| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư về nông thôn: Khó!

Thứ Năm 25/07/2013 , 09:29 (GMT+7)

ĐBSCL có ưu thế SX nông - thủy sản. Sản phẩm cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, từng tạo sức hút đầu tư. Tuy vậy sau một chặng đường, một số doanh nghiệp đầu tư mở rộng về vùng nông thôn không đạt hiệu quả như mong muốn.

ĐBSCL có ưu thế SX nông - thủy sản. Sản phẩm cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, từng tạo sức hút đầu tư. Tuy vậy sau một chặng đường, một số doanh nghiệp (DN) đầu tư mở rộng về vùng nông thôn không đạt hiệu quả như mong muốn.

Thiếu vốn, yếu lực

Ở các huyện chuyên canh đất lúa như Thới lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh…(TP Cần Thơ) có giai đoạn nhà máy xay xát chế biến lúa gạo mọc lên như nấm. Dọc theo các dòng sông, kênh rạch thuận tiện đường bộ vận chuyển và điện công nghiệp kéo về, nhà đầu tư tư nhân chuộng nhất là đầu tư nhà máy xay xát.

Thế nhưng trong mấy năm qua, khi lúa gạo lận đận trong kinh doanh xuất khẩu, vay vốn chịu lãi suất cao và các rủi ro khách quan khác, không ít DN rơi vào dòng xoáy khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, chủ nhà máy xay xát lúa gạo Ngọc Ẩn, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai (Cần Thơ), tâm sự buồn: Vào năm 2002 tôi đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng nhà máy, với bài toán kinh doanh “lấy ngắn nuôi dài”. Những năm đầu làm ăn có hiệu quả. Hoạt động xay xát lúa gạo nhộn nhịp, tận dụng phụ phẩm tấm, cám, trấu kết hợp nuôi cá tra với 3 ha ao cá sau nhà như một mô hình khép kín. Có vài năm DN phất lên, tiền tỷ trong tay.

Thế nhưng không ngờ từ năm 2009 đến nay kinh tế khó khăn, làm ăn đổi chiều đi xuống. Dân hàng xáo đến xay xát lúa gạo càng lúc càng thưa, nhà máy chạy không đủ bù đắp chi phí nhiên liệu dẫn đến lâm cảnh nợ nần. Với khoản nợ ngân hàng gần 2 tỷ đồng và không thể cầm cự được, đến tháng 6/2013 tôi buộc phải bán nhà máy.


Đầu tư nhà máy xay xát cần vốn lớn nhưng rủi ro lại cao

Ông Ẩn rao bán nhà máy, nhưng không ai mua. Thế là ông buộc phải bán “xác” nhà máy theo hình thức sắt vụn, được 600 triệu đồng. Với số tiền này, ông chỉ đủ đóng tiền lãi cho ngân hàng, còn phần nợ gốc vay vẫn nằm đó. Song chưa hết vận rủi, sau mấy năm nuôi cá tra không hiệu quả đẩy cơ ngơi kinh tế của gia đình ông đến bên bờ vực.

Ông Ẩn rút kinh nghiệm muộn màng: Đó là do yếu lực, thiếu vốn đầu tư trong khi tham vọng đầu tư lớn, nào nhà máy xay xát, nào nuôi cá tra. Trong khi các nhà máy xay xát lúa gạo tư nhân khác thì đâu đến nỗi. Vì họ chọn nhà máy xay xát gạo có hệ thống đầu tư khép kín: Máy hút, băng chuyền lúa gạo, máy sấy, xay xát cho tới khâu lau bóng và bán gạo trắng. Đầu tư phải biết cách, đây là bài học lớn ông quá thấm thía.

Rủi ro khó lường

Ở ấp Bình An 2, xã An Hòa, huyện Châu Thành (An Giang), từ năm 1994 ông Nguyễn Thành Hưng từng bước lập nghiệp trở thành chủ DN Thành Hưng thành công trong việc đầu tư nhà máy xay xát, chế biến và cung ứng gạo XK. Ăn nên làm ra, nhà máy hoạt động liên tục, lượng phụ phẩm tấm, cám dồi dào, nhưng tiêu thụ chậm hoặc bán giá rẻ.

Thấy vậy, sau khi dự hội thảo và tham quan các trang trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai, Bình Dương, ông Hưng mua 4.000 m2 đất san lấp mặt bằng đầu tư mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi công nghiệp. Trại heo của ông Hưng đang trên đà phơi phới với đàn heo nái giống 30 con, 100 heo nái đẻ, 30 heo nái hậu bị và 700-800 con heo thịt.

Đến năm 2010, ông Hưng đầu tư dây chuyền thiết bị xay xát mới, cối xát trắng và máy lau bóng 600-700 triệu đồng để đáp ứng yêu cầu chất lượng gạo xuất khẩu thay thế dây chuyền thiết bị chế biến cũ, lạc hậu sau 16 năm hoạt động. Tuy nhiên rủi ro bất chừng ập đến, vì lo trước đón thu hoạch lúa vụ ĐX đầu năm 2010, ông Hưng xuất vốn nhà đặt cọc mua máy móc thiết bị về lắp đặt. Ban đầu ngân hàng hứa hẹn sẽ cho vay, nhưng sau đó báo tin không giải ngân được.

Ông xoay qua trông vào đàn heo mau lớn hòng giải nguy. Thế nhưng “họa vô đơn chí”, tháng 5/2010 cả trang trại heo bị thiệt hại nặng nề vì bệnh dịch tai xanh. Vào thời điểm này tiền nợ gốc và lãi đến đáo hạn, không có tiền trả lãi, ngân hàng khoanh nợ xấu và DN Thành Hưng phải chịu đóng lãi phạt/tháng.

Ông Hưng than thở: “Hiện nay do vốn đầu tư đổ vào sửa chữa nhà máy, vốn kinh doanh không có. Từ tháng 11/2011 đến nay nhà máy công suất 100-120 tấn/ngày phải xay gia công ngày đêm để có tiền đóng khoản lãi phạt gần 1 tỷ đồng. Đã quen nghề xay xát lúa gạo, tôi không ngờ đầu tư sang lĩnh vực chăn nuôi ẩn họa bất chừng như vậy. Tôi mong ngân hàng xem xét tạo điều kiện cho tăng thêm vốn vay kinh doanh 200-300 tấn lúa chế biến gạo sạch cho thị trường nội địa để trả nợ gốc và đóng lãi giảm bớt nợ ngân hàng”.

Tương tự ông Hưng, nhận thấy thị trường cá tra, basa phất lên, chọn đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản về vùng nông thôn có vùng nuôi cá là hợp thời, ông Tống Minh Chánh, Giám đốc Cty Minh Chánh, ở xã Long Sơn, huyện Phú Tân – An Giang, buồn bã nói: Đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản công suất 200 tấn/ngày, đưa vào hoạt chưa bao lâu phải tạm dừng. Lý do các nguồn nguyên liệu đầu vào tăng giá cao và phải phụ thuộc nhập khẩu. Trong khi bán ra cạnh tranh với các DN khác không có lãi.

Do đó, hiện nay nhà máy chỉ SX cầm chừng 50 tấn/ngày. Trong hoạt động đầu tư nuôi cá tra và basa, sau nhiều năm thua lỗ, đến năm 2008 công ty đầu tư hơn 20 tỷ đồng đóng 9 lồng bè chuyển sang nuôi cá basa nhằm mong gỡ gạc. Nào ngờ 5 năm qua nuôi cá chỉ hòa vốn.

Ông Chánh dự tính chuyển sang nuôi ép cá giống và nuôi cá chạch bùn và chờ đợi cơ hội thị trường cá tra phục hồi.

Trong giai đoạn SX và tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn như hiện nay, nhiều DN cho rằng: Nếu đầu tư SX nông nghiệp ở vùng nông thôn khó khăn sẽ nhân lên gấp bội, vì bên cạnh nhiều khó khăn khác, rủi ro lớn nhất là thiên tai, dịch bệnh khó lường.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.