| Hotline: 0983.970.780

Đầu năm mèo, đi ăn thịt chuột

Thứ Hai 21/02/2011 , 08:30 (GMT+7)

Đã no ứ, đã chán phè các thứ “cao lương mỹ vị” trong những ngày Tết, nên tôi về làng, được đãi một bữa thịt chuột, tôi lại thấy rất ngon.

Đã no ứ, đã chán phè các thứ “cao lương mỹ vị” trong những ngày Tết, nên tôi về làng, được đãi một bữa thịt chuột, tôi lại thấy rất ngon.

Tại một số làng quê ở đồng bằng Bắc bộ, thịt chuột, từ rất lâu đã trở thành một món ăn rất thường ngày, chẳng hạn như làng Cổ Dũng (Kim Thành, Hải Dương), làng Vĩnh Ninh (Thanh Trì, Hà Nội). Đặc biệt là ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), thì bảy món thịt chuột (chuột luộc ép lá chanh, chuột om đậu phụ, chuột nấu đông, chuột giả cầy, chuột rán, chuột xào chua ngọt, chuột sốt cà chua) đã rất nổi tiếng và người dân đã rất tự hào về những món thịt chuột của quê mình, thể hiện qua câu ca dao:

Mùa đông xin đón bạn về

Ăn món thịt chuột hương quê tự hào

Tại nhiều chợ quê, giá mỗi cân thịt chuột đã chế biến có giá cả trăm ngàn, chuột sống cũng trên dưới năm chục ngàn.

Đây đó, và cả ở xứ “ngàn năm văn vật”, đã xuất hiện những quán nhậu chuyên về thịt chuột, nhiều quán đã khá nổi tiếng như quán Tứ Hải ở Văn Lâm (Hưng Yên), quán Vĩnh ở Thanh Trì… nhưng làng tôi (làng Tiên Mai, Thái Bình) thì mới ăn thịt chuột được mấy năm nay, mà cũng mới chỉ có một số người ăn. Thành, một tay “tróc thử” (săn chuột) nổi tiếng, kể cho tôi nghe về cái “lịch sử ăn thịt chuột” của làng, mà anh là một trong những người có công “khởi xướng”:

- Đêm ấy đi thăm ông bác ở làng bên bị ốm về, tôi thấy một thằng chuột cống từ bên đường vọt xuống ruộng ải. Thoạt nhìn, tôi cứ tưởng con chó con nhà ai. Mẹ kiếp, con chuột to thế chứ. Tôi đuổi, cu cậu dúi dụi vì vướng đất ải không thể chạy nhanh. Tóm được rồi, về, định vứt xuống ao đãi đàn cá chim một bữa, nhưng thấy nó béo nần nẫn lại đâm tiếc, tôi làm thịt rồi luộc, ép lá ré, hôm sau gọi mấy ông bạn đến chén. Ai cũng khen ngon, hết luôn hai “ngỗng” (chai 650 ml) rượu. Thế là từ đấy, bắt được chuột lớn chuột bé, anh em tôi lại gọi nhau, rồi thì người nọ rủ thêm người kia. Vợ con tôi, lúc đầu nhìn thấy thịt chuột cũng hãi, kêu cha kêu mẹ, thế mà bây giờ cũng ăn như tằm ăn rỗi rồi…

Hăm chín tháng Chạp, Thành cùng mấy người bạn đã ra đồng lùng chuột, được mấy chục con mang về nhốt lồng. Tiệc bày ra, món đầu tiên là món chuột luộc ép lá ré. Anh Lân, một người trong hội nhậu, bảo:

- Không biết sao cái lá ré nó lại hợp vị với món chuột luộc đến thế. Này bác Thụy, bác cứ thử hình dung xem thịt lợn không hành, thịt gà không lá chanh, thịt chó không riềng nó chuểnh choảng, nó vô vị thế nào, thì cái món thịt chuột luộc không lá ré nó cũng như thế. Chuột làm lông trắng nõn, phanh bụng, luộc lên, bọc lá ré tươi vào, để xuống phản rồi đè cái thớt to lên, trên thớt đặt thêm mấy viên gạch nữa. Qua một đêm, thịt chuột khô lại, hương vị lá ré thấm vào, chà chà…

Quả đúng như lời Lân nói. Đã từng ăn thịt chuột xào rau cải ở vùng Mèo, ăn thịt chuột rắc lá chanh ở Đình Bảng… nhưng lần đầu nếm miếng thịt chuột luộc ép lá ré, chấm với muối tiêu, chanh ớt ở làng, tôi thấy thật đậm đà, đậm đà hơn cả…thịt gà mái già luộc treo khô nữa, nó rất giống với thịt con dúi (cũng thuộc họ nhà chuột, chuyên ăn măng và các loại rễ cây) ở vùng cao. Món tiếp theo là thịt chuột nướng bóp vừng đen. Thịt chuột thắt miếng, tẩm gia vị nướng trên than, xong trộn với vừng đen rang chín, ăn cũng “đã đời” lắm.

Món thứ ba là chuột rang muối. Để một lớp muối dầy dưới đáy nồi đất, lót cái vỉ tre lên, xếp chuột trên vỉ, đạy kín vung rồi nổi lửa, con chuột chín nhờ sức nóng tỏa ra từ lớp muối ấy, trở nên khô se. Mấy chai rượu đã trở thành mấy cái vỏ chai không, Thành giục vợ lấy thêm rượu, và mang thêm các món chả chuột, chuột xào sả ớt, chuột rim nước dừa. Thành bảo:

- Món này là học của miền Nam đây. Cách đây mấy năm xem ti vi, thấy họ làm, từ khi quen chén thịt chuột, tôi nhớ lại rồi làm theo.

- Đồng làng ta có nhiều chuột không?

- Vô thiên. Mèo thành “đặc sản” hết rồi, thì làm gì mà chẳng lắm chuột.

Dốc tuột chén rượu vào miệng, anh Hậu gật gù:

- Này, mà chẳng hiểu sao dân tỉnh ta lại nghiện xơi mèo thế nhỉ. Gần như xã nào cũng có quán thịt mèo. Các thị trấn thì xoàng nhất cũng vài ba quán. Còn dọc đường to, như đường từ Diêm Điền lên thành phố Thái Bình, hay đường từ thành phố Thái Bình đi Tiền Hải, đi Nam Định, đi Quỳnh Côi hay Hưng Hà, cứ gọi là dăm ba cây số một quán. Thành phố Thái Bình càng nhiều hơn. Các anh thử tính mà xem, khắp cả tỉnh, cứ gọi vài trăm quán là ít. Mỗi quán mỗi ngày chỉ tính khiêm tốn là thịt 5 con thôi, thì mỗi ngày đã có cả nghìn con mèo đổ tiết rồi. Một tháng, một năm là bao nhiêu?

- “Sát nhất miêu, cứu vạn thử” mà lại. Cứ một con mèo chết, là hàng trăm hàng ngàn con chuột được sống, và còn sinh con đẻ cái ra gấp mấy lần như thế nữa chứ. Sao chính quyền không dẹp những cái quán “tiểu hổ” đi.

- Cấm quán thịt mèo làm sao được, vì những người hay chén thịt mèo, phần lớn đều là…cán bộ.

Bữa thịt chuột đầu xuân ở làng, sau đó, còn gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Cấm thịt mèo, liệu có giải quyết được nạn chuột không? Nhớ lại một thời ra đồng, chẳng mấy bước không gặp một con rắn mòng hay rắn nước, rắn hoa cỏ…con nào con nấy to như cổ tay trẻ lên mười. Ngày nắng tháng sáu, chúng quấn lại thành búi dưới những bụi cỏ bên bờ ruộng. Bụi tre nào mà chẳng có mấy con rắn ráo. Đêm, đốt cây đuốc nứa đi ngoài đồng, lát sau quay lại, thế nào cũng gặp một vài chú cạp nong hay hổ mang đang nuốt tàn nứa (câu tục ngữ “theo đóm ăn tàn” có lẽ là từ hiện tượng này mà ra). Nhưng ngày nay, thì con rắn bằng đầu đũa cũng không còn, chỉ bởi vì các loại rắn đã được con người coi là “đặc sản”.

Rất nhiều loài khác như ếch, ba ba…cũng chịu chung số phận. Thì ra chính con người mới là giống có sức tàn sát các loài động vật khác một cách khủng khiếp nhất, một khi những loài vật ấy trở thành nhu cầu của con người. Với những giống loài ấy, thì “nhân địch” còn tàn khốc gấp trăm lần “thiên địch”, bởi “nhân địch” đã tàn sát là tận diệt, trong khi “thiên địch” luôn luôn duy trì cho các loài ở mức cân bằng. Không biết bao nhiêu là loài vật một thời nhan nhản trên trái đất, ngày nay phải nằm trong “sách đỏ”, chẳng là một minh chứng hùng hồn nhất đó ư? Giá như, giá như các nhà khoa học có một chuyên khảo về món “thử nhục” (thịt chuột), kể rõ thành phần, tác dụng của nó. Rồi tiếp theo, những đầu bếp tài ba cỡ Đinh Bá Châu… sẽ sáng tạo ra nhiều món ăn bằng thịt chuột thật hấp dẫn để phổ biến, khiến con chuột cũng trở thành “đặc sản” như con rắn, con ếch, con ba ba…

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất