| Hotline: 0983.970.780

Đây là thời điểm dịch bệnh dễ bùng lên

Thứ Sáu 11/02/2011 , 09:29 (GMT+7)

Theo quy luật, đây là thời điểm dịch bệnh có thể bùng phát nếu không được quan tâm kiểm tra sát sao, đặc biệt là tụ huyết trùng và lở mồm long móng.

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT)

Trước những thiệt hại lớn sau đợt rét đậm kéo dài, giải pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm sắp tới thế nào; công tác khôi phục chăn nuôi sau Tết ra sao là những vẫn đề NNVN đặt ra trong cuộc trao đổi với ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT).

Thưa ông, sau đợt rét đậm kéo dài hơn 1 tháng, ngành chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng thế nào?

Tính đến hôm qua (10/2), theo thống kê của các địa phương, số lượng gia súc chết do thời tiết đã lên đến hơn 55 nghìn con, chiếm 14-15% tổng số lượng của đàn gia súc. Tuy nhiên, so với đợt rét đậm rét hại kéo dài năm 2007 - 2008 thì con số thiệt hại đó chỉ bằng khoảng 30%. Mặc dù đợt rét đậm, rét hại năm nay chưa dài bằng đợt rét năm 2007 - 2008, nhưng đợt rét đậm, rét hại năm nay lại có nhiệt độ thấp kỉ lục.

Mặc dù từ rất sớm (tháng 11/2010) Cục Chăn nuôi đã có công điện, chỉ thị người dân, chính quyền địa phương phải có các phương án phòng, chống rét cho gia súc, tuy nhiên vẫn để xảy ra thiệt hại. Bởi, công tác tuyên truyền, vận động cho chống rét, dự trữ thức ăn chống đói, rét cho vật nuôi ở một số địa phương chưa tích cực và đồng bộ. Một số địa phương nhận thức còn chưa cao, người chăn nuôi còn chủ quan, chăn thả trâu, bò trong rừng, không che chắn, không chuồng trại, thiếu thức ăn.

Cần làm gì để phục hồi đàn gia súc trong thời gian tới đây, thưa ông?

Trước mắt, cần phân loại và thống kê thiệt hại của từng địa phương, sau đó thực hiện việc hỗ trợ. Tôi cho rằng, với số lượng gia súc chết như thông báo của các địa phương thì chỉ riêng ngân sách các tỉnh cũng đã có thể đáp ứng đủ việc hỗ trợ. Tất nhiên là Trung ương cũng sẽ có biện pháp hỗ trợ thêm cho từng tỉnh và trực tiếp cho nông dân.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế và mang tính đối phó. Biện pháp mà Cục Chăn nuôi đang đề xuất với Bộ NN-PTNT để kiến nghị Chỉnh phủ, đó là thống kê nhu cầu về giống vật nuôi của từng vùng, từng địa phương trên cơ sở thực tế để xem xét và có giải pháp thích hợp, ưu tiên sử dụng con giống tại chỗ.

Về kỹ thuật chăn nuôi, các địa phương nên khuyến cáo nông dân sửa sang lại chuồng trại sau rét, tẩy trùng và vệ sinh bằng phương pháp khoa học. Thức ăn cho gia súc cũng cần chuẩn bị đầy đủ, chế biến hợp vệ sinh và giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, tích cực tiêm phòng cho vật nuôi, bởi lẽ theo quy luật, đây là thời điểm dịch bệnh có thể bùng phát nếu không được quan tâm kiểm tra sát sao, đặc biệt là tụ huyết trùng và lở mồm long móng.

Việc phục hồi chăn nuôi cần được thực hiện bởi nhiều giải pháp đồng bộ. Là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, ông lo ngại điều gì?

“Hiện Cục Chăn nuôi đang soạn thảo các văn bản liên quan đến việc thực hiện quy trình chăn nuôi theo hướng bền vững để làm cơ sở cho công tác phát triển chăn nuôi năm nay. Nếu như năm 2010, việc thực hiện quy trình chăn nuôi theo VietGAP chỉ được thực hiện trong quy mô trang trại lớn, thì năm nay sẽ tiến hành cả đến quy mô hộ gia đình” - ông Hoàng Kim Giao.

Chúng tôi vẫn rất băn khoăn và lo ngại khâu phòng chống dịch. Chúng ta đều biết rằng, thời điểm này đang và sẽ có mưa xuân. Đây là điều kiện lý tưởng cho dịch bệnh bùng phát. Như đã nói ở trên, việc nông dân bắt đầu tập trung vào chăn nuôi ngay lúc này để bù vào số lượng thiếu hụt sau Tết, tuy rằng tích cực, nhưng cũng có mặt trái, đó là việc khó kiểm soát dịch bệnh ở ngay khâu chọn giống.

Về vấn đề này, cơ quan chuyên môn của từng địa phương, nhất là ngành nông nghiệp các tỉnh, cần chỉ đạo và kiểm soát tốt khâu lưu thông con giống, đặc biệt là các cơ sở sản xuất phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo không có mầm bệnh. Hơn nữa, cần thực hiện tiêm phòng dịch theo đúng quy định, thức ăn đưa vào sử dụng cũng phải được chú ý đảm bảo vệ sinh.

Cùng với thiệt hại do rét đậm, thì nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết tăng đột biến cũng là nguyên nhân làm giảm số lượng gia súc, gia cầm trong cả nước. Theo ông, liệu trong thời gian tới có thiếu thực phẩm?

Tôi cho rằng không thiếu được, bởi lẽ, phần lớn các trang trại chăn nuôi đã chuẩn bị đủ lượng con giống từ trước Tết và đang tiếp tục bổ sung số lượng gia súc, gia cầm.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất