| Hotline: 0983.970.780

Đầu năm, “đôn đáo” quản thực phẩm

Thứ Ba 07/02/2012 , 11:51 (GMT+7)

Việc thực hiện Luật ATTP theo Thông tư 14 tại các tỉnh phía Bắc cần phải lấy Hà Nội làm trọng điểm,...

Ngay sau tuần làm việc đầu tiên của năm mới, hôm qua (6/2), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã triệu tập các đơn vị thành viên rà soát lại công tác quản lí vệ sinh ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và rốt ráo triển khai kế hoạch trong tháng 2/2012. 

Thanh tra “bội thực” xử phạt 

Theo kế hoạch của BCĐ liên ngành TƯ thực hiện tháng cao điểm hành động vì chất lượng - VSATTP năm 2012 nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, các đơn vị chức năng của Bộ NN-PTNT (gồm Cục Quản lí chất lượng NLTS, Cục BVTV và Cục Thú y) phối hợp với các địa phương đã tổ chức kiểm tra đột xuất tổng cộng 2.629 cơ sở SX-KD sản phẩm nông lâm thủy sản (NLTS) và vật tư nông nghiệp (VTNN) tại 22 tỉnh/thành phố.  

Kết quả cho thấy, có tới 702 cơ sở vi phạm các điều kiện về đảm bảo ATVSTP (chiếm 21,4%). Các đoàn kiểm tra cũng đã lấy 207 mẫu NLTS kiểm tra phân tích, qua đó phát hiện 38 mẫu có dư lượng thuốc BVTV, hóa chất vượt mức cho phép (chiếm 18,3%), đa số là hàn the và các hợp chất nitrat. Các đoàn kiểm tra đột xuất đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 78 triệu đồng. 

Các lỗi vi phạm phổ biến là điều kiện vệ sinh nhà xưởng xuống cấp, thiết kế không phù hợp, chưa áp dụng chương trình quản lí chất lượng trong SX thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm không thực hiện, không đảm bảo quy định về nhãn mác bao bì… 

Tiêu điểm trong tháng kiểm tra ATVSTP và chất lượng VTNN đó là mới đây, Cục Chăn nuôi phối hợp với Công an các tỉnh, TP như Đồng Nai, Hải Phòng, Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta agonist trong chăn nuôi. Qua đó, Công an Đồng Nai đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng đang vận chuyển 5kg Salbutamol hàm lượng 98% đi tiêu thụ, hiện đang tiếp tục truy xuất nguồn gốc của lô hàng trên.

Về tình hình vi phạm đối với việc thực hiện Luật ATTP thuộc phạm vi quản lí của Bộ NN-PTNT (cụ thể là Thông tư 14/2011 của Bộ NN-PTNT, gọi tắt là Thông tư 14), ông Phạm Văn Hiền - Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT công bố một con số đáng giật mình, đó là chỉ trong tháng 1/2012, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã phải ký 1.594 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm về ATVSTP, với tổng số tiền phạt lên tới 1 tỉ 650 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày, cơ quan này phải ký tới 53 quyết định xử phạt, nhiều đến nỗi các lãnh đạo phải chia nhau ký quyết định mới xuể!  

Lí giải về điều này, ông Hiền cho biết, từ khi thực hiện Thông tư 14 theo Luật ATTP đến nay, số lượng các đợt kiểm tra thường xuyên – đột xuất của lực lượng thanh tra chuyên ngành ở các Cục – Tổng cục tăng đột biến. Trong khi đó theo Luật Thanh tra mới, thì thanh tra Cục – Tổng Cục hiện nay lại không có thẻ thanh tra viên và không có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Vì thế, toàn bộ các quyết định xử phạt đều phải nhồi lên Thanh tra Bộ, gây nên tình trạng “quá tải”.  

Hà Nội: “ATVSTP cũng rối tung như giao thông” 

Trong khi việc thực hiện Luật ATTP và Thông tư 14/211 của Bộ NN-PTNT đã được các địa phương trên cả nước nỗ lực đưa dần vào guồng khá ổn định, thì cho tới thời điểm này, tâm điểm nhức nhối về vấn đề ATVSTP khiến dư luận dành nhiều lời chỉ trích nhất chính là TP Hà Nội, mà tiêu biểu nhất có lẽ phải kể tới thực trạng nhộn nhạo trong việc kiểm soát ATTP tại các lò mổ, và sản phẩm rau, thịt từ bên ngoài tuồn vào thành phố.

Tại cuộc họp hôm qua, ông Đoàn Xuân Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến – Thương mại NLTS & Nghề muối (Bộ NN-PTNT) thẳng thắn nhận xét: “Ở Hà Nội, vấn nạn ATTP hiện nay cũng bừa bộn và rối tung giống y như vấn đề giao thông vậy. Mấy năm trước, khi chúng tôi đi kiểm tra, có thể nói thực trạng ATTP của Hà Nội và TP.HCM là cùng xuất phát điểm như nhau. Ấy thế mà đến nay, cùng một quy phạm pháp luật đó, cùng một Thông tư, một quy định đó, nhưng trong khi TP.HCM đã thực hiện kiểm soát khá tốt vấn đề này, thì Hà Nội lại làm rất tồi, họp lên họp xuống rồi thì gần như chẳng triển khai gì. Các chợ đầu mối đến nay vẫn thả lỏng, các lò mổ tập trung đầu tư tiền của rất lớn nhưng không phát huy hiệu quả”.

Cùng chung nhận xét, ông Phạm Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục Thú y chỉ trích: Cùng một văn bản quy định, nhưng các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế trở vào Nam thực hiện rất tốt. Cụ thể như đối với giết mổ, vận chuyển thịt, hiện nay TP.HCM đã kiểm soát tốt, các sản phẩm đưa vào TP.HCM đều phải có nhãn mác, vận chuyển bằng xe chuyên dụng… TP.HCM hiện cũng đã ký cam kết với 5 tỉnh lân cận cung cấp thực phẩm trọng điểm để kiểm soát chất lượng ATTP theo chuỗi từ SX tới bàn ăn. Những lô hàng nào trước khi vào TP.HCM không đạt yêu cầu thì buộc phải tiêu hủy hoặc trả lại nơi SX... Có thể nói đến nay, việc kiểm soát ATTP tại TP.HCM đã cơ bản đi vào guồng khá nề nếp.  

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu:

"Tôi đi kiểm tra tình hình thực hiện Luật ATTP theo Thông tư 14 tại nhiều tỉnh phía Bắc như TP Hải Phòng, Hải Dương…, thấy các tỉnh này đến nay gần như chưa thực hiện gì. Bên cạnh những khó khăn điều kiện cơ sở vật chất, thì có một nguyên nhân là các tỉnh đều “tị” với Hà Nội. Họ bảo Hà Nội là trung tâm đầu mối tiêu thụ thực phẩm ở miền Bắc, có đủ điều kiện kinh phí, nhân lực mà đến nay không thực hiện được kiểm soát ATTP, thì các tỉnh sao làm nổi?”

Vẫn theo ông Đông, trong khi đó ở các tỉnh phía Bắc, mà tiêu biểu là TP Hà Nội lại làm rất kém. Thậm chí đến nay, trong khi nhiều tỉnh đã hoàn thành điều tra, phân loại xong và đi vào kiểm tra hoạt động các lò mổ khá bài bản thì Hà Nội hiện vẫn chưa bắt tay vào việc phân loại cơ sở giết mổ theo Thông tư 14, mặc dù Cục Thú y đã rất nhiều lần thúc giục.  

Ông Đông cho biết: "Về quy hoạch giết mổ, thời gian qua Hà Nội làm rất hoành tráng, đổ tiền xây dựng hàng loạt các khu giết mổ tập trung có quy mô tới 400 – 500 con gia súc/ngày. Thế nhưng do không có các giải pháp đồng bộ, các lò mổ tư nhân nhỏ lẻ thì vẫn hoạt động tràn lan vô tội vạ nên các lò mổ lớn không cạnh tranh được, và đa số đều phải bỏ hoang, có nơi làm bãi đỗ xe container".

Trước những bức xúc về vấn này, ông Phạm Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục Thú y đề nghị: “Nên chăng, Bộ NN-PTNT cần phải sớm đề nghị TP Hà Nội ký cam kết, sớm có lộ trình thống kê, đánh giá phân loại, tiến tới kiểm tra giám sát hoạt động của lò mổ hẳn hoi, đồng thời họp với các tỉnh phía Bắc cung cấp thực phẩm trọng điểm cho Hà Nội, ký cam kết cung cấp thực phẩm sạch y như TP.HCM đã làm với các tỉnh, chứ không thể để họ nói suông xong rồi để đó”.  

Ông Đoàn Xuân Hòa thì cho rằng, việc thực hiện Luật ATTP theo Thông tư 14 tại các tỉnh phía Bắc cần phải lấy Hà Nội làm trọng điểm, trước mắt trong năm 2012 phải thực hiện cho được việc kiểm soát các sản phẩm rau và thịt tại các quận nội thành.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.