| Hotline: 0983.970.780

Dấu xưa xe ngựa

Thứ Năm 09/01/2014 , 09:56 (GMT+7)

Lộc cộc. Lộc cộc… Thảng hoặc, tiếng vó của những chú ngựa kéo xe thồ gõ vang trên những con đường quê khiến người ta nhớ đến cái thời “Ngựa xe như nước…” trên đất kinh xưa...

Lộc cộc. Lộc cộc… Thảng hoặc, tiếng vó của những chú ngựa kéo xe thồ gõ vang trên những con đường quê khiến người ta nhớ đến cái thời “Ngựa xe như nước…” trên đất kinh xưa...

1. Miền đất mà tôi đang nói đến là TX An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định, nơi từng là quốc đô của vương quốc Chămpa cổ đại, từng là Trung ương Hoàng đế của nhà Tây Sơn, và sau cùng là thành Bình Định của Nguyễn Ánh. Nơi đây đã từng in vết chân rong ruổi của không biết bao nhiêu con chiến mã. Rồi khi chiến chinh đi qua, chốn đế đô hoa lệ này lại rộn vang tiếng vó ngựa của dập dìu tài tử, giai nhân.

Chả thế mà hiện nay, tại phường Nhơn Thành, vùng ven của Thành Hoàng Đế xưa còn tồn tại phiên chợ nón Gò Găng thường họp vào quãng thời gian quá nửa đêm trở về sáng. Ở phiên chợ đêm này có mặt hàng nổi tiếng là “nón ngựa Phú Gia”.


Du khách thuê xe ngựa đi tham quan Thành Hoàng Đế

Kinh thành ở đâu cuộc sống sôi động, xa hoa liền kề ở đó. Do vậy, kinh thành Hoàng Đế gắn liền với nhiều làng nghề như làng rèn, làng đúc, làng tiện, làng gốm, làng dệt… và đặc biệt là làng rượu Bàu Đá. Những làng nghề nói trên hiện vẫn đang được người dân ở đây gìn giữ làm nghề truyền thống.

Có làng nghề là có thương nhân tụ tập. Có làng rượu là có nhộn nhịp tài tử giai nhân, văn nhân thi sĩ, thực khách tửu đồ. Từ những hoạt động trên, đất kinh xưa một thời ngựa xe tấp nập, hình ảnh con ngựa trở nên thân thiết, gần gũi với mảnh đất này.

Có thể nói không ngoa rằng, hầu như chưa có nhà văn, nhà thơ, nhà sử học danh tiếng nào là dân bản địa không nhắc tới ít nhất một lần, hình ảnh con ngựa trong tác phẩm của mình. Đọc lại những tác phẩm của các văn nhân người bản xứ như Đào Duy Từ, Đào Tấn, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, Phạm Hổ, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì thì quả là vậy.

Con ngựa góp công sức không ít cho cuộc định danh đất võ, con ngựa cũng xuất hiện không ít trong những áng văn chương, và nó trở thành hình ảnh không thể thiếu ở vùng đất kinh xưa như một nhân chứng về quá khứ đầy hào hùng.

2. Con ngựa còn gắn bó mật thiết với người dân An Nhơn mãi đến những năm đầu giải phóng. Nói về ngựa, vùng Cây Bông thuộc xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) được mệnh danh là cái nôi về nghề nuôi ngựa và chạy xe ngựa.

Ở Cây Bông có nhiều nhân vật từng nức tiếng về chuyện thuần hóa ngựa, sau đó cung cấp cho những người mua ngựa trong và ngoài tỉnh. Về Cây Bông hỏi chuyện ngựa, người dân bản địa đều hướng về  địa chỉ: Lão nài Nguyễn Văn Cảnh, thường được gọi là cụ Ba Cảnh (86 tuổi), người được mệnh danh là “thầy ngựa” ở đất này.

Năm lên mười, cụ Ba Cảnh đã được cha  truyền cho nghề nài ngựa. Cụ Ba có dáng người chẳng to khỏe gì cho cam, nhưng nhờ gan lì, thích cảm giác mạnh nên dù mỗi lần “thăng yên” còn phải nhờ người ẵm lên nhưng khi đã ngồi lên lưng ngựa là cụ Ba Cảnh phi vun vút. Năm 1940, mới chỉ 13 tuổi nhưng cụ Ba Cảnh đã qua mặt các tay đua trứ danh trong vùng để đoạt cúp trong 1 cuộc đua cấp tỉnh.

Cụ Ba Cảnh cho biết: “Gia đình tui hồi đó nuôi ngựa rất nhiều, được lên yên ngựa mỗi ngày nên tui thành thục trên lưng ngựa rất sớm. Vào thời Bảo Đại, ngựa là phương tiện đi lại của quan viên, cũng là phương tiện thồ hàng chủ yếu. Lúc ấy trong nhà tui có đến 6, 7 con ngựa để chạy xe. Vì thích mạo hiểm, năm 13 tuổi tui đã tham gia đua ngựa. Máu mê là vậy chứ không dám nghĩ mình giựt giải, vậy mà giựt thật. Thời Pháp thuộc, những cuộc đua ngựa được tổ chức ở tòa khâm sứ Quy Nhơn, tui đều về nhất”.


Cụ Ba Cảnh (ngoài cùng bên phải) và cụ Sáu Nhơn (ngoài cùng bên trái) nhớ lại thời vàng son của nghề nài ngựa

Không chỉ giỏi đua ngựa, nói về thuần ngựa thì cũng không ai qua lão nài Ba Cảnh. Cụ Ba Cảnh mê ngựa, yêu ngựa, gắn bó với ngựa nên khi ông Ba nói là lũ ngựa biết nghe. “Lúc đó, người dân khắp vùng thuê tui thuần những con ngựa hoang được mua trên các vùng cao. Tiền công thuần một con ngựa tui có thể mua được 4, 5 con ngựa khác”.

Ở Cây Bông còn có cụ Sáu Nhơn (87 tuổi), người có thâm niên hơn 50 năm gắn bó với nghề chạy xe ngựa. Nói đến ngựa, cụ Sáu Nhơn còn giữ nhiều ký ức về nghề xưa. Theo kinh nghiệm của cụ Sáu, chọn ngựa tốt phải dựa vào xoáy lưng, xoáy chân… Con ngựa tốt phải có xoáy đẹp, chuẩn, chân sau thẳng, mắt to, lông mượt. “Muốn thuần được một con ngựa phải mất cả tháng trời. Lúc đầu, phải cho ngựa lội qua lội lại nhiều lần trên sông Kôn, đến khi nó mỏi nhừ mình mới dạy chúng được. Khi thuần, phải cần đến 5, 6 người cùng ghìm cương ngựa, tròng nó vào xe, tập đi tập lại cả tháng nó mới chịu kéo xe”, cụ Sáu Nhơn nói.

3. Bây giờ, khi ô tô, xe máy, xe buýt… ngập tràn thì cái thời xe ngựa đã không còn. Cái bến xe ngựa nức tiếng một thời đặt tại ngã ba Đập Đá - Nhơn Hạnh cũng mất theo. Cả TX An Nhơn hiện chỉ còn vỏn vẹn 3 con ngựa gõ vó mỗi ngày kéo những chiếc xe thồ hàng. Chuyện thồ hàng bằng xe ngựa giữa thời dập dìu xe tải lớn xe tải nhỏ này xem ra chẳng khấm khá gì, nhưng muốn níu giữ chút gì của đất kinh xưa nên hiện ở An Nhơn còn có 3 ông nài vẫn đang giữ lấy nghề chạy xe ngựa. Một trong 3 người đó là ông "Miền xe ngựa”, cái tên mà người dân bản xứ đặt cho ông Lê Văn Miền (48 tuổi) ở thôn Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng.


Ông Miền chuẩn bị xe ngựa đi chở khách

“Tui chạy xe ngựa đã được 20 năm. Vào thời Pháp thuộc, ba tui cũng làm nghề này. Ba tui kể, xe ngựa thời bấy giờ chủ yếu thồ hàng hóa và chở khách đi chợ phiên. Khi đó là thời chiến, kẻng báo nấp máy bay giặc vang liên tục. Những lúc đang chở khách, nghe tiếng kẻng vang, cả người cả ngựa tìm những chiếc hầm ven đường chui cả vào đó. Cơ cực trăm bề nhưng mê nghề thì cứ làm”, ông Miền kể.

Qua ký ức của ông Miền, vào đầu thập niên 80 (TK 20), TX An Nhơn lúc bấy giờ thành lập cả công đoàn mã xa. Thời điểm đó, riêng phường Đập Đá và phường Bình Định có đến 90 chiếc xe ngựa, huyện láng giềng Phù Cát cũng có gần 30 chiếc nữa. Công đoàn mã xa An Nhơn lúc đó đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển vật liệu để xây dựng các HTXNN và các cơ quan hành chính trong địa phương; vận chuyển nông sản đi khắp các phiên chợ.


Xe ngựa thồ giỏ tre đi chợ phiên

Đó là thời ăn nên làm ra của những chiếc xe ngựa. Công đoàn mã xa An Nhơn phải cử người đi về các vùng có nhiều ngựa như Tuy Hòa (Phú Yên), An Khê (Gia Lai), Cao Bằng, Hà Nội… mua ngựa về bổ sung vào lực lượng mã xa.

“Giữ nghề xe ngựa là vì tui còn yêu ngựa, chứ sống bằng nghề xe ngựa bây giờ khó lắm. Gần đây thường có khách du lịch từ xa đến, thuê xe ngựa đi tham quan các làng nghề, di tích nên sắp tới tui sẽ làm một chiếc xe ngựa đặc chủng, giữ nguyên vẻ đẹp của những chiếc xe ngựa cổ chuyên phục vụ du lịch”, ông Lê Văn Miền tâm sự.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bị đá đè tử vong khi đào dúi rừng

Ông Tẩn Phù Dìn ở xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã bị đá đè tử vong trong khi đào bới đất để bắt dúi rừng tại khu vực rừng vầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm