| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 14/02/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 14/02/2017

Đầy ắp lễ hội, những khoảng tối phía sau

Đất nước hòa nhập với bên ngoài, thế giới trở nên “phẳng” hơn, những lễ hội truyền thống và cả những lễ hội “nhập ngoại” đông đúc dần lên...


Tranh cướp lộc hỗn loạn tại chùa Hương
 

Đất nước hòa nhập với bên ngoài, thế giới trở nên “phẳng” hơn, những lễ hội truyền thống và cả những lễ hội “nhập ngoại” đông đúc dần lên, lớn mạnh cả về tần suất lẫn quy mô.

Vui một phần, nhưng buồn và lo cũng theo đấy mà lớn.

Đã vài năm nay, vì đến ngưỡng của những sự phiền muộn, bất ổn, rất đáng lo ngại.

Thứ nhất, vì số lượng quá nhiều. Theo thống kê năm 2009 của Bộ VH-TT&DL, cả nước có 7.966 lễ hội (mà hiện giờ thì con số chắc chắn vượt quá 8.000), trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập. Ngoài ra, còn những lễ hội nội bộ như ngành nghề, địa phương, đơn vị, dòng họ... Tính ra, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức là bình quân khoảng mỗi giờ đồng hồ, ở Việt Nam lại có một lễ hội được tổ chức.

Thứ hai, quy mô của các lễ hội trở nên quá lớn, chi phí tốn kém, thủ tục rườm rà nhiêu khê, gần như “hành xác” khách tham dự. Ví dụ, có 7 lễ hội lớn hàng đầu ở Việt Nam, thu hút tới 16 triệu lượt khách, đông đúc đến nghẹt thở, còn số lượng khách dự khoảng 7.000 lễ hội còn lại thì chưa ai tính được. Điều này dẫn đến việc khó kiểm soát, mất an toàn, mất an ninh trật tự. Đến mức mà báo chí truyền thông đã dùng những từ ngữ như “vỡ trận”, “thất thủ” với các lễ hội này ngày thường xuyên hơn.

Thứ ba là tính chất văn hóa lành mạnh của lễ hội trở nên nhạt dần. Ngay cả đối với một số những lễ hội đã từng được cấp phép trước đây nhưng có phần nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội. Vì những lễ hội này hiện vẫn còn duy trì những tập tục mang yếu tố phản cảm, bạo lực như chọi trâu, chém lợn, tranh cướp, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau… Rồi các lễ hội tâm linh biến tướng, buôn thần bán thánh, hối lộ thần linh... nhân danh truyền thống.

Khác với các di tích Việt Nam thì được kiểm kê và phân cấp theo quy định, các lễ hội ở Việt Nam chưa được quy định phân cấp bài bản. Có những lễ hội bị biến tướng, trần tục hóa, mở hội tràn lan nhằm mục đích xuyên suốt là thu lợi về tài chính.

Truyền thống thì luôn có cả tốt lẫn xấu. Hàng ngoại, đồ ngoại, lễ hội ngoại cũng có mặt nọ, mặt kia. Truyền thống mang tính tinh hoa tốt đẹp thì cần giữ lại. Bên cạnh đó, cũng tiếp thu những yếu tố tích cực của các lễ hội du nhập. Và tính chính danh, nguồn gốc của lễ hội phải cần có sự “kiểm định” của các nhà dân tộc học, văn hóa và xã hội học về phần “lễ”, vì mang tính biểu trưng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Phần “hội” thì là sự cuốn hút, hấp dẫn đám đông. “Lễ” có chính danh thì “hội” mới được chính danh  theo và “hợp pháp” hấp dẫn cộng đồng.