| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư sâu dạy nghề nông nghiệp

Thứ Ba 24/09/2013 , 09:52 (GMT+7)

Để vực dậy đời sống nông dân ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng thuần nông, tỉnh Bình Định đang đầu tư sâu trong công tác dạy nghề nông nghiệp...

Để vực dậy đời sống nông dân ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng thuần nông, tỉnh Bình Định đang đầu tư sâu trong công tác dạy nghề nông nghiệp nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về TBKT để bà con có thể tự tổ chức SX bền vững.

Dạy nghề cần

Ngoài những nghề phổ thông trong lĩnh vực nông nghiệp, trong năm nay, trước nhu cầu phát triển trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản, Bình Định lần đầu tiên đưa vào chương trình dạy nghề nông nghiệp 2 nghề “mới toanh”.

Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định cho biết: “Năm nay, ngư dân Bình Định lần đầu tiên được học 2 nghề mới, đó là kỹ thuật câu vàng cá ngừ đại dương và đánh bắt hải sản bằng lưới vây. Trước khi tham mưu cho Sở NN-PTNT mở lớp cho 2 nghề nói trên, chúng tôi đã mở nhiều chuyến khảo sát tại các xã ven biển, gặp trực tiếp nhiều chủ tàu trực tiếp khai thác tại các vùng biển xa với nhiều nghề khác nhau nhưng hiệu quả cho không cao, và họ đang có nguyện vọng chuyển đổi nghề. Do đó chúng tôi đưa 2 nghề đang ăn nên làm ra của ngư dân Bình Định vào chương trình dạy”.


Nông dân được dạy nghề nuôi cá lồng bè trên biển

Theo ông Lê Văn Nghinh, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH Bình Định, UBND tỉnh vừa phân bổ nguồn kinh phí 2 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm năm 2013 cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh để đào tạo 1.190 chỉ tiêu nghề nông nghiệp.

Theo đó, sẽ có các nghề được đào tạo là: Chẩn đoán bệnh động vật thủy sản; nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm, gia súc; quản lý dịch hại tổng hợp; trồng và nhân giống nấm; kỹ thuật thụ tinh nhân tạo heo, bò; quản lý và kỹ thuật trồng lúa năng suất cao; kỹ thuật câu vàng cá ngừ đại dương; đánh bắt hải sản bằng lưới vây; sửa chữa trạm bơm điện; quản lý công trình thủy nông…

“Năm nay, chỉ tiêu dạy nghề phi nông nghiệp giảm mạnh nhưng chỉ tiêu dạy nghề nông nghiệp vẫn được duy trì như những năm trước, đồng thời dạy thêm một số nghề mới vì nhu cầu học nghề nông nghiệp ngày càng tăng”, ông Nghinh cho hay.

Công tác dạy nghề nông nghiệp tại Bình Định đang được đầu tư chiều sâu để có hiệu quả mang lại thiết thực. Trước khi trình UBND tỉnh phân bổ kính phí, chỉ tiêu dạy nghề nông nghiệp, Sở NN-PTNT Bình Định phối hợp với Sở LĐ-TB&XH đi khảo sát từng địa phương nắm bắt nhu cầu thực tế để phân bổ chỉ tiêu hợp lý và hiệu quả.

Ví như người dân ở địa phương có phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh có nhu cầu học về cách nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; người dân ở vùng nuôi trồng thủy sản thì có nhu cầu học về chẩn đoán bệnh động vật thủy sản; người dân ở những vùng trồng lúa có nhu cầu học cách quản lý và kỹ thuật trồng lúa năng suất cao… thì những nghề này được đưa vào chương trình.

Hiệu quả giữa học và hành

Ông Trương Thanh Liêm, 60 tuổi ở thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) từng tham gia lớp dạy nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm cho biết: “Gia đình tui nuôi khoảng 200 con gà thả vườn. Trong quá trình nuôi, gà thường xuất hiện các bệnh như dịch tả, cúm…, nhưng do tui không biết cách phát hiện bệnh sớm và không biết cách điều trị nên mỗi khi dính bệnh là gà chết hàng loạt không kịp trở tay.

Đi học hỏi kinh nghiệm của những người thâm niên trong nghề chăn nuôi gà, họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho tui, nhưng khi áp dụng thực tế hiệu quả không cao. Từ khi tham gia lớp học, tui vừa được học lý thuyết vừa được hướng dẫn thực hành, nay tui đã rành cách chữa bệnh, chọn giống, chăm sóc gia cầm. Những kiến thức học được đã giúp cho việc chăn nuôi của tui thuận lợi, hiệu quả hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề TX An Nhơn, đối với nông dân, không gì hiệu quả hơn là học phải đi đôi với hành. Nhận thức được vấn đề này, Trung tâm luôn chú trọng việc đổi mới cách dạy, cách truyền đạt.

“Phương thức dạy nghề của chúng tôi là tại chỗ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Dựa theo quy trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi, chúng tôi xây dựng mô hình tại hộ gia đình của học viên để thuận tiện trong quá trình thực hành.

Bên cạnh đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm của Trung tâm và hợp đồng với Trường Trung học kinh tế kỹ thuật Bình Định, chúng tôi còn mời những nông dân SXKD giỏi, có năng lực, kinh nghiệm trong thực tiễn đến trực tiếp truyền đạt cho học viên. Nhờ vậy, học viên tiếp thu kiến thức nhanh hơn, đến lớp đông hơn. Sau khóa học, các học viên đều tự tạo việc làm cho mình và ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả cao”.

“Năm nay là năm đầu tiên công tác dạy nghề nông nghiệp tại Bình Định được chuyển từ Sở LĐ-TB&XH sang Sở NN-PTNT. Là cơ quan chuyên ngành đảm trách nên các nghề nông nghiệp đưa vào chương trình dạy đều phù hợp nhu cầu thực tế.

Nông dân được trang bị kiến thức về các tiến bộ KHKT trong SX, chăn nuôi và được học cách tổ chức SX với quy mô nông hộ nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả đầu ra để nâng cao mức thu nhập cho bà con nông dân”, ông Nguyễn Văn Lâm, GĐ Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Bình Định.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất