| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư thủy lợi ứng phó "tác động kép"

Thứ Sáu 21/12/2012 , 10:34 (GMT+7)

Nước biển dâng, đặc biệt sự phát triển thủy điện được xem là tác động kép ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, SX nông nghiệp của hơn 17 triệu dân cư vùng ĐBSCL.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, các kịch bản BĐKH, nước biển dâng, đặc biệt sự phát triển thủy điện được xem là tác động kép ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, SX nông nghiệp của hơn 17 triệu dân cư vùng ĐBSCL.

Kể từ những năm cuối thế kỷ 20 đến nay, các nghiên cứu quy hoạch thủy lợi lần lượt được thực thi, đóng góp vào phát triển SX nông nghiệp thắng lợi và chế ngự thiên tai lũ lụt cho vùng này. Tuy nhiên, đứng trước thách thức mới, Bộ NN-PTNT tiếp tục tiến hành lập quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL.

Vào trung tuần tháng 12/2012 vừa qua, tại Hội nghị phát triển thủy lợi khu vực ĐBSCL tổ chức tại TP Cần Thơ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã công bố Quyết định số 1397/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến 2050 trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng.

Mục tiêu quy hoạch tạo ra hệ thống thủy lợi phù hợp với tình hình mới, từng bước thích nghi trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng; góp phần phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững cho toàn vùng.

Theo đó, quy hoạch xác định các chương trình, dự án ưu tiên và kế hoạch thực hiện theo giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050; đề xuất các vấn đề tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy hoạch, nhất là trong tình hình vùng hạ lưu có thể chịu tác động do việc sử dụng nước ở khu vực thượng lưu sông Mekong.

Nhìn lại hiện trạng sau hơn 30 năm đầu tư xây dựng, hệ thống thủy lợi toàn vùng ĐBSCL có trên 15.000 km kênh trục và kênh cấp I; gần 27.000 km kênh cấp II; khoảng 50.000 kênh cấp III và nội đồng, 80 cống rộng trên 5 m (lớn nhất là cống, đập Láng Thé - Cần Chông 100 m; cống, đập Ba Lai 84 m); trên 800 cống rộng 2-4 m và hàng vạn cống bọng nhỏ, cùng với hơn 1.000 trạm bơm điện lớn và vừa, hàng vạn máy bơm nhỏ đảm bảo chủ động tưới tiêu cho 1,4 triệu ha lúa ĐX và HT trong vùng.

Bên cạnh đó, ĐBSCL đã hình thành hệ thống kiểm soát lũ với 13.000 km đê và bờ bao, trong đó 7.000 km bờ bao chống lũ tháng 8 để bảo vệ lúa HT; hơn 200 km đê bao giữ nước chống cháy cho các vườn quốc gia, rừng tràm SX tập trung và các đê bao bảo vệ các thị trấn, thị tứ.

Ở vùng ven biển ĐBSCL xây dựng được 450 km đê biển, 1.290 km đê sông và khoảng 7.000 km bờ bao ven các kênh rạch nội đồng để ngăn mặn, triều cường và sóng bão cho vùng ven biển. Đến nay, hầu hết các thị trấn, thị xã, thành phố ở ĐBSCL được cấp nước sạch. Tuy nhiên, dân cư vùng nông thôn tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ khoảng 40%.

Trong quá trình đầu tư thực hiện quy hoạch lợi tuy đạt nhiều thành tựu lớn, song vẫn còn bộc lộ những tồn tại, bất cập về sự kết hợp quy hoạch giữa các ngành và lĩnh vực. Trong mấy năm gần đây ở 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp vùng lúa SX 3 vụ tăng nhanh đặt ra nhu cầu đầu tư, gia cố hệ thống đê bao kiểm soát lũ cả năm.

Theo Bộ NN-PTNT, tổng vốn đầu tư cho thủy lợi vùng ĐBSCL giai đoạn 2006-2012 là 14.870 tỷ đồng, tính bình quân mỗi năm đầu tư thủy lợi khoảng 2.200 tỷ đồng.

Ở vùng ven biển nhiều vùng mở rộng SX lúa 3 vụ khiến cho việc cấp nước gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều công trình thay đổi quy mô, nhiệm vụ so với thiết kế. Một số công trình chưa chú trọng công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng. Hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi SX, giải quyết yêu cầu đa mục tiêu còn nhiều bất cập, nhất là phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nước lợ. Đặc biệt, hầu hết các công trình, hệ thống công trình chưa đủ năng lực để ứng phó với BĐKH, nước biển dâng.

Nhận định, đo lường trước khả năng những tác động theo những kịch bản BĐKH, nước biển dâng và phát triển ở vùng thượng lưu sông Mekong, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó bao gồm các giải pháp tổng thể, giải pháp cho từng vùng, kể cả giải pháp phi công trình và được phân kỳ theo trình tự và tiến độ thực hiện quy hoạch.

Dự toán tổng kinh phí thực hiện quy hoạch thủy lợi đến năm 2050 khoảng 171.700 tỷ đồng, được phân chia theo hạng mục công trình như tiếp tục thực hiện theo quyết định 84/2006/QĐ-TTg, xây dựng đê biển, củng cố đê sông, kênh tiếp nước, hồ chứa, công trình kiểm soát lũ; cân đối tổng nguồn vốn đầu tư phân ra theo giai đoạn đầu tư (giai đoạn 2012 - 2020 khoảng 41.400 tỷ đồng, 2021 - 2030 khoảng 49.450 tỷ đồng và 2031 - 2050 khoảng 80.850 tỷ đồng).

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.