| Hotline: 0983.970.780

Đầu xuân… bói một quẻ Kiều

Thứ Hai 30/01/2012 , 09:43 (GMT+7)

Tôi chẳng bao giờ bói Kiều, cũng không tin bói toán. Nhưng đầu xuân, thấy nhiều người bói, thì cũng nhân dịp góp một vài “lời quê”...

Bói Kiều
Một tác phẩm văn học, một tiểu thuyết bằng thơ mà tác giả tự nhận là “lời quê góp nhặt dông dài”, chỉ để mua vui cho người đời chốc lát (mua vui cũng được một vài trống canh). Thế mà qua thời gian, đã trở thành “linh vật”, thành sách bói. Đây là hiện tượng có một không hai trên văn đàn. Vì sao như vậy?

1. Phải chăng trong mỗi câu Kiều đều có sức chứa vô cùng lớn lao về thế thái nhân tình, khiến gặp bất cứ cảnh ngộ nào trong đời, người ta cũng tìm thấy một câu Kiều tương ứng, như là một định mệnh, một sự an bài cho mình của đấng linh thiêng đang ngự trên cõi cao xanh huyền bí? Và điều đó đã tạo nên sức cuốn hút đầy ma lực, đầy kỳ bí của thiên truyện, khiến nó được “thiêng hóa”? Anh học trò giỏi hỏng thi thấy mình ở trong Kiều “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Một gia đình gặp cơn gia biến, cốt nhục tan tác, rồi sau được đoàn tụ, bình yên, thấy mình ở trong Kiều “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời”.

Cất chén tiễn nhau, người ta thấy trong Kiều có sẵn lời hò hẹn “Chén vui nhớ bữa hôm nay/Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau”. Một vị bộ trưởng của ta nhân một lần sang nước ngoài, có buổi gặp gỡ với bà con Việt kiều, khi chia tay, đã được tiễn biệt bằng một câu Kiều: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”. Thật không có lời nào sâu sắc hơn, tha thiết hơn…vận Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, hoạ Kiều, đố Kiều…và đầu xuân, người ta… bói Kiều.

2. Trước lúc bói Kiều, người bói phải ăn chay ở sạch, tắm gội xông hương rồi bày bàn thờ ra: lò hương, trầu cau, hoa, rượu…và tất nhiên không thể thiếu “linh vật” là cuốn truyện Kiều. Người bói muốn “linh nghiệm” thì lòng phải tĩnh, gạt bỏ mọi tạp niệm ra khỏi đầu óc, tâm phải thành. Thắp hương, rót rượu, đặt quyển Kiều quay về phía trái tim rồi chắp tay trước quyển Kiều, hướng mặt vào sách nhưng mắt thì hướng vào cõi linh thiêng, khấn rằng:

- Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thuý Kiều…

Rồi tiếp theo, người bói khấn rõ tên tuổi, quê quán và những điều mình muốn xin Vua, Vãi và Tiên “hé lộ” từ “thiên cơ”: tài lộc, đường làm ăn, thi cử, nhân duyện, vận hạn…

Giác Duyên là bà vãi, Thuý Kiều đẹp như… tiên thì đúng rồi. Nhưng việc Từ Hải, một “tướng giặc” dưới con mắt của các triều đại phong kiến, mà lại được dân gian tôn lên thành “vua” thì mới thật là hay, là lạ, là chuyện đáng phải bàn.

Cứ theo như sử sách, thì Từ vốn là một nhà sư hổ mang. Loại sư “Thịt chó sư đánh tì tì/ Bao nhiêu chỗ lội sư thì cắm chông/ Nam mô xứ Bắc xứ Đông/ Con gái chưa chồng lấy ráo sư tôi”. Không chỉ thịt chó, rượu chè, trai gái, Từ còn cờ bạc… nghĩa là nhà Phật có 5 giới cấm thì hòa thượng họ Từ vi phạm cả 5. Nhiều lần đánh bạc cháy túi hóa nợ nần, bị truy đòi ráo riết, Từ phải trốn trong lầu xanh do Vương Thuý Kiều làm chủ (sự thực thì Thúy Kiều là một mụ trùm lầu xanh đích thực, chẳng khác gì Tú Bà, chứ chẳng phải là một tiểu thư khuê các con của “viên ngoại họ Vương”, gặp cơn gia biến phải bán mình chuộc cha rồi sa chân vào lầu xanh như trong truyện. Cứ như ngày nay mà bị công an tóm được, thì chắc chắn mụ sẽ bị xử năm bẩy năm tù vì tội chứa mại dâm).

Thế rồi Từ trở thành tướng cướp, tập hợp cả ngàn lâu la dưới tay, đánh chiếm được năm huyện ven biển tỉnh Chiết Giang bên Tàu, cưới Vương Thuý Kiều làm vợ. Trở thành vợ của Từ rồi, chính Kiều đã khuyên Từ đến dinh quan tổng đốc Chiết Giang là Hồ Tôn Hiến quy hàng để được triều đình xá tội, và Từ đã nghe theo. Đến nơi, họ Hồ tiếp Từ rất thân tình, hứa sẽ trọng dụng. Nhưng Từ vừa ra khỏi dinh thì bị quân lính của Hồ phục sẵn giết chết. Được tin chồng lâm nạn, Vương Thuý Kiều tự tử theo. Cảm cái nghĩa ấy của nàng, một nhà văn cùng thời là Dư Hoài đã viết cuộc đời nàng thành một truyện ngắn, đặt tên là “Vương Thuý Kiều truyện”.

 Sau mấy trăm năm, nhân đọc truyện ngắn trên, Thanh Tâm Tài Nhân đã nổi hứng, sáng tác lại, biến nó thành tiểu thuyết chương hồi “Kim Vân Kiều” dài tới hơn hai mươi hồi. Trong tiểu thuyết này, nhiều chi tiết xấu xa về Từ được lược bỏ. Từ trở thành một hảo hán giỏi võ nghệ, dấy quân xưng hùng xưng bá một phương… Nghĩa là nhà tài tử Thanh Tâm đã biến Từ thành một con người “sạch sẽ”.

Tuy vậy, với Kim Vân Kiều, Từ cũng chỉ là một “Đại Vương” như hàng trăm “Đại Vương” khác vẫn nhan nhản trên đất Tàu những thời tao loạn, kiểu Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ hay Chu Thông, Lý Trung, Chu Vũ, Dương Xuân, Trần Đạt, Sử Tiến… đời Tống: Muốn làm dân lương thiện nhưng không được, bị quan tham, bị cường hào ác bá đẩy đến tuyệt lộ, đành tụ tập dăm bẩy trăm cùng dân đói rách, chiếm một vùng núi non hiểm trở, lúc yếu cướp bóc thương khách kiếm ăn, mạnh hơn chút nữa thì kéo đến các phủ huyện quanh đó “vay lương”, những toán giặc cỏ không hơn không kém.

Chỉ đến khi "Truyện Kiều" của thi hào Nguyễn Du, lấy cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ra đời, thì Từ mới thực sự được “thay bì hoán cốt”. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, Từ trở thành một người đủ tài cả văn lẫn võ (Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài). Nguyễn Du đã tái tạo lại, đã biến Từ thành một con người phi thường, con người của trời đất (Đội trời đạp đất ở đời). Chí của Từ là chí ở bốn phương, và cuộc ra đi lập nghiệp của Từ mới hào hùng, mới đẹp, mới lãng mạn làm sao (Trông vời trời bể mênh mông/ Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong).

Dưới mắt Thuý Kiều (tất nhiên là Kiều của Nguyễn Du), con người đó quả có khí lượng của bậc đế vương, có sức thay cũ lập mới, nên vừa gặp nhau, nàng đã tiên đoán “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”. Còn dưới mắt người dân thường, thì Từ là bậc “…Hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh”. Câu “Từ Hải chiếm được năm huyện phía nam Chiết Giang” của Thanh Tâm Tài nhân nghe rất đơn giản, rất tầm thường, nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Du, chiến tích ấy trở nên kỳ vỹ, hoành tráng gấp trăm lần: “Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi Nam”. Cũng như vậy, cái sự nghiệp giặc cỏ của Từ đã được thi hào nâng tầm lên thành sự nghiệp của một bậc đế vương “Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà”. Khát vọng của Từ là khát vọng “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”…

Một người thông kim bác cổ như thi hào Nguyễn Du, khi biến Từ Hải từ một “đại vương - giặc cỏ” của Thanh Tâm Tài Nhân thành một Từ Hải anh hùng cái thế “của mình”, rõ ràng là có mục đích. Và cụ đã đạt được mục đích ấy: Từ Truyện Kiều, Từ bước thẳng vào lòng nhân dân, được nhân dân đón nhận, trở thành con người mà nhân dân mong mỏi mỗi khi một triều đại trở nên suy tàn, hủ bại, không gánh vác nổi sứ mệnh lịch sử nữa, cần phải thay thế nó. Trong mắt nhân dân, họ chính là những người dựng cờ cho “dân nổi can qua”, quẳng những vua chúa hủ bại ra khỏi con tàu lịch sử, nói như dân gian Việt Nam là “con vua thất thế lại ra quét chùa”, hay nói như dân gian Trung Quốc thì “làm vua phải thay đổi, sang năm đến lượt ta”.

Từ trở thành vua trong lòng dân là thế… Không chỉ Từ Hải, mà bất cứ một ai, khi đại diện cho khát vọng của nhân dân, đều được dân tôn làm “vua”, bất kể sự nghiệp của họ kết thúc như thế nào, bất kể giai cấp thống trị kết tội họ như thế nào, như Ba Vành, một cùng dân ở làng Minh Giám huyện Vũ Thư (Thái Bình), đã dám đứng lên dựng cờ khởi nghĩa đời Minh Mạng triều Nguyễn, chẳng hạn (Trên trời có ông sao rua/ Ở làng Minh Giám có vua Ba Vành - ca dao).

3. “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thuý Kiều…” xong, lạy mấy lạy trước Truyện Kiều rồi mở ngẫu nhiên một trang. Mở xong, một tay đặt vào đầu trang Kiều vừa mở, tay kia đặt vào cuối trang, và dùng ngón tay trỏ của mỗi tay “lần giở trước đèn” vào trang “cảo thơm” theo hướng từ dưới lên, từ trên xuống, cho đến khi hai ngón của hai bàn tay chạm nhau, mỗi ngón ứng với một câu Kiều, thì đó chính là nội dung quẻ bói mà Vua, Vãi và Tiên đã cho. Được quẻ rồi, lại phải lễ tạ.

Từ nội dung quẻ bói đó, người ta mới luận bàn, và cố tìm ý nghĩa của nó để “mỗi lời là một vận vào” cuộc sống của mình. Luận Kiều cũng là chuyện rất lý thú, vì nhiều người ít học tuy “bói” được một quẻ Kiều rồi nhưng rất lơ mơ, lại phải tìm đến nhờ người thông hiểu “tán” giúp. Người càng uyên bác, càng lịch duyệt nhân tình thế thái thì “tán” quẻ bói Kiều càng hay…

Tôi chẳng bao giờ bói Kiều, cũng không tin bói toán. Nhưng đầu xuân, thấy nhiều người bói, thì cũng nhân dịp góp một vài “lời quê”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất