| Hotline: 0983.970.780

Đất Võ trời Văn

Thứ Tư 30/05/2012 , 10:48 (GMT+7)

Huyện Hoài Ân (Bình Định) không chỉ nổi tiếng về chí khí anh hùng của những người con đất này qua 2 cuộc kháng chiến, mà nơi đây còn là đất học.

Huyện Hoài Ân (Bình Định) không chỉ nổi tiếng về chí khí anh hùng của những người con đất này qua 2 cuộc kháng chiến, mà nơi đây còn là đất học. Vậy nên, Hoài Ân được mệnh danh là "đất Võ trời Văn".

Hiếu học, trượng nghĩa

Theo tài liệu thì cụ Hồ Văn Nghĩa ở xã Vĩnh Phước (nay là thôn Vĩnh Viễn, xã Ân Tường Đông, Hoài Ân) là người khai khoa của đất Bình Định. Ông đỗ cử nhân hàng 14/16, khoa Tân Tỵ (1821), năm Minh Mạng thứ 2, trường thi Gia Định và làm quan tới chức Tham Tri. Năm Tự Đức thứ 20 (1867), các nhà khoa bảng huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn xưa (nay là 2 huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn) tổ chức xây dựng Văn chỉ tại xã Ân Thạnh, cụ Hồ Văn Nghĩa được bầu làm Chỉ trưởng đầu tiên. Văn chỉ Hoài Ân tồn tại đến năm 1945, Chỉ trưởng cuối cùng là cụ Huỳnh Xước, đỗ cử nhân năm Duy Tân thứ 9 tại Trường thi Bình Định năm 1915.

Văn miếu và Văn chỉ đều là cái nôi khuyến học, hội tụ những trí tuệ cao nhất của đất nước, của các địa phương. Điểm chung là cùng thờ người khai sinh Nho giáo - Đức Khổng Tử. Văn chỉ còn thờ 72 đệ tử Đức Khổng và những bậc tiền hiền có xuất thân khoa bảng của địa phương. Mỗi năm có hai lần “xuân kỳ thu tế”, 12 tháng 2 và 12 tháng 8 âm lịch, còn hàng ngày có người trông nom, hương khói. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn có viết “người Bình Định hiếu học, trượng nghĩa…”.

Trong thời gian 65 năm tồn tại, đã tổ chức được 22 khoa thi tại Trường thi Bình Định. Trong tổng số 342 cử nhân, Bình Định đã chiếm tới 194 vị với 12 thủ khoa, riêng Hoài Ân - Hoài Nhơn có đến 37 vị, 3 thủ khoa, 1 tiến sĩ. Từ nền tảng ấy, trên đất học Bình Định, ngoài Văn miếu của tỉnh còn có đến 7 Văn chỉ ở các huyện, nơi tôn vinh sự học và nhân tài đỗ đạt, trong đó có Văn chỉ Hoài Ân.


Tế lễ khánh thành Văn chỉ Hoài Ân

Với tâm huyết tôn vinh nền học vấn, tôn vinh các nhà khoa bảng tiền bối, vinh danh những người đỗ đạt cao và là nơi tổ chức sinh hoạt khuyến học - khuyến tài của nhân dân trong địa phương, những người con của đất Hoài Ân đã dốc công, dốc sức phục dựng Văn chỉ Hoài Ân. Sau hơn nửa năm thi công, công trình Văn chỉ Hoài Ân đã nên hình nên vóc trên nền đất Văn chỉ xưa tại xã Ân Thạnh với những ngôi nhà, đền trang trí nét xưa với các mái đao cong cổ kính, đẹp uy nghiêm.

Gầy dựng tương lai

Ngoài ý nghĩa kế thừa và phát huy vốn quý trước đây, nội dung các sinh hoạt của Văn chỉ Hoài Ân hiện nay đã có tính phục vụ lợi ích cộng đồng sâu rộng. Hàng năm, ngoài việc làm lễ dâng hương Khổng Tử tháng 4 và xuân thu nhị kỳ tế lễ, Văn chỉ còn là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian kết hợp: bài chòi, hát kết, hát ru… Hằng năm nơi đây tổ chức gặp mặt, tặng thưởng người làm công tác giáo dục tiêu biểu của địa phương nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trao học bổng cho học sinh, sinh viên xuất sắc từ Quỹ Khuyến học Tăng Bạt Hổ. Nơi đây còn tổ chức các sinh hoạt ngoại khóa cho các trường trong huyện, gặp mặt sinh viên đầu năm…

Trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhưng đất học Hoài Ân cũng đã sinh ra hơn 20 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và hơn 50 thạc sĩ trong tất cả các ngành học. Sau ngày giải phóng, số lượng học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh tính đến hàng trăm.

Với số vốn đầu tư vào việc phục dựng Văn chỉ Hoài Ân là hơn 2 tỷ đồng, có thể đây là “con số nhỏ” của ai đó, thế nhưng với địa phương miền núi nghèo này thì đây là “con số lớn”. Nhưng lớn hơn vẫn là những tấm lòng. Ngoài từ ngân sách huyện còn có sự đóng góp của các nhà tài trợ trên khắp đất nước. Xem sổ vàng ghi địa chỉ các nguồn tài trợ, chúng tôi thấy ngoài các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân còn có tên hầu hết các cán bộ của huyện Hoài Ân. Nhưng có lẽ điều làm chúng tôi cảm kích nhất là sự đóng góp của nhân dân địa phương.

"Những người con học hành đỗ đạt cao của đất Hoài Ân đang làm việc trên khắp đất nước luôn hướng về quê hương. Họ đều rất ấm lòng khi nghe tin vui Văn chỉ Hoài Ân được phục dựng. Những hậu duệ của các nhà khoa bảng xưa cũng vinh dự khi tên ông cha mình được tạc vào bia đá. Chính những tên tuổi trên bảng vàng sẽ là động lực để lớp học sinh, sinh viên hôm nay và mai sau noi theo truyền thống hiếu học của ông cha", ông Giang Trung, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Hoài Ân.
Ông Trần Đình Định, một trong những người chủ xướng phục dựng Văn chỉ Hoài Ân, cảm kích: “Nhiều gia đình ở thôn Hội An tự nguyện hiến đất để làm đường vào Văn chỉ. Đó là gia đình các ông Nguyễn Văn Minh, Võ Văn Chớ, Lê Nao, Lê Phước Hùng, Trần Duy Anh và bà Huỳnh Thị Nhỏ”. Điều này chứng tỏ người dân ở đây quý trọng việc học đến là dường nào.

Văn chỉ Hoài Ân đã được xếp hạng Di tích cấp tỉnh ngày 6/3/2012, đây chính là động lực để chính quyền địa phương có ý tưởng xây dựng nơi đây thành vùng đất “điểm đến nguồn cội”. Bởi bên cạnh Văn chỉ Hoài Ân, trên địa bàn xã Ân Thạnh còn có Đền thờ anh hùng Tăng Bạt Hổ; chùa cổ Thường Quang Tự; đình làng An Thường mới được trùng tu và cũng đã được xếp hạng văn hóa cấp tỉnh. Nơi đây còn là một phần di tích “Việt Bắc của Miền Trung” vào những năm kháng Pháp. Ở đây còn có di tích núi Chéo anh hùng…

Xã Ân Thạnh, nơi vinh dự được các bậc tiên hiền chọn xây dựng Văn chỉ Hoài Ân là một trong 4 xã của tỉnh Bình Định (cùng với Nhơn Lộc, TX An Nhơn; Bình Nghi, Tây Sơn; Hoài Hương, Hoài Nhơn) chọn xây dựng thí điểm NTM. Ở đây sẽ hình thành “cánh đồng mẫu lớn” sản xuất với sự liên kết 4 nhà. Mở ra cuộc tìm kiếm, xây dựng một diện mạo mới nông thôn trước hết từ sản xuất, và mô hình này gắn với các yếu tố quan trọng kỹ thuật, công nghệ, năng suất và tiêu thụ sản phẩm, để đi đến cái đích cuối cùng: rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Từ lâu, người dân Hoài Ân đã biết vượt qua sự “heo hút” của vùng đất mình đang ở, học hỏi cách làm ăn và hình thành nên một vùng quê chăn nuôi lớn, vốn được mệnh danh vựa heo lớn nhất miền Trung.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.