| Hotline: 0983.970.780

Đau xót những ngôi làng 'chết không yên', phải cắt cử người canh huyệt mộ!

Thứ Sáu 15/07/2016 , 13:30 (GMT+7)

Chính quyền địa phương đã bán bãi tha ma của làng cho một doanh nghiệp lớn. Dân làng hoài nghi, cho rằng đó là tin thất thiệt. 

Bởi họ luôn nghĩ rằng, bao nhiêu dự án đã lấy hết đất sản xuất rồi thì chút đất ít ỏi còn lại làm chỗ chôn thân người ta cũng phải chừa ra cho làng chứ?

Không chỉ mất hết đất sản xuất nông nghiệp để phục vụ các dự án đô thị mọc lên như nấm, nhiều ngôi làng ven đô ở TP Hà Nội thậm chí còn bị “đẩy vào đường cùng” khi bị chiếm nốt các bãi tha ma. Hàng loạt bi kịch tưởng như chuyện bịa đang diễn ra ở phường Phúc Đồng (quận Long Biên, TP Hà Nội).

Những đám tang bị "thâu tóm"

Đám tang cụ Nguyễn Trọng Cán, một thi sĩ làng Sài Đồng vừa mất chứng kiến kỉ lục về số người đưa tiễn từ trước đến nay ở ngôi làng ven đô này. Người nghìn nghịt kéo dài từ cổng nhà ông cụ ra đến tận bãi tha ma của làng.

Mà chẳng riêng người Sài Đồng, dân làng trên Mai Phúc, làng dưới Tân Thụy cũng kéo về ngày ông cụ ra đồng. Họ đi đông như thế không chỉ vì lòng tiếc thương đối với người đã khuất mà còn có thêm nhiệm vụ bảo vệ việc chôn cất ông cụ được chu toàn.

Người nhà bảo, khi cụ Cán trút hơi thở cuối cùng, chính quyền, các đoàn thể địa phương đã đến nhà vận động gia đình đem cụ đi hỏa táng cho gọn nhẹ, đừng đưa cụ ra bãi tha ma của làng nữa, đất ấy đã bán cho dự án rồi, người ta không cho phép làng mình chôn cất nữa đâu.

Cán bộ địa phương chưa dứt lời, anh con trưởng tên Nguyễn Trọng Đại đã gào khóc thảm thiết. Di nguyện của bố anh lúc lâm chung là muốn được nằm xuống ở bãi tha ma của làng, nơi bao đời nay tổ tiên an nghỉ. Vậy mà bây giờ, ước vọng cuối cùng của ông cụ đang bị đe dọa thế này đây.

Thực tế thì không ai dọa suông. Buổi chiều, con cháu cụ Cán cùng với thanh niên làng ra bãi tha ma chọn chỗ đất lành đào huyệt mộ, đêm đến, không rõ đám người nào đã cho người vào lấp phẳng, hành động ngăn cản gia đình đưa ông cụ chôn cất nơi này. Tin báo về làng, người Sài Đồng phải gọi thêm người Mai Phúc, Tân Thụy hỗ trợ. Nửa đêm ùn ùn đèn đóm kéo nhau ra giành lại huyệt mộ.

Hai bên giáp là cà, tưởng như đánh nhau đến nơi. Sợ rằng khi rút người ta lại lấp mất nơi an nghỉ của cụ Cán, đào xong, dân làng phải cắt cử thanh niên trai tráng đứng canh. Trắng đêm như thế cho đến tận chiều hôm sau, khi những vạt cỏ cuối cùng được đắp lên ngôi mộ, đứng canh thêm một lúc nữa người làng mới yên tâm ra về. Bãi tha ma của làng hẳn hoi mà việc chôn cất chẳng khác gì chui trộm.

Những đám tang tương tự như đưa ma cụ Cán bây giờ là chuyện cơm bữa ở phường Phúc Đồng. Người dân ở những ngôi làng ven đô này cay đắng nói, chết đi rồi mà chẳng được yên thân. Mỗi bận có người nằm xuống, loa phóng thanh bị phong tỏa, người làng phải dùng xập xèng khua gõ khắp ngõ trên lối dưới kêu gọi già trẻ ra đồng mở lối để vào chôn.

Những bậc cao niên trong làng vô cùng lo lắng. Bãi tha ma Chum Chi là chốn chôn thân cuối cùng của làng Sài Đồng. Từ nhiều năm trước, ngôi làng ven đô đã bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp để phục vụ hàng loạt dự án xây dựng đô thị. Những dự án ấy lần lượt “đuổi” nơi an nghỉ của người đã khuất đi hết cánh đồng Quán Sinh sang cánh đồng Chum Chi. Để rồi, khi đồng bãi hết, những nét bút của các nhà qui hoạch khoanh nốt vào các bãi tha ma, nơi an nghỉ tự bao đời nay của tổ tiên, cha ông họ.

Thông tin ban đầu, chính quyền địa phương đã bán bãi tha ma của làng cho một doanh nghiệp lớn. Dân làng hoài nghi, cho rằng đó là tin thất thiệt. Bởi họ luôn nghĩ rằng, bao nhiêu dự án đã lấy hết đất sản xuất rồi thì chút đất ít ỏi còn lại làm chỗ chôn thân người ta cũng phải chừa ra cho làng chứ.

Ai dè cái tin thất thiệt đó hóa thật. Một ngày, từng tốp công nhân kéo tôn kéo thép về vây kín nghĩa trang, dân làng mon men ra xem bị đuổi như đuổi tà. Một vài người thử vào trong xem sao thì bảo vệ kéo nhau cấm cản. Chính quyền im thin thít. Chỉ lúc nào có người trong làm nằm xuống thì họ mới cử người đến vận động gia quyến mang đi hỏa táng.

15-20-42_long-bien3
Nghĩa trang làng Mai Phúc

 

Ông Nguyễn Đức Hùng, tổ trưởng tổ dân phố trong cụm dân cư Sài Đồng nói, dân làng giờ khổ lắm, nhất là những gia đình có cha héo mẹ già, chẳng may ngã xuống không biết chôn cất ở đâu. Cả cụm dân cứ có gần nghìn hộ dân, chính quyền bán nghĩa trang cho doanh nghiệp nhưng không cho người dân biết. Đất nghĩa trang là của nhân dân chúng tôi đấy chứ. Cũng không thấy họ quy hoạch nơi chôn cất mới. Họp hành dân hỏi quyết định của thành phố đâu cán bộ cứ loanh quanh. Dân biết làm sao?

“Chính quyền bán nghĩa trang đến tôi cũng không hề hay biết mô tê gì cả. Bây giờ không cho dân làng chôn cất ở Chum Chi nữa thì chúng tôi sẽ đi khiếu kiện, vì có chỗ nào cho các cụ yên nghỉ nữa đâu”, ông Hùng bức xúc.

Cuộc chiến khốc liệt

Bi kịch “chết không có chỗ chôn” thực tế đã lan rộng từ các ngôi làng khác như Mai Phúc, Tân Thụy từ nhiều năm nay. Hàng vạn người dân chơm chớm nỗi lo khi nghĩ đến cảnh có người thân không may nằm xuống.

Hai năm trước là đám tang của một thanh niên ở làng Mai Phúc. Gia đình chấp nhận đi hỏa táng, nhưng đến lúc về cũng không được mang ra bãi tha ma Mả Mồ vì nghĩa trang phải đóng cửa để làm dự án. Người nhà bức xúc mang hài cốt đi quanh, quốc lộ 5 tắc nghẽn mấy tiếng đồng hồ liền. Đến đám tang của một bà cụ khác trong làng thì xẩy ra xô xát. Không ít người phải nhập viện với nhiều vết đánh vì cố tình bảo vệ việc chôn cất người thân.

Để đáp ứng những bức xúc của người dân về việc các dự án thâu tóm nghĩa trang, quận Long Biên đã cho mở cửa nghĩa trang Phúc Đồng, tuy nhiên dân làng không dám đưa người thân đến đây chôn cất vì nghĩa trang này gần khu vực các hộ dân cư đang sinh sống, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước cũng đã có văn bản chuyển các ý kiến nhân dân đến UBND TP Hà Nội về quyết định của UBND quận Long Biên có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân.

Những chuyện tréo ngoe như thế khiến già trẻ Mai Phúc không ngồi yên được nữa. Đặc biệt là khi UBND quận Long Biên ra quyết định đóng cửa nghĩa trang tại xứ đồng Mả Mồ để phục vụ dự án thì nỗi bức xúc đẩy lên đỉnh điểm.

Đến độ chính quyền phải huy động cả lực lượng công an về can thiệp. Người ta cho rằng dân làng chống đối, nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Ông Hoàng Văn Nhạn, một lão thành cách mạng, người đứng ra tập hợp các bô lão đi đòi công lý cho dân làng cay đắng nói: Có lý nào cả đời chúng tôi cống hiến, bảo vệ mảnh đất này, để đến khi gần đất xa trời rồi muốn có một nơi yên nghỉ cũng không xong.

Chúng tôi sẵn sàng nhường đất, kể cả đất nghĩa trang, miễn là dự án đúng và chính quyền có chỗ hợp lý cho nhân dân chôn cất. Đằng này họ có nhiều hành động rất vô lý nên chúng tôi phải đấu tranh.

Sau nhiều cuộc họp của các bậc cao niên, các ông Hoàng Văn Nhạn, Ngô Văn Củ, bà Ngô Thị Thành, Hoàng Thị Đính được cử lên tận Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đưa đơn.

Qua những cuộc tiếp xúc và xem xét các hồ sơ những bậc cao niên này cung cấp, Thường trực tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ có văn bản chuyển tải ý kiến người dân đến các cấp chính quyền TP Hà Nội, cho rằng, việc đóng cửa nghĩa trang Mả Mồ là bất hợp lý và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm linh, sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Và, nghĩa trang Mai Phúc có từ hàng trăm năm nay, nếu di chuyển có thể dẫn đến tình trạng thất lạc số lượng lớn mồ mả cha ông của các hộ dân, ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh…

Nhưng có vẻ như các dự án vẫn quyết tâm lấy bằng được đất nghĩa trang. Thành thử, việc giữ bãi tha ma ở các ngôi làng vẫn rất căng thẳng. Một số dòng họ lớn trong làng còn ban hẳn các qui ước, nếu trường hợp nào không có ý thức gìn giữ nơi an nghỉ ông bà tổ tiên sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật nặng nề. Như dòng họ Hoàng Lưu chẳng hạn. Quy ước dòng họ này ban hành rất rõ: Nếu gia đình nào trong họ vi phạm sẽ bị tất cả các thành viên trong họ trục xuất. Quy ước có hiệu lực từ ngày 10/10/2013.

15-20-42_long-bien2
Ông Hoàng Văn Nhạn

 

Trong lúc “chiến sự” còn căng, nhân dân chưa thể đòi quyền lợi chính đáng, họ đã có những cách phản ứng riêng của mình. Ông Chủ tịch phường cũ về làng không ai chào hỏi. Mua mớ rau người bán cũng vất đi. Tham gia tý thể thao với dân làng không bên nào nhận. Họ mạc, kẻ trên người dưới đều quay mặt không thèm bắt chuyện. Áp lực vô hình khiến một cán bộ phụ trách xây dựng ở phường phải xin nghỉ việc vì không muốn đối đầu với nguyện vọng chính đáng của người dân trong làng...

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất