| Hotline: 0983.970.780

Đâu là giải pháp căn cơ đối phó khô hạn Tây Nguyên

Thứ Sáu 21/04/2017 , 09:30 (GMT+7)

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết...

Một số địa phương ở khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện khô hạn. Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, tình hình khô hạn mới diễn ra cục bộ, chưa đến mức báo động như các năm trước, nhất là 2016. Đây là quy luật thường diễn ra ở Tây Nguyên vào thời gian cuối mùa khô.

17-20-56_ong-nguyen-vn-tinh
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT)

Đề cập đến một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên, ông Tỉnh cho biết: Ở khu vực này, diện tích cây trồng được tưới chủ động từ các hệ thống công trình thủy lợi chỉ khoảng hơn 30% diện tích, 70% diện tích còn lại sử dụng nguồn nước từ sông, suối tự nhiên, nước ngầm..., nguồn nước này phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa.

Trong khu vực, mùa khô thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Do vậy, những năm lượng mưa mùa khô thấp, hạn hán thường xuất hiện vào thời điểm cuối mùa khô (tháng 3, tháng 4). Năm 2017, một số nơi ở phía bắc Tây Nguyên có lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 40% nên đã xảy ra hạn hán.

Đặc biệt lưu ý trong năm 2017, hiện tượng El Nino khả năng quay lại, có thể gây thiếu hụt lượng mưa ở giai đoạn cuối mùa, lượng nước đến hồ bị thiếu hụt.

Vấn đề lúc này là giải pháp. Theo ông, ngành Thủy lợi sẽ tham mưu như thế nào cho Bộ NN-PTNT trong các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất cũng như đời sống người dân vùng này?

Đó là tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo. Bám sát địa bàn, tham mưu văn bản kịp thời để Bộ và Chính phủ có chỉ thị, chỉ đạo. Với tinh thần đặt ra cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ người dân phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo sớm là yếu tố quan trọng giúp cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp có hiệu quả. Hiện nay, Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp với các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên “Dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước các lưu vực sông”. Trong đó có khu vực Tây Nguyên, thông tin dự báo được cập nhật liên tục ít nhất mỗi tuần 1 lần.

Tăng cường tích nước tối đa ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Đồng thời các khu vực có thể bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cần phối hợp xây dựng kế hoạch điều tiết hợp lý, bảo đảm nguồn nước cung cấp cho các vụ sản xuất trong năm.

Trên cơ sở việc kiểm đếm nguồn nước thường xuyên, trước và trong vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng cần được bố trí phù hợp với điều kiện nguồn nước. Trong đó, các khu vực nguồn nước chắc chắn không đủ phải dừng sản xuất, khu vực nguồn nước thiếu hụt phải chuyển đổi sang loại cây trồng cần ít nước tưới hơn. Giải pháp này giúp giảm thiệt hại cho người dân do không phải chi phí sản xuất.

Thực hiện các giải pháp dẫn nước, trữ nước, tiết kiệm nước và ưu tiên phân phối nước, tăng cường nạo vét kênh mương để dẫn nước, lắp đặt trạm dã chiến, tổ chức bơm chuyền để tận dụng nguồn nước. Tăng cường các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn (ướt - khô xen kẽ, nông - lộ - phơi, phun mưa, nhỏ giọt...). Tính toán nâng giá nước phù hợp để xã hội hóa sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt và chống thất thoát, lãng phí nước.

Năm 2017, một số nơi ở phía bắc Tây Nguyên có lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 40% nên đã xảy ra hạn hán. (Ảnh minh họa)

Chúng tôi được biết, mạch nước ngầm của Tây Nguyên có xu hướng xuống thấp, trong khi lượng mưa dự báo sẽ giảm và nguy cơ El Nino sẽ tái xuất hiện. Vậy theo ông đâu là giải pháp căn cơ có khả thi và bền vững để giải quyết vấn đề khô hạn ở Tây Nguyên?

Theo tôi để phát triển bền vững, việc khai thác nước ngầm phục vụ SXNN cần được hạn chế. Trong đó giải pháp căn cơ lâu dài chính là cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể của các ngành, nhất là quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, cấp nước... Xác định rõ thế mạnh của các ngành, phù hợp với biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, thiếu nước.

“Tưới nhỏ giọt là một hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, có thể tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống, đồng thời giúp giảm lượng phân bón, công lao động và tăng năng suất cây trồng. Do vậy, đây là giải pháp được khuyến khích áp dụng trên diện rộng”, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết.

Trong quy hoạch thủy lợi, cần tính đến giải pháp chuyển nước đến các khu vực khan hiếm nguồn. Đồng thời, cần ưu tiên nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi cấp nước.

Cũng phải nói thêm rằng, chúng ta cần đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.

Dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, khả năng hiện tượng El Nino quay lại và ảnh hưởng đến nước ta, ông có khuyến cáo gì đặc biệt trong việc phòng, chống hạn hán thời gian tới?

Hầu hết các Trung tâm khí hậu lớn trên thế giới đánh giá hiện tượng ENSO đang có xu hướng chuyển từ pha lạnh sang pha nóng, xác suất xuất hiện El Nino trong mùa hè năm 2017 trên 50%. Nếu vậy, đây là El Nino xuất hiện liên tiếp ở chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện hiện tượng La Nina.

Nếu El Nino xuất hiện, khả năng sẽ ảnh hưởng đến thời tiết nước ta từ cuối năm 2017, gây trình trạng hạn hán, thiếu nước ở khu vực Tây Nguyên từ năm 2018. Để chủ động đối phó, cần thực hiện các giải pháp đối phó ngay từ mùa mưa năm 2017, trong đó, lưu ý chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán theo các kịch bản có thể xảy ra, huy động nguồn lực để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, bảo đảm tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ NN-PTNT và Bộ, ngành liên quan về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm