| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 19/07/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 19/07/2017

Đặt tiền để được tại ngoại, tính nhân văn của một thông tư

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao, TAND Tối cao vừa hoàn thành thông tư liên tịch về việc quy định bị can, bị cáo được đặt tiền để được tại ngoại trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Theo đó, thông tư đã quy định loại tội nào được đặt tiền, loại tội nào không được. Số tiền phải đặt cho mức độ của từng loại tội phạm được đặt tiền: Ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, dao động từ 30 triệu đến 200 triệu đồng.

Ngoài ra, số tiền đặt còn căn cứ vào mức độ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và khả năng tài chính của bị can. Thông tư cũng xét đến những bị can có hoàn cảnh khó khăn, bị can thuộc hộ nghèo, bị can là người dân tộc ít người...

Những người được đặt tiền bảo đảm để được tại ngoại phải tuân thủ một số quy định do các cơ quan tiến hành tố tụng nêu ra, như phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, không bỏ trốn, không tiếp tục phạm tội mới, không cưỡng ép người làm chứng phải nói sai sự thật, không đe dọa, khống chế người làm chứng, người bị hại và người thân của họ... Nếu vi phạm một trong các quy định đó, thì sẽ bị bắt tạm giam và số tiền đã đặt để bảo đảm cho việc tại ngoại sẽ bị tịch thu, sung công quỹ Nhà nước. Ngược lại, nếu chấp hành đúng, thì sau khi vụ án được giải quyết xong, số tiền trên sẽ được hoàn lại.

Thông tư trên được dư luận xã hội đồng tình, bởi tính nhân văn rất cao của nó. Thứ nhất, có thể coi đây là một bước tiến trong quá trình cải cách tư pháp, là việc cụ thể hóa việc tôn trọng quyền con người trong Hiến pháp năm 2013.

Thứ hai, nhờ biện pháp này, việc tạm giam các bị can, bị cáo sẽ được từng bước hạn chế đến mức thấp nhất. Cùng với nó, việc dùng nhục hình để bức cung cũng giảm theo. Thứ ba, là việc tạm giam các bị cáo, lâu nay vẫn kéo theo rất nhiều hệ lụy. Trong quá trình bị tạm giam để phục vụ điều tra, các bị can, bị cáo thường bị ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần. Nhiều bị can, bị cáo còn bị xâm phạm cả về tính mạng. Rất nhiều vụ bị can bị bọn “đầu gấu” trong trại tạm giam tước đoạt tính mạng, là một minh chứng.

Đối với thân nhân của họ, một khi người thân của mình bị tạm giam, thường là một cú “sốc” rất lớn. Các bị can, một khi được tại ngoại, không những không bị ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, mà còn có điều kiện tiếp tục lao động, làm ra của cải để nuôi sống bản thân và gia đình.

Có thể coi việc đặt tiền để được tại ngoại là một hình thức tạm giam mà không cần nhà giam. Trong khi các nhà tạm giam của ta hiện nay đang trong tình trạng quá tải. Số tiền đã đặt để được tại ngoại không phải là nhỏ, nên các bị can, một khi đã đặt tiền, chắc chắn sẽ nghĩ đến số tiền đó trước khi có ý định vi phạm những điều mình đã cam kết với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tóm lại, đây là một thông tư đầy tính nhân văn.