| Hotline: 0983.970.780

Dâu xen bắp, hiệu quả kép

Thứ Tư 11/02/2015 , 06:13 (GMT+7)

Nghề trồng dâu nuôi tằm đang hồi sinh mạnh mẽ tại huyện Hoài Ân (Bình Định) đã dần khôi phục lại nghề truyền thống, tạo thu nhập cao cho nông dân. 

Để tăng cao thu nhập trên cùng diện tích, bà con còn trồng xen dâu với bắp cho hiệu quả kép.

Sau một thời gian dài “thất sủng” trên đồng đất Hoài Ân, gần đây cây dâu đã hồi sinh mạnh mẽ trên vùng đất vốn có truyền thống lâu đời làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Người ta ví Hoài Ân là “thủ phủ” của nghề trồng dâu nuôi tằm của tỉnh Bình Định cũng không ngoa, bỡi lẽ vùng đất này có 2 con sông lớn đi qua, đó là sông Kim Sơn và sông An Lão với hàng ngàn ha đất bãi bồi màu mỡ.

Theo nhiều lão nông ở đây, xưa kia nghề trồng dâu nuôi tằm của người dân Hoài Ân rất thịnh vượng, SX khép kín cả 4 công đoạn: Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Sau ngày giải phóng, nghề này trở thành nghề mũi nhọn của người dân ở đây. Tuy nhiên, sau đó nghề trồng dâu nuôi tằm trở nên “thất bát” nên nông dân đốn bỏ cây dâu, chuyển cây trồng khác. Thế nhưng nhiều năm gần đây, nhờ giá kén luôn ổn định ở mức cao, từ 120.000 - 140.000 đ/kg, nên phong trào trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân phát triển trở lại.

Nông dân Bùi Long Qũy ở thôn Hội Trung, xã Ân Hảo Đông cho biết: “Thông thường mọi năm, đến giữa tháng Giêng âm lịch mới bắt đầu vụ nuôi tằm mới. Tuy nhiên, do năm nay không có lũ muộn nên bà con trồng dâu đã đốn choái sớm. Gặp thời tiết thuận lợi, ít bị bọ cánh cứng gây hại nên cây dâu phát triển tốt, dự kiến giữa tháng Chạp năm nay sẽ bắt đầu nuôi lứa tằm đầu tiên”.

“Toàn huyện đang có gần 300 ha dâu, tập trung ở các xã ven sông An Lão như Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Tín và Ân Mỹ. Bây giờ, nông dân trồng dâu thưa để trồng xen cây bắp nếp nên hiệu quả kinh tế tăng đáng kể”, ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân.

Theo các hộ nuôi tằm ở Hoài Ân, nếu vào vụ sớm, thu hoạch kén sớm, giá kén có thể lên tới 160.000 đ/kg. Đặc điểm trong canh tác cây dâu là vào cuối tháng 11 âm lịch nông dân bắt đầu đốn choái để cây dâu nảy lộc mới, và bắt đầu bước vào vụ nuôi tằm mới. Khoảng cách giữa 2 hàng dâu khá rộng, bình quân từ 1,2 - 1,5 m, nên khi đốn choái để lộ ra khoảng trống lớn, sau đó 2 tháng dâu mới bắt đầu khép tán.

Ban đầu, tận dụng khoảng trống giữa 2 hàng dâu, nông dân trồng xen vào giữa những hàng dâu các loại cây đậu đen, đậu xanh, mè, bắp lai… để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, đây là những loại cây trồng dài ngày nên có thể làm rập bóng cây dâu. Thêm nữa, một số loại cây họ đậu có thể xuất hiện sâu bệnh làm ảnh hưởng đến cây dâu. Họ lại mày mò tìm loại cây khác “điền vào chỗ trống”.

Qua nhiều năm làm thử nghiệm, đến bây giờ, người trồng dâu ở Hoài Ân đã khẳng định loại cây có thể trồng xen vào với dâu mà không gây ảnh hưởng cho cây dâu là cây bắp nếp. Sau nhiều năm canh tác theo phương thức trên, trồng dâu xen bắp nếp đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Nguyên nhân, vì bắp nếp được thu hoạch sớm để nấu hoặc nướng nên thời gian từ khi trồng đến thu hoạch chưa đầy 2 tháng, kịp thời gian cây dâu khép tán.

Ông Trần Tú ở thôn Hội Trung, xã Ân Hảo Đông cho biết: “Gia đình tui có 1,2 ha dâu, mấy năm nay thường xuyên trồng xen bắp nếp. Ngoài tiền bán lá dâu và trực tiếp nuôi tằm thu nhập gần 100 triệu đ/năm, tiền bán bắp còn kiếm thêm trên 20 triệu đ nữa. Bắp nếp bán non rất chạy; đồng thời nhờ thu hoạch trái còn non nên thân cây bắp dùng làm thức ăn cho trâu, bò rất tốt. Hiện phần lớn các hộ trồng dâu ở đây đã đưa cây bắp nếp vào trồng xen”.

Nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân đang hồi sinh mạnh mẽ. Các xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây cũng đã triển khai dự án đầu tư cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả cây dâu tằm, như xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm theo hướng tập trung, đưa giống dâu F1 vào trồng thay thế giống dâu cũ. Riêng xã Ân Hảo Đông đã quy hoạch chuyển toàn bộ diện tích đất soi, bãi bồi ven sông sang trồng dâu nuôi tằm, phấn đấu đến năm 2020 đạt 200 ha, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất