| Hotline: 0983.970.780

Dạy chữ nơi vắt nhiều như trấu

Thứ Năm 20/11/2014 , 09:12 (GMT+7)

Hướng Hóa là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Trị, cách trung tâm TP. Đông Hà 130km, là vùng đất khắc nghiệt, nhất là những vùng xa trung tâm...

Họ là những chàng trai, cô gái quê ở vùng Hướng Hóa, Quảng Trị, vừa rời ghế giảng đường sư phạm, thay vì tìm một ngôi trường tốt ở phố thị, họ lại tình nguyện đến vùng cao, cách TP. Đông Hà hơn trăm cây số, với cuộc sống khắc nghiệt, để xóa mù chữ cho con em đồng bào Vân Kiều vùng biên giới Việt - Lào.

Thường xuyên đối mặt đói, rét

Hướng Hóa là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Trị, cách trung tâm TP. Đông Hà 130km, là vùng đất khắc nghiệt, nhất là những vùng xa trung tâm, bà con dân tộc Vân Kiều sống cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, muốn đến hai thôn Cát và Trĩa, xã Hướng Sơn, phải đi thêm hơn 25km trên con đường đất nhỏ xíu, ngoằn ngoèo uốn lượn giữa một bên là rừng và bên còn lại là vực sâu.

Chưa hết, còn phải qua 12 con suối lớn và 13 khe suối nhỏ, ngoài ra còn nhiều con dốc cao dựng đứng. Mùa mưa, đi lại rất nguy hiểm, chỉ sơ sẩy một chút là có thể lao xe xuống vực hoặc té ngã, “nếm” mùi bùn đất trên đường.

Chính vì thế, khi gặp tôi, thầy Nguyễn Văn Tâm, 34 tuổi, giáo viên trường tiểu học Hướng Sơn, không khỏi ngạc nhiên và xúc động. “Hồi mới lên đây bám trụ, tụi tôi vất vả không thể nào tả hết, đi đường rừng không quen, ngã miết.

16-37-30_nh-1
Một buổi học tại trường tiểu học Hướng Sơn

May nhờ có bà con và các em học sinh giúp đỡ, đi lại chưa quen thì người dân dẫn đường. Rồi đồ ăn thức uống hồi mới lên không biết kiếm đâu, bà con cũng cho. Nếu không, chưa chắc đã bám bản nổi”, thầy Tâm nói.

Thầy Tâm cho biết, đã trải qua 6 mùa hoa sim trên vùng biên giới Việt - Lào ở bản Trĩa, nay đã chuyển ra trường Hướng Sơn ở trung tâm xã.

“Cát, Trĩa là 2 điểm xa nhất và cực nhất của huyện Hướng Hoá. Để vào đó, chỉ có xe 3 cầu và… lội bộ. Từ đây đi vào đó, nhanh nhất cũng mất 10 tiếng đồng hồ. Tôi ra đây rồi, nhưng vẫn vào đó thường xuyên, bà con và các em cũng ra thăm hoài. Tình cảm bà con quí lắm anh ạ”.

Thầy Tâm bảo, đi lại ở đây cực nhất là gặp mưa, vắt ra như trấu, bám khắp chân, nhiều lúc mệt không buồn đập cứ để nó cắn căng tròn như hạt muồng mới chịu nhả ra. Sau vết cắn nó để lại một dấu cộng trên da như một chứng tích của rừng, máu cứ thế rỉ ra đến cả buổi mới thôi.

Do nằm biệt lập giữa núi rừng Trường Sơn quanh năm gió Lào, mưa lũ nên cuộc sống của giáo viên ở đây vô cùng cực khổ, thường xuyên đối mặt với đói, rét. Nhiều khi phải ăn khoai mì, đu đủ cả tháng trời liền vì hết gạo, mì gói.

16-37-30_nh-2
Lớp học tại bản Trĩa, xã Hướng Sơn

Giáo viên phải đi gõ cửa từng nhà mua từng lon gạo. Thức ăn thì “sáng xào đu đủ, chiều đu đủ xào”. Đó là chưa kể đến thiếu nước và sốt rét rừng.

Thế nhưng theo thầy giáo Vũ Văn Quý, giáo viên trường PTCS xã A Dơi thì vượt đồi, chạy vắt cũng không khổ bằng việc tìm trò. Hôm nào cũng vậy, hễ thấy các em vắng mặt là giáo viên phải đến hỏi từng nhà. Trò nào đi câu, thả lưới thì xuống sông, trò nào chăn bò, bẻ bắp thì lên nương để tìm.

Tuy nhiên không phải tìm thấy là học sinh ngoan ngoãn theo thầy về lớp học ngay mà đôi khi thầy trở về tay không.

16-37-30_nh-3
Các em tập thể dục trước khi vào lớp

“Có bữa chở học sinh đi học, đến đoạn đường có nhiều ngã rẽ, học sinh nhảy phóc xuống xe chạy trốn vào rừng, vào hốc đá, có đứa lại chạy miết xuống sông. Cô, thầy đuổi theo, chốc lát chẳng thấy trò đâu, chỉ thấy đống áo, quần, sách, vở bỏ lại trên bờ, ai ngờ khi ngoảnh lại đã thấy các em đứng cười ở bên kia nước bạn Lào rồi”, thầy Quý tâm sự.

Đặc biệt vào mùa cưới, mùa cúng, mùa nương rẫy, cả bản tập trung làm lễ, lúc ấy chỉ có chuyện học trò cho thầy nghỉ. Cho nên việc vận động học sinh đến lớp là một bài toán không hề dễ dàng đối với những giáo viên vùng biên.

"Tôi xem bọn trẻ như con mình"

Đến nay, Chương trình 135 cơ bản đã xoá hết nhà tranh, tre, nứa lá cho học sinh từ bậc tiểu học trở lên, còn đối với bậc mầm non trên vùng phên giậu này đa số đều mượn nhà của dân để dạy.

Các em nhỏ Vân Kiều vẫn còn ngồi học trong những nếp nhà nứa lá ọp ẹp, một cơn gió núi thổi qua cũng làm căn nhà rung rinh.

16-37-30_nh-4
Ngoài giờ học tại lớp, cô Thanh cùng các em quây quần như thế này

Ở bản Princ, xã A Dơi, cô giáo Thanh là một trong những giáo viên được tất cả học sinh, phụ huynh yêu quí. Suốt từ những ngày đầu bước chân đến đây, mỗi ngày, khi sương mù còn giăng kín núi đồi, và mới chỉ có những chú gà trống thức dậy, thì cô Thanh đã băng đồi, cắt suối đến gõ cửa từng nhà, gọi các em dậy đi học.

Trước lúc đến lớp cô cẩn thận lấy khăn lau từng khuôn mặt lem luốc, cài cái cúc áo xộc xệch, chải lại mái tóc rối bời cho các cháu. “Tôi xem bọn trẻ như con của mình, một ngày không gặp chúng là tôi nhớ lắm”, cô Thanh tâm sự.

Chuyện cô giáo trẻ cắm bản đã gây xúc động biết bao người trên vùng biên viễn này. Nhiều hôm đi dạy, đôi chân cô phồng rộp, tứa máu, sên, vắt bám đầy nhưng cô vẫn cắn răng chịu.

16-37-30_nh-10
Đường đến Hướng Sơn đầy nguy hiểm, nhưng vẫn không cản được bước chân của các thầy cô giáo đến với các em học sinh

“Hướng Sơn là một trong những xã vùng sâu, vùng xa nhiều khó khăn nhất của huyện và tỉnh. Trong đó, Trĩa và Cát là 2 bản xa nhất với mọi mặt khó khăn.
Vậy nhưng, hai bản này lại duy trì sĩ số học sinh rất tốt. Hai bản hiện có 8 lớp từ lớp 1-5. Đạt được kết quả này là nhờ tập thể thầy cô đầy tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng thương yêu học trò. Ngành giáo dục Hướng Hóa được như hôm nay là nhờ những người như họ”, ông Nguyễn Đức Tuận, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Hướng Hóa.

Tuy mới vào cắm bản được 5 tháng, nhưng thầy giáo trẻ Lê Trung Kiên đã phải lòng vùng đất A Dơi không biết tự lúc nào. Khi còn là sinh viên, Kiên đã say mê núi rừng, yêu những đứa trẻ với đôi mắt to tròn của núi rừng một cách kỳ lạ. 

Thầy Kiên tâm sự: “Nếu ai cũng chọn cho mình một công việc dạy học ở đồng bằng thì biết đến khi nào trẻ con trên vùng biên giới này mới biết học chữ”. Đó là những lý do khiến thầy có mặt ở đây hôm nay.

Còn đối với thầy Trần Văn Chi, với 17 năm cắm bản, thì không chỉ dành tình cảm đặc biệt cho con em đồng bào Vân Kiều ở vùng đất “một tiếng gà mang 2 quốc tịch” A Dơi mà còn có những suy nghĩ, trăn trở riêng.

“Phải có những người tình nguyện cắm bản lâu năm mới có thời gian và điều kiện để học ngôn ngữ, hiểu phong tục tập quán của bà con thì việc dạy chữ cho các em mới có hiệu quả cao”, thầy Chi nói.

Với thầy Chi, dạy học không chỉ là mục đích, trách nhiệm mà còn là lương tâm: “Trước hết phải dạy cho các em biết đọc, biết viết sau đó là hiểu bài, hiểu rồi thì hướng dẫn các em làm cho hay, học cho giỏi”.

Cả một vùng biên giới bao la không một ngọn núi nào thầy Chi chưa qua, không một bản làng nào chưa tới, mà cũng ít ai hiểu tường tận cuộc sống các gia đình và khát vọng muốn có cái chữ trong bụng cho con em đồng bào Vân Kiều như thầy.

Những lúc rảnh rỗi thầy lại rủ anh em xuống bản hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, chăn nuôi gia súc, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu… Đối với bà con, giáo viên không chỉ là những người gieo chữ mà còn là những “kỹ sư nông nghiệp”.

Bà con quý người cắm bản lắm. Có củ măng, nải chuối hay con cá, miếng thịt… bà con cũng để dành bồi dưỡng cho thầy, cô.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất