| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn thủy lợi Vĩnh Long

Thứ Năm 03/09/2015 , 10:07 (GMT+7)

4 thập niên qua, thủy lợi đã trải qua những giai đoạn phát triển không ngừng, góp phần rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp -nông thôn và kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân, chính quyền tỉnh Cửu Long (gồm Vĩnh Long và Trà Vinh) nỗ lực xây dựng lại tỉnh nhà sau chiến tranh.

4 thập niên qua, thủy lợi đã trải qua những giai đoạn phát triển không ngừng, góp phần rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp -nông thôn và kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thành tựu

“Thận trọng nhưng khẩn trương, bước nhanh nhưng phải vững chắc”, đó là phương châm chỉ đạo của Bộ Thuỷ lợi cho công tác quy hoạch và xây dựng công trình thuỷ lợi ở ĐBSCL ngay từ những năm sau giải phóng.

Vừa áp dụng kiến thức và kinh nghiệm ở miền Bắc, vừa tiếp thu những khoa học, công nghệ mới, thuỷ lợi tỉnh Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đã đạt những thành tựu to lớn trong cải tạo đất, thu hẹp diện tích chua phèn, mở rộng diện tích canh tác, chống ngập do lũ và triều cường, ngăn mặn, cấp nước phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện đáng kể đời sống người dân nông thôn.

Chính quyền tỉnh tập trung đầu tư ngân sách và huy động sức dân đóng góp cho công tác thủy lợi. Giai đoạn từ năm 1996-2014, thủy lợi tỉnh Vĩnh Long được đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, dân đóng góp hàng triệu công lao động thủ công làm thuỷ lợi, đào đắp gần 100 triệu m3 đất, xây dựng, cải tạo, nâng cấp trên 12.000 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ. 

Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh đã hình thành 3.671 km đê bao xung quanh 419 tiểu vùng SX (ô bao thuỷ lợi), cùng với trên 5.600 cống, đập đất, 13 trạm bơm điện trên bờ bao và trên 4.400 tuyến sông, rạch tự nhiên, kinh các loại dài gần 5.331 km (trong đó có 3.400 km được đào mới và cải tạo) kết hợp sử dụng làm công trình thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu cho hầu hết diện tích canh tác trong tỉnh.

Ngày nay, đi về nông thôn, đâu đâu cũng có thể thấy những tuyến đê bao chạy dọc theo những bờ sông, bờ kinh, bờ rạch. Nhiều công trình cống, đập kiên cố và nhiều tuyến đường đan, đường nhựa nông thôn được xây dựng trên đó. Bên trong đê bao là những căn nhà khang trang dần mọc lên và những cánh đồng lúa, rau màu xanh tốt, năng suất nâng lên từng mùa. Thủy lợi tạo tiền đề cho kinh tế - xã hội nông thôn đổi mới.

Cũng theo tính toán của ngành chuyên môn, thuỷ lợi cùng với các giải pháp khác đã góp phần đáng kể trong cải tạo đất phèn, tăng năng suất, sản lương thực.

Số liệu khảo sát cho thấy, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long từ năm 1992 - 2010, biện pháp tiêu rửa bằng thủy lợi làm giảm diện tích đất phèn phát triển từ 7.276 ha xuống còn 6.025,14 ha, làm giảm đất phèn tiềm tàng từ 84.953 ha xuống còn 53.480,18 ha; nâng diện tích trồng lúa cả năm lên mức cao nhất là 225.054 ha (năm 1999).

Những dấu ấn

Từ năm 1975-1985 là giai đoạn tỉnh Cửu Long tái thiết kinh tế - xã hội sau chiến tranh. Thuỷ lợi ở giai đoạn này chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa trong mô hình kinh tế tập thể. Công tác thủy lợi tập trung đào những kinh tạo nguồn tưới tiêu, cải tạo đất chua phèn, hạn chế ngập úng nhằm tăng diện tích canh tác, tăng vụ và tạo ra lương thực đủ tiêu dùng trong nước.

Các công trình thuỷ lợi phần lớn thi công bằng thủ công với việc huy động hàng vạn lao động đào những kinh đào lớn như Trà Ngoa, Ngãi Chánh, kinh 3/2, Thống Nhất, Tầm Vu, Chà Và...

Các công trình tưới bằng động lực (bơm) theo kiểu mẫu ở miền Bắc như trạm bơm công suất lớn vài chục ngàn mét khối/giờ và kinh nổi được lát mái bê-tông thẳng tấp được xây dựng. Những vùng SX lúa tập trung với những kinh đào thẳng tắp dọc ngang như bàn cờ đã được hình thành ở huyện Vũng Liêm. Những vùng đất thấp, thường xuyên bị "cầm thủy" lâu nay đã được tiêu thoát bằng hệ thống kinh đào.

Thành quả lớn nhất của thủy lợi trong giai đoạn này là giúp giải quyết triệt để bệnh tim đọt sần đã hoành hành trên cây lúa trong thời gian dài trước đó.

Từ năm 1986-2000, tỉnh Vĩnh Long được tái lập vào năm 1992. Công tác thuỷ lợi tập trung đầu tư sâu vào phát triển thuỷ lợi nội đồng để đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu phục vụ thâm canh tăng từ 1vụ lúa lên 3 vụ lúa trong năm, phấn đấu tăng sản lượng lúa để xuất khẩu.  Biện pháp thi công xây dựng công trình thuỷ lợi được thay dần bằng máy móc (máy đào, xáng cạp). Hàng loạt các công trình cống, đập được xây dựng, góp phần chủ động hơn trong điều tiết nước phục vụ SX. 

Bộ máy quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi được thành lập và kiện toàn từ tỉnh đến huyện. Ở tỉnh có Công ty Khai thác công trình thủy nông Vĩnh Long, ở huyện có các Trạm, Xí nghiệp quản lý thủy nông ở huyện. Sau bão số 7 (năm 1999) xảy ra, nhu cầu xây dựng đê bao chống lũ bảo vệ cho cây lúa, rau màu và dân cư bắt đầu.

Sau năm 2000, công tác thuỷ lợi có những chuyển biến và điều chỉnh lớn, đặc biệt là sau 3 năm lũ lớn năm 2000-2002. Quy hoạch và xây dựng công trình thủy lợi không những nhằm mục tiêu phục vụ cho chuyển đổi SX nông nghiệp còn phục vụ cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. 

40 năm qua, thuỷ lợi đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long, nhất là khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, công tác thuỷ lợi sẽ không có điểm kết thúc, bên cạnh thu được những thành quả tích cực còn phát sinh những mâu thuẫn gay gắt trong tương lai mà ngành thuỷ lợi còn phải đối mặt, giải quyết: Thủy lợi ứng phó với tác động của BĐKH, nước biển dâng, lũ, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến thất thường; thủy lợi kết hợp phục vụ xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa NN-NT.

Quá trình "sống chung với lũ, tránh” chuyển sang "chống lũ triệt để”. Nhân dân, nhà nước đã nhanh chóng xây dựng bờ bao, đê bao ngăn lũ chắn chắn cho vùng cây ăn trái tập trung ở các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu và cho cả vùng SX 3 vụ lúa ăn chắc.

Số lượng đê bao gia tăng nhanh chóng, từ 2.700 km (năm 2002) lên 3.540 km (năm 2010) và 3.671 km (năm 2014), SX phát triển nhảy vọt, làm được 3 vụ lúa với năng suất ổn định, sản lượng lương thực ngày càng tăng, nhiều mô hình SX nông - ngư nghiệp có hiệu quả kinh tế hình thành, các hoạt động văn hoá - xã hội được mở mang, giao thông phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, nhất là vùng nông thôn. Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiến tiến được ứng dụng mạnh mẽ trong quy hoạch, thiết kế, thi công công trình.

Chương trình kiên cố hóa cống, đập được khởi xướng từ năm 2002. Năm 2008, Chính phủ có chủ trương miễn giảm thủy lợi phí, bộ máy quản lý, khai thác công trình thay đổi. Cty Khai thác công trình thủy nông Vĩnh Long thôi nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ này được chuyển về cho Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị, thành phố. Lực lượng mỏng, thiếu phương tiện, trang thiết bị chuyên môn... công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình gặp khó...

Sau năm 2010, thủy lợi được đầu tư lớn phục vụ Tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước dâng. Giai đoạn năm 2011-2014, mỗi năm thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư bình quân 400 tỷ đồng/năm (từ nguồn kinh phí TW hỗ trợ, ngân sách tinh và vốn nhân dân đóng góp), thực hiện từ 300 - 400 danh mục công trình xây dựng mới và duy tu, sửa chữa, nâng cấp.

Hàng loạt các dự án, công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, phục vụ xây dựng nông thôn mới đã được đầu tư thực hiện. Một số dự án thủy lợi lớn có kết hợp với ứng phó BĐKH đã được thi công như dự án kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (TP Vĩnh Long), 6 tuyến đê bao thuộc Chương trình cụm, tuyến dân cư vùng ngập lụt giai đoạn 2 của tỉnh ở các huyện Long Hồ, Vũng Liêm; dự án kiên cố hóa cống, đập ngăn triều, chống ngập cho vùng ven thành phố Vĩnh Long.

Vấn đề kết nối giữa công trình giao thông và thủy lợi trong phòng, chống lũ, ngăn triều cường, ứng phó với nước biển dâng đã được nhiều địa phương thực hiện trong những năm qua. Hàng loạt các công trình đê bao ngay sau khi hoàn thành đã được láng nhựa, lát đan, rải đá, giao thông nông thôn phát triển. Quy mô thiết kế công trình cũng được nâng lên nhằm tăng khả năng ứng phó với tác động của triều cường và nước biển dâng.

Thành quả trong giai đoạn này có thể thấy qua những con số (đến cuối năm 2014): 15/22 xã điểm xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí thủy lợi, hình thành 3.671 km đê bao chống lũ (đê kết hợp giao thông nông thôn ngăn lũ ở mức báo động III chiếm 90% tổng chiều dài, đê kết hợp làm giao thông nông thôn ngăn lũ lớn - lũ năm 2011, chiếm 50%), khép kín 91% diện tích đất nông nghiệp, 90.960 ha đất nông nghiệp trong đê bao ngăn được lũ lớn (lũ năm 2011), xử lý sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu (nhà nước đầu tư) xây dựng được trên 25.000m kè sông...

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm