| Hotline: 0983.970.780

Đầu nậu vùng mía Thanh Hóa “béo bở”

Thứ Năm 30/12/2010 , 10:03 (GMT+7)

Các đầu nậu này thiết lập đường dây đi gom mía ở các vùng đã được NM đầu tư để bán nơi khác lấy chênh lệch giá. Chỉ có NM và người dân thiệt thòi.

Xe mía bị bắt trên đường vận chuyển từ Thạch Thành lên Lam Sơn

Tại cuộc họp bàn các giải pháp nhằm thúc đẩy ngành mía đường tỉnh Thanh Hoá ổn định SXKD do PCT UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền chủ trì, chúng tôi thấy ý kiến của ông Lê Văn Tới - TGĐ Cty CP mía đường Nông Cống rất đáng chú ý.

Xung quanh tình trạng tranh cướp nhau vùng nguyên liệu như NNVN đã có bài đề cập, ông Lê Văn Tới phát biểu rằng: “Trên địa bàn của tỉnh lâu nay xuất hiện rất nhiều đầu nậu hoạt động như các thương lái trong miền Nam. Các đầu nậu này thiết lập đường dây đi gom mía ở các vùng đã được NM đầu tư để bán nơi khác lấy chênh lệch giá. Chỉ có NM và người dân thiệt thòi. NM mất nguyên liệu để SX. Người dân thì bị đầu nậu đưa ra các trò để mua được mía. Người dân cứ thấy có tiền mặt là bán chứ không nghĩ đến những gì mà NM đã từng đầu tư và ký HĐ bao tiêu sản phẩm với họ. Không chỉ có NM và người dân thiệt thòi mà Nhà nước cũng bị thất thu. Duy chỉ có các đầu nậu là béo bở mà thôi”.

Béo bở - câu nói ấy của ông Tới đã làm cho các đại biểu tham dự cuộc họp bật cười. Còn tôi thì chăm chú ghi chép những gì mà người trong cuộc phát ra. Sau cuộc họp đó, tôi đã quyết định vào vai người “đi buôn” mía xem nó béo bở như thế nào.

Sáng sớm, cái lạnh giá đầu đông như muốn cắt da, cắt thịt nhưng “chú ngựa sắt” vẫn đồng hành cùng tôi vượt gần 100km đến vùng đất Thạch Quảng của huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá. Đây là huyện được tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu cho NM đường Việt - Đài. Nếu theo cách làm của tỉnh thì toàn bộ nguyên liệu trồng từ vùng quy hoạch này sẽ được bán cho NM đường Việt - Đài (tất nhiên là phải qua hợp đồng với người dân). Sau nhiều năm đầu tư đi vào SX, đời sống người dân một số nơi đã khấm khá lên nhờ cây mía. Không chỉ có cuộc sống trong các gia đình mà ngay cả mạng lưới giao thông cũng được Nhà nước và NM hỗ trợ đầu tư cùng nhân dân phát triển kinh tế. Thế nhưng, sự khấm khá đó đa số rơi vào tay các chủ hợp đồng. Số chủ hợp đồng này đứng ra đại diện cho nhiều hộ dân trong thôn, trong xã để ký với NM. Thời gian đầu, người dân nhận các khoản đầu tư của NM từ mầm giống đến phân bón, kể cả một số chi phí chăm sóc mía. Song đến thời điểm này, có một số chủ hợp đồng đã không còn hợp tác với NM đường Việt - Đài mà nhảy sang bắt tay với NM đường Lam Sơn.

Có mặt ở đây, tôi thấy quãng đường vận chuyển mía từ các xã Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thạch Tượng về cho NM đường Việt - Đài sẽ không thuận lợi bằng mang về cho NM đường Lam Sơn. Do đó đa phần mía của vùng này cứ thế mà tuồn sang NM đường Lam Sơn. Trong khi NM đường Lam Sơn không phải đầu tư các khoản kiến thiết ban đầu hay kinh nghiệm sản xuất cho vùng này nên cứ thế NM đường Lam Sơn nâng giá mua mía thật cao để gom được nhiều mía về cho mình. Được biết, tại vùng này có bà Nguyễn Thị Xuân và chị Thanh Kiện là những đầu nậu tầm cỡ cung ứng hàng ngàn tấn mía cho NM đường Lam Sơn cho nên chiều tối hôm đó bằng các nghiệp vụ của mình, tôi đã tiếp cận được với lái xe mà các đầu nậu này thuê chở mía sang cho NM đường Lam Sơn.

Ở một quán nước bên đường, tôi gặp một người tự giới thiệu tên là Lê Văn Sơn. Tôi gọi bà chủ quán cốc nước trà nóng. Còn anh Sơn gọi bao thuốc lá Vinataba. Mặc dù chưa một lần hút thuốc nhưng để muốn được tiếp chuyện, tôi nhã ý xin anh Sơn điếu thuốc. Vòng vo câu chuyện một lúc cho đến khi điếu thuốc cháy được một nửa, tôi hỏi anh Sơn:

- Mỗi ngày anh chạy được mấy chuyến?

- Tôi không có xe. Tôi lái thuê cho anh Lê Văn Trường ở dưới Phố Cát nên lúc nào cần thì anh ấy gọi. Nói chung nếu không gặp một cản trở nào thì mỗi ngày cũng chở được dăm bảy chuyến.

Theo lời anh Sơn thì toàn bộ mía do các đầu nậu thuê chở đều được mang đến tiêu thụ tại NM đường Lam Sơn. Và cứ mỗi chuyến như vậy, nhà xe được trả 130.000đ/tấn cho cước vận chuyển. Qua tìm hiểu tôi được biết phía Lam Sơn mua mía cho các đầu nậu với giá 1,2 đến 1,3 triệu đồng/tấn, trong khi giá mía NM đường Việt - Đài mua chỉ là 950.000đ/tấn. Các đầu nậu và lái xe thì cố gắng làm sao gom cho được nhiều mía để cung cấp cho NM đường Lam Sơn sản xuất. Chính vì thế phát biểu trong cuộc họp của UBND tỉnh do PCT Nguyễn Đức Quyền chủ trì đó, ông Khương Duy Oanh - PGĐ CA tỉnh Thanh Hoá khẳng định chắc chắn rằng: “100% các xe mía đều chở quá trọng tải nhưng vì tiến độ sản xuất của NM và mong muốn tạo điều kiện để nhân dân tiêu thụ được mía, tránh tình trạng để mía khô ngoài đồng cũng như bị ép giá nên lực lượng CA vẫn phải tạo điều kiện cho các xe mía vận chuyển”. Theo chúng tôi đây chính là một nguồn thu lợi nữa mà các đầu nậu gặt hái được từ những chuyến mía “mua lén” đó.

Để có được mía mang đến bán cho NM đường Lam Sơn, các đầu nậu đã đưa ra nhiều chiêu bài gom mía, trong đó có cách là đem tiền đến cho dân tiêu trước. Chẳng hạn như trường hợp hộ dân Bùi Tiến Thành ở xã Thạch Quảng đã cầm trước 20 triệu đồng của đầu nậu Thanh Kiện. Trước áp lực đã nhận tiền trước nên chiều 20/12, ông Thành buộc phải bán mía của gia đình cho chị Thanh Kiện và lái xe Sơn đã đưa xe đến ngay ruộng mía của ông Thành để bốc mía. Khi xe mía này chuẩn bị xuất bãi thì bị lực lượng chức năng bắt và lập biên bản. Vì toàn bộ diện tích mía của ông Thành đã ký với NM đường Việt - Đài nên đối chiếu các quy định thì ông Thành đã vi phạm HĐ. Cho nên xe mía đó đã được đưa về NM đường Việt - Đài để tiêu thụ đồng thời UBND huyện Thạch Thành đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ dân Bùi Tiến Thành.

Thực tế giá mua mía của NM đường Việt - Đài đang thấp hơn giá mua của NM đường Lam Sơn. Sẽ không tránh khỏi việc một số chủ HĐ đã từng ký bán mía cho Việt - Đài nhưng nay lại bán mía cho Lam Sơn và đến khi thanh toán tiền cho các hộ dân lại theo mức giá của NM đường Việt - Đài. Bởi việc này đã từng xảy ra trong vụ ép năm ngoái và đã có những chủ HĐ hoạt động như các đầu nậu nên ẵm được khoản chênh lệch đó hàng trăm triệu đồng. Để rồi chỉ có người dân là chịu những thiệt thòi. Viết tới đây, tôi lại cảm nhận được câu nói của ông Lê Văn Tới- TGĐ Cty CP mía đường Nông Cống cũng có lý khi mà các chủ HĐ lại chính là những đầu nậu tầm cỡ.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất