| Hotline: 0983.970.780

Dấu hiệu lạm quyền, tư lợi

Thứ Ba 30/07/2013 , 10:10 (GMT+7)

Sử dụng sai mục đích giao đất vậy nhưng Cty APEC không những không bị thu hồi dự án mà vẫn tiếp tục “đòi” tỉnh Thái Nguyên thu hồi thêm gần 6.000 m2 đất của Trạm Chuyển giao Kĩ thuật Giống cây trồng Nông Lâm nghiệp Gia Sàng (thuộc Trung tâm Khuyến nông).

* Ngành nông nghiệp lao đao

Báo NNVN đã phản ánh việc tỉnh Thái Nguyên thu hồi khu đất vàng thuộc quyền quản lý sử dụng của Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Thủy sản tỉnh để giao cho doanh nghiệp tư nhân. Sau nhiều năm bàn giao mặt bằng, đơn vị được giao đất là Cty CP Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) không triển khai dự án như đã đăng kí mà đem phân lô, bán nền.

Tức là sử dụng sai mục đích giao đất vậy nhưng Cty APEC không những không bị thu hồi dự án mà vẫn tiếp tục “đòi” tỉnh Thái Nguyên thu hồi thêm gần 6.000 m2 đất của Trạm Chuyển giao Kĩ thuật Giống cây trồng Nông Lâm nghiệp Gia Sàng (thuộc Trung tâm Khuyến nông).

Tựa như “đứa con” cưng của tỉnh nên đòi hỏi ngang ngược, trái pháp luật của Cty APEC vẫn được tỉnh Thái Nguyên chấp nhận. Để đốc thúc Trạm Chuyển giao KTGCTNLN Gia Sàng phải di dời, bàn giao mặt bằng cho Cty APEC, ngày 30/5/2013, Sở KH- ĐT tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức cuộc họp với các ngành liên quan bàn phương án tái định cư Trạm Chuyển giao KTGCTNLN Gia Sàng.

Tại cuộc họp này, đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh cho phép Trạm Chuyển giao KTGCTNLN Gia Sàng được tiếp tục đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng và các mô hình chuyển giao của trạm trên diện tích đất đã có hàng rào bao quanh hiện Trạm đang quản lý và sử dụng tại tổ 22, phường Gia Sàng và không tiếp tục bàn giao cho APEC.

Lý do là từ năm 2008 đến nay, Trạm đã chờ đợi Cty APEC bố trí địa điểm sản xuất mới nhưng suốt 5 năm qua Cty APEC không đủ khả năng thực hiện gây khó khăn cho các hoạt động triển khai xây dựng mô hình khuyến nông của đơn vị. Cũng theo đại diện Trung tâm Khuyến nông, thực chất Cty APEC đầu tư vào địa điểm này nhưng chưa phải bỏ vốn. Số tiền mà Cty APEC bán đất nền còn lớn hơn phần bồi thường công trình trên đất.

Về nghĩa vụ tài chính Cty APEC cũng chưa nộp ngân sách được đồng nào. Trong khi đó, Trạm Chuyển giao KTGCTNLN Gia Sàng là đơn vị nhà nước có nhiệm vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, chuyển giao tiến bộ kĩ thuật về giống mới, xây dựng mô hình sản xuất nông lâm nghiệp và dạy nghề cho nông dân.

Những năm qua, Trạm đang sử dụng diện tích đất nói trên rất hiệu quả, tập huấn cho nhiều lớp cán bộ khuyến nông và nông dân. Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Vậy, vì lý do gì mà Trạm Chuyển giao KTGCTNLN Gia Sàng phải bàn giao trụ sở đang sử dụng cho Cty APEC?

Xung quanh vấn đề này, trước đó, ngày 18/4/2013, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, cơ quan chủ quản của Trạm Chuyển giao KTGCTNLN Gia Sàng, đã có văn bản số 643 gửi UBND tỉnh đề nghị cho phép Trạm tiếp tục đầu tư xây dựng trụ sở trên vị trí hiện tại.

Cố đấm ăn xôi

Tuy nhiên, bất chấp ý kiến đề nghị của Sở NN-PTNT, phía Sở KH-ĐT vẫn đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên di dời trụ sở Trạm Chuyển giao KTGCTNLN, bàn giao mặt bằng cho Cty APEC. Có thể nói đề xuất trên của Sở KH-ĐT tỉnh Thái Nguyên đã đi ngược lại lợi ích chung của tỉnh, có dấu hiệu “bênh vực” cho quyền lợi của một nhóm người.

Như NNVN từng phân tích, Cty CP Châu Á – Thái Bình Dương là doanh nghiệp không có đủ năng lực để thực hiện dự án nghìn tỉ. Cty APEC nhận đầu tư khá nhiều dự án trên địa bàn nhưng hầu như thường để treo vì không đủ năng lực thực hiện. Như dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy, APEC được tỉnh Thái Nguyên giao làm chủ đầu tư nhưng Cty không đủ sức để giải phóng mặt bằng, tiền bồi thường cho người dân chỉ trả được một nửa, nợ lại một nửa.

Nhân dân trong vùng dự án khiếu nại suốt 3 năm qua nhưng Cty vẫn chây ỳ không chịu trả. Cũng liên quan đến việc đền bù GPMB, theo Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên, hiện Cty APEC còn nợ Trung tâm 141 triệu đồng. Trung tâm đã nhiều lần gửi công văn đòi nhưng APEC không chịu thanh toán. Đứng tên chủ đầu tư của nhiều dự án lớn nhưng APEC lại đeo đẳng những khoản nợ một vài trăm triệu không thể thanh toán?

Bên cạnh đó, xét về khía cạnh pháp lý thì dự án của Cty APEC vi phạm rất nhiều điều khoản trong Luật Đất đai. Cụ thể, theo Luật Đất đai thì đất của Trạm Chuyển giao KTGCTNLN không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Dự án của Cty APEC là dự án kinh tế nhằm mục đích thu lợi nhuận cho doanh nghiệp thì phải thực hiện chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng.

Việc UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định thu hồi đất của hai cơ quan nhà nước để giao cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án kinh tế là có dấu hiệu lạm quyền, không phù hợp với pháp luật đất đai. Thêm nữa, chứng chỉ quy hoạch cho Cty APEC đã hết hạn từ tháng 7/2010, tính đến nay đã tròn 3 năm, theo quy định thì dự án trên đã phải thu hồi từ lâu nhưng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên vẫn “lờ” đi một cách bất thường.

Xâu chuỗi lại những bất cập xung quanh Dự án xây khu thương mại của Cty APEC có thể thấy rõ những vấn đề sau nổi lên: Thứ nhất, tỉnh Thái Nguyên giao Dự án hàng nghìn tỉ cho doanh nghiệp không có năng lực thực hiện. Thứ hai, Cty APEC sử dụng đất sai mục đích. Thứ ba, quyết định thu hồi đất của tỉnh không đúng với tinh thần của Luật Đất đai. Thứ tư, dự án quá hạn quá lâu cần phải thu hồi.

Sai phạm đã rõ ràng như vậy nhưng tỉnh Thái Nguyên vẫn cố tình “ép” Trạm chuyển giao KTGCTNLN Gia Sàng ra khỏi trụ sở để cho doanh nghiệp hưởng lợi. Câu hỏi đặt ra ở đây là, trong số lãnh đạo địa phương, ai sẽ hưởng lợi cùng doanh nghiệp?

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.