| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu lao động ở Minh Hóa - Quảng Bình

Đẩy dân vào cảnh nợ nần!

Thứ Năm 13/03/2014 , 09:51 (GMT+7)

Từng được xem là giấc mơ đổi đời cho dân nghèo, nhưng việc XKLĐ ở Minh Hóa - Quảng Bình đã nảy sinh nhiều yếu tố tiêu cực dẫn đến rất nhiều hệ lụy.

Từng được xem là giấc mơ đổi đời với người dân ở huyện nghèo Minh Hóa (Quảng Bình), nhưng việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở đây đã nảy sinh nhiều yếu tố tiêu cực dẫn đến rất nhiều hệ lụy.

Ồ ạt và có dấu hiệu lừa đảo

Một cán bộ Phòng LĐ-TB, XH huyện Minh Hóa cho hay: “Với sự tham gia của trên 10 DN nên từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn huyện Minh Hóa đã có trên 700 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 475 lao động đã được đào tạo ngoại ngữ, định hướng nghề nghiệp và có 194 lao động đã xuất cảnh sang các nước vùng Trung Đông, Malaysia...

Vào thời điểm đó, một số DN tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi được cấp phép đã về tận thôn bản để tuyên truyền vận động người dân đăng ký. Đặc biệt, Cty CP Dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa - Chi nhánh Hà Tĩnh còn đem xe ô tô về các thôn bản để đưa đón lao động đi làm các thủ tục vay vốn, hồ sơ pháp lý và chi trả phí đi lại, ăn uống cho lao động".

Những công ty cung ứng lao động đã nhận tiền nhưng không đưa lao động đi làm việc gồm 32 người với số tiền 612 triệu đồng. Trong đó, Cty CP Dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa - Chi nhánh Hà Tĩnh gồm 24 lao động với số tiền 600 triệu đồng, số tiền lãi 100 triệu đồng; Cty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Sơn La chưa thanh toán tiền lãi vay cho 6 trường hợp với số tiền trên 18 triệu đồng; Cty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng - Chi nhánh Hà Nội còn nợ 2 lao động với số tiền trên 5 triệu đồng…

Ông Trần Giang Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Minh Hóa cho biết: “Tính đến ngày 28/2/2014, tổng doanh số cho vay theo quyết định 71 là 8.021 triệu đồng với 256 hộ cho 256 lao động đi làm việc ở nước ngoài (tính từ năm 2009 đến hết năm 2011). Tuy nhiên từ năm 2012 đến nay doanh số cho vay không thực hiện được nên hàng năm chúng tôi phải trả vốn về Ngân hàng CSXH tỉnh là trên 7 tỷ đồng”.

Cũng theo ông Hà, sở dĩ có chuyện này là do một số DN được phép tuyển lao động trên địa bàn cố tình không thực hiện đúng những cam kết khi đến tuyển lao động, làm cho hộ vay cũng như người lao động mất lòng tin vào chủ trương, chính sách XKLĐ của Nhà nước.

Hiện các cơ quan chức năng ở huyện Minh Hóa đang tập trung xử lý những hậu quả do Cty CP Dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa - Chi nhánh Hà Tĩnh gây ra đối với người lao động ở huyện nghèo này. Qua kiểm tra, đối chiếu số lao động đã vay tại Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa cho thấy tiềm ẩn về nợ dây dưa mất khả năng thanh toán đã xảy ra.

Con số 0 đáng buồn

Người dân ở huyện nghèo Minh Hóa đăng ký XKLĐ với mong muốn tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo nhưng do thiếu thông tin về các cơ chế chính sách hỗ trợ nâng cao trình độ văn hóa, học nghề, ngoại ngữ… nên gặp không ít khó khăn khi hòa nhập với môi trường làm việc ở nước sở tại.

Trong khi các DN tham gia vào thị trường này ở trên địa bàn thì như “nấm sau mưa” nên lao động có nhu cầu rất khó để chọn cho mình một địa chỉ tin cậy nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Do đó đã xuất hiện sự nhập nhằng trong việc tuyển dụng, vay vốn ngân hàng khiến nhiều trường hợp lao động đã trở thành con nợ.

Đặc biệt, có những công ty nhận tiền rồi không thực hiện theo đúng như hợp đồng đã ký kết bỏ mặc người lao động mòn mỏi đợi ngày xuất cảnh và món nợ đến kỳ đáo hạn.

09-10-44_nnvn-a-2-ban
Bản Ka Rét (xã Trọng Hóa), nơi có nhiều lao động lâm vào cảnh nợ nần

Ông Đinh Xuân Tiến - Chủ tịch UBND xãTrọng Hóa (Minh Hóa), giọng trầm buồn: “Trên địa bàn có 6 lao động đã được tuyển dụng đi làm việc ở Malaysia với thời hạn 3 năm, đồng thời cũng đã nộp tiền cho đơn vị cung ứng lao động nhưng đang... ở nhà. Tiền mất chưa biết đến lúc nào lấy lại được thành ra phải nợ ngân hàng”.

Trước đó, các anh Hồ Vay, Hồ Chăn, Hồ Nín và Hồ Ten (ở bản Ra Mai) cùng ba người khác ở bản Ka Rét được các DN chọn đào tạo để đi XKLĐ. Cả 6 lao động trên vay 150 triệu đồng tại Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa, nhưng các thủ tục vay vốn đều do người của DN tuyển dụng thực hiện. Các lao động chỉ việc đến Ngân hàng điểm chỉ rồi về đợi ngày… xuất cảnh.

 Anh Hồ Vay cho biết: “Sau khi làm thủ tục vay vốn, họ hẹn đến tháng 2/2010 sẽ đưa xe ô tô về chở tui và một số người khác để hoàn tất thủ tục xuất cảnh sang làm việc ở Malaysia với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, họ đã không giữ lời hứa khiến gia đình tui lâm nợ nần, khó khăn chồng chất”.

 Cũng hoàn cảnh tương tự, anh Hồ Ten ngậm ngùi: “Sau khi bố tui ký sổ vay 25 triệu đồng, Ngân hàng CSXH huyện đã giao số tiền này cho người của công ty để làm thủ tục cho tôi đi XKLĐ ở Malaysia. Nhưng họ đã ra đi không hẹn ngày trở lại khiến gia đình phải gánh một món nợ không có khả năng chi trả”.

Tìm hiểu hồ sơ vay vốn và phản ánh của các hộ vay, người lao động đã đi làm việc tại Malaysia cũng như số lao động chưa xuất cảnh thì Cty CP Dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa - Chi nhánh Hà Tĩnh đã biểu hiện sự thiếu thiện chí và trách nhiệm đối với người lao động. Trong khi lại làm mọi cách để nhận được tiền của người lao động như: làm hợp đồng cho chồng thì đưa vợ đi và ngược lại, một số trường hợp chưa đủ tuổi nhưng làm chứng minh thêm tuổi để đưa đi lao động. Việc khám sức khỏe cũng làm hết sức sơ sài.

Ông Đinh Thanh Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết: "Không thông qua UBND xã, Cty CP Dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa - Chi nhánh Hà Tĩnh đã trực tiếp đến các bản tuyển dụng một số lao động sang Malaysia làm việc nhưng sau đó bị đơn vị sử dụng lao động trả về nước vì mắc bệnh, nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn”.

Ông Đinh Quý Nhân - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa nhìn nhận: “Theo đề án phát triển KT-XH nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững của Minh Hóa, giai đoạn 2009-2020 sẽ đào tạo gần 2.000 người để xuất khẩu lao động sang các nước. Tuy nhiên, con số lao động được đưa đi thật ít ỏi. Năm 2012 có được 5 trường hợp XKLĐ, năm 2013 không có người nào. Hiện không có một DN cung ứng lao động nào đăng ký hoạt động ở Minh Hóa nên việc thực hiện chủ trương này càng khó khăn hơn”.

Thượng tá Phan Thanh Phương - Phó trưởng Công an huyện Minh Hóa:

“Chính vì sự nhập nhằng của các DN môi giới XKLĐ trên địa bàn nên đã làm tình hình xấu đi rất nhiều. Chúng tôi kiến nghị với lãnh đạo UBND huyện có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo sự an toàn cho người lao động”.

 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.