| Hotline: 0983.970.780

Đầu tàu là doanh nghiệp

Thứ Tư 31/10/2012 , 11:09 (GMT+7)

Dù giống có tốt đến đâu mà không có DN đỡ đầu bao tiêu rất khó thành công và đó là nguyên nhân khiến lúa lai nội chưa thể bứt phá.

Cả chặng đường dài gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu lúa lai, PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện CLT&CTP rút ra bài học, dù giống có tốt đến đâu mà không có DN đỡ đầu bao tiêu rất khó thành công và đó là nguyên nhân khiến lúa lai nội chưa thể bứt phá.

>> Nhập đến bao giờ?

SX HẠT LAI NHƯ ĐÁNH BẠC

Ngay sau khi Bộ NN-PTNT ban hành 4 quyết sách lớn để phát triển lúa lai, ông Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Cty Đại Thành (Bắc Ninh) lập tức “xua quân” đi khắp nơi liên hệ với các HTX nông nghiệp tìm địa điểm để SX hạt lai F1. Cty Đại Thành là đơn vị chuyên nhập khẩu giống lúa lai 3 dòng GS 9 từ Philippines về phân phối tại VN. Dù vậy ông Trường hoàn toàn đồng tình với chủ trương phải SX hạt lai F1 trong nước. Nhưng ông rất băn khoăn vì sợ nông dân không tham gia.

“Vừa qua, tôi cùng anh em trong Cty đi khảo sát một loạt các HTXNN đề nghị hợp tác SX lúa lai, có ký hợp đồng bảo lãnh năng suất hẳn hoi nhưng nông dân có vẻ không mặn mà. Nếu làm lúa thuần họ đồng ý ngay nhưng lúa lai thì…

Giả dụ, nếu làm lúa lai, các HTX họ cũng chỉ dám nhận diện tích 1 - 2 ha, chứ vài chục ha thì không vì họ sợ chẳng may có vấn đề gì mất uy tín với dân. Cái này, tôi nghĩ phải có sự vào cuộc hỗ trợ, bảo lãnh của Nhà nước chắc họ mới tin”, ông Trường lo lắng.

Lý giải nguyên nhân vì sao dân lại không mặn mà với việc SX lúa lai, chủ nhiệm một HTXNN ở huyện Yên Định, Thanh Hóa chia sẻ, trước đây HTX có tham gia SX lúa lai với một DN giống cây trồng, nhưng do gặp mưa bão nên bị mất mùa, sản lượng chưa đầy 1 tấn/ha.

Mặc dù phía Cty đã đền bù, hỗ trợ nhưng tâm lý bà con nông dân vẫn sợ. Hơn nữa, thời gian để nhận được tiền hỗ trợ có khi phải mất cả năm. Chính vì vậy, nếu muốn làm lúa lai tiếp ông chủ nhiệm này nghĩ chắc phải có sự tác động, bảo lãnh của Nhà nước may ra người dân mới tin.


DN đến tìm hiểu các giống lúa lai tại Viện CLT&CTP

Là người đã nếm trải thất bại khi hợp tác với nông dân SX lúa lai F1, Giám đốc Cty TNHH Cường Tân, ông Đoàn Văn Sáu cho biết, năm 2008, 2009 Cty vào Bình Định và Quảng Nam SX lúa lai F1. Ngay lập tức nếm “quả đắng” khi dịch rầy nâu bùng phát khiến hàng chục héc ta lúa lai F1 mất cả chì lẫn chài. Hiện, các Cty muốn SX lúa lai F1 đều phải ký hợp đồng bảo lãnh với nông dân. Thành công thì không sao chứ thất bại là khốn đốn.

Nếu không muốn mất lòng tin thì phải bỏ tiền túi ra đền dân trước cái đã. Còn tiền hỗ trợ theo chương trình khuyến nông rất chậm, phải mất cả năm trời mới được thanh toán. Không người dân nào đủ kiên nhẫn chờ đến lúc đó và đây là một khó khăn lớn đối với các DNSX giống.

Chính vì vậy, ông Sáu đề nghị nếu có một nguồn quỹ riêng để các DN làm lúa lai có thể tiếp cận nhanh chóng, kịp thời những lúc khó khăn, thất bát thì quý như vàng. “DN bình thường đã rất cần vốn, những lúc làm ăn thua lỗ lại càng cần vốn hơn để vực dậy SX và quan trọng hơn cả là để giữ đúng lời hứa và uy tín với người nông dân”, ông Sáu bộc bạch.

DÀN TRẢI CÀO BẰNG

Phải khẳng định, trong những năm qua, Nhà nước đã dành nhiều chính sách ưu đãi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, trong đó có việc đầu tư cho cây lúa lai. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, Viện Nghiên cứu lúa (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng, các chính sách đầu tư cho nghiên cứu lúa lai của ta đang quá dàn trải, mỗi nơi một ít cuối cùng tổng kết lại không nơi nào cho ra được giống lúa xứng tầm.

Là đơn vị đã nghiên cứu ra nhiều giống lúa lai nổi tiếng như TH3-3, TH3-4, TH3-7, CT16… nhưng PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cho biết, trung tâm của bà phải tự nuôi nhau mà không nhận được bất cứ nguồn ngân sách hỗ trợ nào của Nhà nước. Phải mãi đến năm 2011, nhờ "ké" đề tài với Viện CLT&CTP thì trung tâm mới được hỗ trợ 1 tỷ đồng.

Nhưng tận đầu năm 2012 mới giải ngân được 163 triệu, không đủ chi trả tiền giữ vật liệu, nhà kính, nhà xưởng và số tiền còn lại không biết phải chờ bao lâu nữa mới có thể giải ngân xong. Chính vì vậy, để duy trì hoạt động, Viện Nghiên cứu lúa vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào tiền bán bản quyền giống cho DN.

Bà Trâm thắc mắc: “Tại sao giống nào viện chúng tôi nghiên cứu ra khi bán bản quyền cũng phải đóng 10% thuế VAT và 30% thuế theo luật, mà chẳng thấy nhà nước khen thưởng gì (!). Tôi đồng ý là đóng thuế theo quy định của nhà nước nhưng cũng cần phải thưởng phạt công minh chứ?

Chúng tôi chẳng đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần được tiếp cận các nguồn vốn dành cho nghiên cứu lúa lai như các đơn vị khác hoặc tiến hành đấu thầu đề tài công khai. Đơn vị nào làm tốt hơn, rẻ hơn đơn vị ấy được hưởng, chứ hiện nay đang có tình trạng người ăn không hết kẻ lần chẳng ra”.

Cũng kiến nghị chính sách dành cho nghiên cứu, phát triển lúa lai, bà Phạm Thị Cằng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng đề nghị nhà nước nên hỗ trợ cao hơn nữa cho việc nghiên cứu, SX lúa lai F1. Theo chương trình khuyến nông, tất cả các tổ hợp lúa lai SX F1 đều được hỗ trợ 6 triệu đồng/ha nên các DN đều đầu tư làm các tổ hợp dễ và quen thuộc, không khuyến khích tham gia làm các tổ hợp mới, tổ hợp khó vì sợ rủi ro, dẫn tới ngành lúa lai chậm phát triển. Nếu SX lúa lai F1 với tổ hợp mới nâng mức hỗ trợ lên khoảng 10 triệu đồng/ha sẽ lôi kéo DN tham gia nhiều hơn.

 

 

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Giống cây trồng Trung ương góp ý thêm, để tạo ra bước đột phá cho ngành lúa lai, nhà nước cần có các chính sách dành cho lúa lai nhiều hơn nữa.

“Ngay như việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp dành cho cây lúa hiện nay không có bảo hiểm dành cho SX hạt lai F1, rồi chính sách hỗ trợ thiên tai trong SX nông nghiệp chỉ có hỗ trợ lúa thương phẩm mà không có hỗ trợ dành riêng cho SX lúa lai.

Theo tôi, DN càng cần phải hỗ trợ nhiều hơn chứ không hẳn chỉ các đơn vị nghiên cứu phụ thuộc 100% vào ngân sách mới cần hỗ trợ. Bởi hỗ trợ cho DN là gắn sản phẩm trực tiếp với lợi ích của họ nên chắc chắn họ phải tự làm tốt để đem lại lợi nhuận cho chính mình", bà Liên đề nghị. 

Cứ mỗi lẫn nhắc đến ngân sách dành cho nghiên cứu lúa lai, PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn nhăn nhó bảo rằng: Viện CLT&CTP mang tiếng mỗi năm được hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để nghiên cứu lúa lai, các đơn vị khác nhìn vào cứ tưởng là nhiều, nhưng thực chất chẳng thấm vào đâu.

 

Từ năm 2000 đến nay, Trung tâm NC&PT lúa lai của viện được cấp tổng cộng 18 tỷ đồng dành riêng cho nghiên cứu, song san sẻ mỗi nơi một ít nên cuối cùng còn lại chẳng bao nhiêu. Vì thế cán bộ của trung tâm bỏ đi ra ngoài làm hết, vì đồng lương quá thấp, không đủ nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.

“Chúng ta không nên lấy ngành lúa lai của Trung Quốc để so sánh với lúa lai của ta được. Bởi Trung Quốc họ đầu tư cho lúa lai khác ta "một trời một vực". Bản thân chúng tôi cũng phải tự vận động chứ nếu cứ trông chờ vào ngân sách thì không làm nổi lúa lai đâu.

Những năm trước, chúng tôi phải tự cân đối để nghiên cứu, phát triển các giống siêu lúa lai, giờ có đề tài mới cho ra được luôn. Ngay cả các giống lúa lai ứng phó với BĐKH, hiện chưa có chương trình nên chúng tôi phải "đi tắt đón đầu". Sau này nếu xin được dự án, đề tài thì đã có sẵn rồi, chứ đợi đến lúc có dự án mới bắt tay vào làm, tôi đố đơn vị nào tạo ra giống lúa lai trong vòng 5 - 6 năm?", ông Hoàn giãi bày.

"Mặc dù thông cảm thì thông cảm thật, nhưng bản thân Trung tâm NC&PT lúa lai cũng cần “củng cố” lại mình xem những năm qua đã thực sự làm tốt chưa? Vì có rất nhiều đơn vị không được cấp được đồng nào để nghiên cứu, họ vẫn cho ra những tổ hợp lai nổi đình, nổi đám. Thời buổi kinh tế thị trường hiện nay DN rất “nhạy cảm”, cái nào tốt và nhìn thấy có lãi họ lập tức nhảy vào cuộc ngay chứ chưa cần các nhà khoa học hô hào giống của mình tốt đến đâu", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất