| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 08/11/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 08/11/2017

Dây chuyền... trong tham nhũng bổ nhiệm cán bộ

Tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ chính là một hình thức kinh doanh. Kẻ bỏ tiền mua chức chắc chắn phải tìm cách “thu hồi vốn” bằng việc bán chức...

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ được trình bày tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, chỉ dành mấy dòng để nói về công tác cán bộ, với nội dung là năm qua đã luân chuyển được bao nhiêu cán bộ, và luân chuyển là để phòng ngừa tham nhũng, mà không hề đề cập đến những tiêu cực, tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ, khiến rất nhiều ĐBQH và cử tri bức xúc.

Tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ, nói thẳng ra, là việc bán chức bán quyền. Lĩnh vực này, đến nay, vẫn còn là một thành trì bất khả xâm phạm, dù dấu hiệu thì đã rõ. Đó là vì sao có những cơ quan có số lãnh đạo nhiều hơn số chuyên viên? Vì sao có những vị lãnh đạo chỉ trước khi về hưu có 6 tháng hay 3 tháng, đã cấp tập bổ nhiệm hàng chục chức vụ lãnh đạo trong cơ quan mình? Việc tham nhũng trong bổ nhiệm, trước nay chỉ có hai người chỉ đích danh.

Thứ nhất là ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, nói rằng ở huyện Ứng Hòa, muốn đỗ công chức phải “chi” 100 triệu đồng. Và người thứ hai là bà Châu Thị Thu Nga, nguyên ĐBQH, chủ tịch HĐQT Housing Group, người đã khai tại phiên tòa xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xẩy ra tại Housing Group, mà Nga là bị cáo đầu vụ, rằng mình đã dùng hơn 1 triệu USD để “chạy” một suất đại biểu quốc hội.

Nhưng lời ông Trần Trọng Dực đã bị phủ nhận bởi kết luận thanh tra, rằng “không có dấu hiệu tiêu cực trong kỳ thi công chức ở huyện Ứng Hòa”. Còn Châu Thị Thu Nga vừa mới cất lời, đã bị HĐXX đề nghị dừng lại.

Với những tố cáo về tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ đến tay cơ quan điều tra, thì cơ quan này dường như chỉ có một động tác duy nhất, là gọi người bị tố cáo đến để hỏi “anh A. Tố cáo rằng anh ta đã đưa chừng này tiền cho ông để chạy chức, ông có nhận không?”. Hỏi thế, thì khác gì hỏi thằng kẻ cắp rằng mày có móc túi không?

Kẻ cắp, kể cả bắt được tận tay, nó còn chôi bai bải, huống hồ không bắt được tận tay. Và sau câu hỏi đó là... thôi, là “không có dấu hiệu chạy chức, bán chức”. Cũng chính vì thế mà trong phiên tòa xét xử vụ đại án Oceanbank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Oceanbank, người bị VKSND Thành phố Hà Nội truy tố tội tham ô 69 tỷ đồng, dù bị cáo khai đã chi hết 69 tỷ đó cho rất nhiều người chứ không phải tham ô, nhưng cơ quan điều tra và HĐXX chỉ biết gọi những người đó đến hỏi. Và khi họ phủ nhận thì chẳng biết làm gì khác để tìm ra sự thật, khiến bị cáo đã phải kêu lên đầy thống thiết: “Mong những ai đã nhận tiền của bị cáo thì hãy trả lại, để lòng mình thanh thản”. Trời ơi, kêu kẻ cắp trả lại tiền cho người bị mất cắp, thì thà...tìm đường lên trời còn dễ hơn.

Tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ chính là một hình thức kinh doanh. Kẻ bỏ tiền mua chức chắc chắn phải tìm cách “thu hồi vốn” bằng việc bán chức. Và kẻ mua chức tiếp theo, chắc chắn sẽ lại làm y như vậy, cứ thế, hình thành một dây chuyền. Người tài theo đó mãi mãi sẽ bị bật ra.