng ở các vùng nông nghiệp cần phải được quan tâm đầu tư nhiều hơn thì sản xuất nông nghiệp bứt phá được khỏi cảnh manh mún, nhỏ lẻ mới mong nông dân được tăng thu nhập".

Có một điều ai cũng biết, tuy là vùng đất nghèo nhưng Quảng Nam luôn nổi tiếng về hiếu học. Minh chứng là ở xã Quế Minh (Quế Sơn), xã từng mang “danh” nghèo nhất nước trong mùa thi vừa qua, vùng đất nghèo này có đến 14 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, chưa kể số học sinh thi đậu vào các trường cao đẳng. Đây là tỷ lệ thi đỗ đại học cao nhất huyện.

Tôi thắc mắc: “Vì sao người Quảng Nam nghèo mà ham học đến vậy?”. Nhà giáo Nguyễn Đình Chương, một người đã dày công nghiên cứu về đất và người Quảng Nam, chia sẻ: Nói theo một nghĩa nào đó, ngoài truyền thống ham hiểu biết, sự hiếu học của người dân Quảng Nam còn là để lập thân, để tìm cơ hội thoát nghèo.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.