| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn NTM: Làm từ nhà ra xóm...

Thứ Ba 13/05/2014 , 07:53 (GMT+7)

Nam Định có cách làm rất riêng khi coi mỗi gia đình là hạt nhân của quá trình xây dựng NTM. 

Làm NTM phải từ đồng ruộng về làng, từ hộ gia đình ra thôn xóm, rồi từ thôn xóm lên xã. Xóm làm phần của xóm, xã làm phần của xã, khi ghép lại sẽ là một bức tranh NTM trọn vẹn.

Trong cái nắng như đổ lửa tháng 5, chúng tôi về thăm huyện Hải Hậu, địa phương dẫn đầu trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh Nam Định. Đường về Hải Hậu giờ đây được trải nhựa, bê tông rộng thênh thang, chạy dài như không có điểm dừng.

Thú thực, dù đi khá nhiều vùng quê Bắc Bộ nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng với vẻ đẹp yên bình của xã điểm NTM Hải Đường (huyện Hải Hậu). Từ cầu chợ Đền, con đường bê tông thẳng như kẻ chỉ dẫn chúng tôi vào trung tâm xã.

Nếu bạn hỏi người dân nơi đây rằng, đặc sản của Hải Đường là gì? Họ sẽ trả lời là cau. Cau được trồng ở khắp nơi. Cau uốn lượn theo con sông Đối, cau vươn lên khắp đường làng, ngõ xóm. Hơi nước từ con sông Đối phả lên mùi thơm thoang thoảng của hương cau. Nơi đây có một nét duyên quê rất khác biệt.

Ông Nguyễn Văn Tuần, Chủ tịch UBND xã Hải Đường chia sẻ, đến nay, địa phương này đã đạt cơ bản 19 tiêu chí xây dựng NTM. Toàn bộ đường giao thông trong xã được cứng hóa đạt 100%.

Mới đây, chính quyền xã tiếp tục đầu tư, mở rộng nhiều đoạn đường bê tông cho người dân. Theo ông Tuần, cách làm NTM từ đồng ruộng về làng, từ hộ gia đình ra thôn xóm, rồi từ thôn xóm lên xã đã phát huy hiệu quả tối đa.

10-07-57_1
Làng Hoành Đồn, mô hình NTM của xã Hải Đường

Trong đợt sơ kết 2 và 3 năm "Nam Định chung sức xây dựng NTM", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng như lãnh đạo tỉnh hết sức tâm đắc với cách làm này.

Nhớ lại 3 năm trước, ông Tuần lắc đầu, thời đó, khi mới bắt tay vào làm NTM tưởng chừng như bỏ cuộc. Người dân thì trông chờ vào cấp trên, lãnh đạo xã thì chưa hiểu hết thế nào là xây dựng NTM.

Làm gì cũng ì ạch, vận động người dân đóng góp làm đường, làm nhà văn hóa thì họ bảo đợi Nhà nước cấp vốn đã. Tuyên truyền mãi người dân cũng hiểu ra, NTM là Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Dân có quyền được bàn, được làm, được đóng góp ý kiến và trực tiếp được hưởng lợi. Và thế rồi, sau đó, chính người dân hò nhau góp vốn làm đường, sửa cầu cống, xây dựng nhà văn hóa.

Hơn 60 km đường thôn, ngõ xóm đá sỏi lồi lõm bỗng chốc hóa thành những con đường bê tông. Từ nhà ra ngõ, từ ngõ ra đồng, đâu đâu cũng khang trang, sạch đẹp. Bà Mùi, thôn Hoành Đồn hồ hởi bảo: Giờ đúng là NTM thật chú ạ, không còn cảnh xắn quần đi chợ mỗi khi trời mưa.

Sau 3 năm triển khai, Nam Định có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí về xây dựng NTM. Trong đó, huyện Hải Hậu có 7 xã, huyện Nghĩa Hưng 3 xã, huyện Xuân Trường 2 xã; 11 xã đã đạt và cơ bản đạt 18 tiêu chí; 14 xã đạt và cơ bản đạt 17 tiêu chí; 59 xã đã đạt từ 12 đến 16 tiêu chí, không có xã nào đạt dưới 12 tiêu chí.
113 xã và thị trấn còn lại, bình quân đạt
từ 8 - 9 tiêu chí.

Không chỉ đường liên xã, đường liên xóm, xe ô tô loại 4 - 16 chỗ cũng đi vào ngon lành. Đường trục chính nội đồng cũng được người dân góp sức cứng hóa, đảm bảo cho xe cơ giới đi lại phục vụ SXNN.

Riêng năm 2013, người dân Hải Đường đóng góp được gần 20 tỉ đồng, bổ sung vào nguồn vốn xây dựng NTM của xã. Có được điều này, từ nhiều năm nay, chính quyền xã Hải Đường đã khuyến khích người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Cả xã có hơn chục xưởng may công nghiệp, giải quyết việc làm cho cả nghìn lao động địa phương. Hai làng nghề là thủ công mĩ nghệ và cây cảnh cũng được đầu tư, phát triển.

Dù nghề buôn cây cảnh không còn thịnh như xưa nhưng nhà nào biết làm, mỗi năm vẫn kiếm hàng trăm triệu đồng. Nhiều diện tích vườn tạp SX kém hiệu quả, người dân chuyển sang trồng cau bán quả và cây giống.

Ông Tuần cho biết, Hải Đường hiện có 6 cơ sở sấy cau khô rồi xuất sang Trung Quốc, thu nhập tương đối ổn định. Anh Nguyễn Văn Chiến, xóm 5, chia sẻ, trồng cau vừa làm cảnh nhưng cũng đem lại thu nhập khá. Mỗi đợt xuất bán cau khô, trừ chi phí, gia đình anh thu vài chục triệu đồng.

10-07-57_2
Từ nhà ra xóm, đâu cũng là những con đường bê tông sạch đẹp

Trụ sở mới của UBND xã Hải Đường đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến tháng 7/2014 sẽ hoàn thành. Vướng mắc duy nhất của địa phương này là tỉ lệ người dân sử dụng thẻ BHYT mới đạt 65%. Để giải quyết vấn đề này, vừa qua UBND huyện Hải Hậu ra cơ chế hỗ trợ người dân 121 nghìn đồng, xã hỗ trợ 100 nghìn đồng/thẻ để khuyến khích người dân tham gia.

“Huyện và xã sẽ hỗ trợ người dân trong tháng 4 và 5. Sau đó, chúng tôi sẽ tổng hợp lại, chắc chắn tiêu chí này sẽ đạt được trong tháng 5”, ông Tuần thông tin.

Hải Đường đang phấn đấu hết năm 2014, địa phương này sẽ đạt chuẩn NTM.

THU NHẬP 29 TRIỆU ĐỒNG/NGƯỜI/NĂM

Huyện Hải Hậu có 35 xã, thị trấn. Trong đó, xã Hải Đường được chọn làm xã điểm xây dựng NTM của cả nước.

Đến nay, toàn huyện Hải Hậu đã có 6 xã đạt 19 tiêu chí, 1 xã được xếp loại cơ bản đạt.

Mục tiêu từ nay đến năm 2015, Hải Hậu phấn đấu đạt huyện NTM. Với mục tiêu đó, huyện này chú trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, bình quân đạt 29 triệu đồng/người/năm.

Đồng thời vận động nhân dân, tích cực tham gia BHYT, nỗ lực đến năm 2015 đạt trên 70%.

 

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất