| Hotline: 0983.970.780

Đầu xuân - nói chuyện lúa gạo

Thứ Sáu 11/02/2011 , 10:19 (GMT+7)

TÂN MÃO – TẾT CỦA “ĐƯỢC MÙA TRÚNG GIÁ”

Chưa năm nào người trồng lúa ĐBSCL ăn Tết sung túc như Tết Tân Mão này. Trước Tết trời nhiều mây, âm u, se lạnh, phần lớn diện tích lúa ĐX lại trong giai đoạn làm đòng khiến nhiều nông dân và cán bộ thấp thỏm về nguy cơ bộc phát của dịch hại. Trước đó nữa, mưa cuối vụ lớn và kéo dài khiến cho 23.000 ha của các tỉnh ĐBSCL phải sạ lại. Thế nhưng, như có phép màu, trời trong xanh bừng nắng vào dịp Tết đã rước cây lúa lên bời bời. Ông Nguyễn Sỹ Hiền, một nông dân làm lúa lâu năm ở Cờ Đỏ, Cần Thơ hể hả - Vậy là chắc trúng đến 90% rồi, mã lúa vầy thì cầm chắc 6 T/ha. Năm ngoái đã trúng, năm nay sẽ trúng hơn.

Không những vui về năng suất “trúng múa” mà còn vui hơn vì “được giá”. Một số diện tích ĐX xuống giống trước đã cho thu hoạch vào dịp cận Tết và người dân bán lúa tại ruộng với giá 6.200 đ/kg. Những năm trước giá thường tụt khi Tết đến nhưng năm nay giá vẫn vững, có phần còn cao hơn trước đó. Năm ngoái, cả nước xuất khẩu được 6,8 triệu T với giá trị 3,2 tỷ USD, năm cao nhất trong lịch sử 21 năm xuất khẩu gạo liên tục. Mục tiêu của năm nay chỉ xuất khẩu 6 triệu T và người ta hy vọng rằng giá trị mang lại cũng sẽ ngang ngửa.

Thị trường gạo thế giới vẫn bất ổn. PGS. TS Phạm Văn Dư, PCT Cục Trồng trọt dẫn số liệu của FAO cho biết, sản lượng gạo thương mại toàn cầu năm 2011 này vẫn cao, vào khoảng 30,3 triệu T, thấp hơn 500.000 T so với 2010. Tuy nhiên nguồn cung lại có nhiều bất ổn, các nước có sản lượng lúa gạo lớn như Ấn Độ, Pakistan vẫn chưa có hy vọng về khấm khá của mùa màng, các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa mì của Trung Quốc đang trải qua cơn hạn hán kỷ lục của thế kỷ và người ta lo lắng sự thiếu hụt lúa mì sẽ đẩy giá gạo lên cao.

Niềm vui của ông Hiền cũng là niềm vui chung của những người trồng lúa vùng châu thổ này. Đã 3 năm liền, người dân ĐBSCL “trúng mùa được giá”. Bia, nước giải khát đóng hộp đã thay thế cho nhiều hũ, nhiều can rượu đế.

THU HOẠCH, SAU THU HOẠCH VẪN LÀ ĐIỂM NGHẼN

Người trồng lúa ĐBSCL có thể tự hào vì được các nước nhìn nhận là số 1 trong Asean về hiệu quả của việc thâm canh lúa. Tuy mức chênh lệch năng suất giữa các hộ đang còn cao nhưng nhìn chung người trồng lúa đã nắm bắt được các kỹ thuật thâm canh cơ bản, duy việc tổn thất thu hoạch và sau thu hoạch vẫn còn lớn cần phải khắc phục càng nhanh càng tốt. Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, tỷ lệ thất thoát hiện đang ở mức 15%, thuộc diện cao trong khu vực và thế giới, thu hoạch và sau thu hoạch vẫn là điểm nghẽn cần được khai thông.

Điều đáng chú ý là lao động trẻ ở nông thôn ngày một ít đi do tiến trình công nghiệp và đô thị hóa, trong lúc do rầy nâu và các bệnh virus nên toàn vùng ĐBSCL phải gieo sạ đồng loạt né rầy khiến cho lao động lúc vào vụ thu hoạch thiếu hụt trầm trọng nên việc thu hoạch không đúng độ chín, thu hoạch xong phải phơi mớ ngoài đồng chờ máy tuốt xảy ra phổ biến mà việc thất thoát do giảm sút chất lượng lại khó thấy.

Toàn ĐBSCL hiện có 5.000 máy GĐLH và 3.400 máy gặt xếp dãy giải quyết được khoảng 40% diện tích (khoảng 600.000 ha), 60% diện tích còn lại vẫn phải gặt thủ công. Năm 2011, Trung tâm KN- KN quốc gia đang xây dựng mô hình cánh đồng cơ giới hóa đồng bộ và Cty CP Bảo vệ Thực vật An Giang đang xây dựng hạ tầng sân phơi và kho để thí điểm việc cho người trồng lúa gửi tạm vào kho chờ giá. Nếu 2 mô hình này thành công sẽ mở ra triển vọng khai thông điểm nghẽn này.

NỖI LO HẠN, MẶN CUỐI VỤ ĐX VÀ VỤ HT

Theo Đài KTTV Nam Bộ, mức nước trên sông Mekong hiện nay thấp hơn trung bình các năm từ 25-35 cm khiến nước biển càng xâm nhập sâu vào đất liền làm cho khoảng 600.000 ha sẽ bị nhiễm mặn, trong đó có 120.000 ha từ Bến Tre đến Kiên Giang bị nhiễm mặn nặng. Để hạn chế tác hại, nhất là với vụ HT thì ngay từ bây giờ các địa phương phải tích cực trữ ngọt và sử dụng tiết kiệm nước theo kỹ thuật khô ướt xen kẽ.

Ngoài việc phải chuẩn bị các giống có tính chống chịu hạn mặn, cứng cây chống đổ ngã tốt theo khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước, còn phải có phương án canh tác mà khả thi nhất là rút ngắn thời gian cây lúa trên đồng xuống 15-20 ngày bằng việc gieo mạ và cấy.

ĐẦU TRÂU KIÊN TRÌ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH XÃ HỘI

Thị trường phân bón vụ ĐX 2010 – 2011 ở ĐBSCL năm nay có điều khác biệt là đã không xảy ra hiện tượng sốt giá như dự báo và bình thường nhiều năm trước, thậm chí khi vào vụ giá phân bón còn hạ nên chi phí đầu vào không bị đội lên. Có được như vậy nhờ người nông dân đã chuẩn bị đầy đủ phân bón trước đó. Sang năm 2011, giá phân bón vẫn chưa có biểu hiện tăng giá nhưng cần theo dõi sát vì Trung Quốc đã nâng thuế xuất khẩu DAP lên 110%.

KS Lê Quốc Phong, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền cho biết mặc dù đã cổ phần hóa và thị trường biến động khôn lường nhưng công ty vẫn cam kết phối hợp với các nhà khoa học trong hội đồng cố vấn và các viện nghiên cứu khác để nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm như giảm thất thoát đạm, giảm lượng phân lân, thực hiện các chương trình khuyến nông và xã hội từ thiện như trước đây; cùng Cục Trồng trọt xây dựng các mô hình GAP, VietGAP trên lúa; đưa nông dân sản xuất giỏi đi tham quan học tập kiểu sản xuất tiến bộ của nước ngoài; tặng học bổng cho học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên ngành nông nghiệp.

Đón Tết Tân Mão, CBCNV Bình Điền đã đóng góp lương và thưởng xây tặng 3 căn nhà “Mái ấm Bình Điền” trị giá mỗi căn 45 triệu đồng cho 3 hộ gia đình nông dân khó khăn ở Sóc Trăng và Kiên Giang; hỗ trợ chị Triệu Thị Mỹ Dung (Đông Thắng, Cờ Đỏ, Cần Thơ) chạy thận, tặng hàng trăm phần quà cho nông dân nghèo. Đặc biệt, Bình Điền khuyến khích các trang trại, các tổ chức kinh tế nông thôn mua hàng trực tiếp tại nhà máy theo giá gốc và hưởng các ưu đãi khuyến mãi khác.

ĐÓN XEM CHUYÊN ĐỀ CHĂM BÓN LÚA ĐÔNG XUÂN MUỘN trực tiếp trên CVTV1 từ 20h ngày 20/2/2011

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất