| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh cải tạo vườn điều

Thứ Sáu 02/10/2015 , 06:07 (GMT+7)

Ngành điều đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng tốc phát triển khi trong nước giá điều thô liên tục đi lên, tạo đà cho nông dân đẩy mạnh cải tạo vườn, đưa năng suất và chất lượng lên cao…

Khoảng chục năm trước, điều vẫn còn ở vị thế cây “xóa đói giảm nghèo”, gắn với vùng sâu vùng xa, vùng canh tác không thuận lợi (đất dốc, bạc màu…); thì nay ngành điều VN đã đạt được kỳ tích khi kim ngạch XK ngành điều đang dần chạm mốc 2,5 tỷ USD, chiếm 50% tổng kim ngạch XK nhân điều toàn cầu.

Có được kết quả trên, phải nhắc lại sự thành công vượt bậc của công nghiệp chế biến điều, bắt đầu từ Dự án KC-07 cho ra đời thế hệ máy cắt tách vỏ hạt do Hiệp hội Điều VN (Vinacas) chủ trì. Thành công của dự án này đã dần loại bỏ hoàn toàn máy móc nhập ngoại có giá cao ngất ngưởng và giải phóng phần lớn sức lao động thủ công. Từ đó, công nghiệp chế biến điều phát triển như vũ bão, đến nay đã hình thành 465 nhà máy chế biến, tổng công suất 1 triệu tấn hạt/năm (gấp 667 lần so với năm 1988), giúp ngành điều VN liên tục dẫn đầu thế giới về kim ngạch XK.

Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc của công nghiệp chế biến đang vượt quá xa so với nguồn cung nguyên liệu trong nước, nhiều năm qua ngành điều VN phải nhập trên 50% lượng điều thô từ châu Phi và các nước Đông Nam Á. Sự phụ thuộc này khiến ngành điều bị động về nguyên liệu và khó kiểm soát chất lượng.

Nhận thấy hạn chế đó, đồng thời mong muốn giúp nông dân trồng điều gia tăng thu nhập, Vinacas đã đưa ra quyết định mang ý nghĩa lớn: đầu tư trở lại cho người nông dân. Liên tục trong hai năm qua, Vinacas đã bỏ ra hàng tỷ đồng để thực hiện chương trình “ghép cải tạo vườn điều”, xây dựng các mô hình cải tạo vườn hiệu quả, cho năng suất vượt trội từ 3 – 4 tấn/ha.

Sự thành công của dự án mang rất nhiều tâm huyết của vị Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh đã được lãnh đạo Bộ NN-PTNT đánh giá cao. Cuối năm 2014, đích thân Bộ trưởng Cao Đức Phát đã xuống từng hộ dân nằm trong dự án (xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) để tham quan, từ đó quyết định nhiều chính sách lớn cho ngành điều, chuẩn bị đón đầu cơ hội mới.

Bộ trưởng cũng từng khẳng định tại Hội nghị ngành điều, diễn ra cuối năm 2014 tại Bình Phước, rằng: “Điều là sản phẩm thế mạnh và đặc trưng của VN. Khi hội nhập quốc tế, ta càng có nhiều sản phẩm thể hiện rõ thế mạnh, tính đặc trưng thì càng có lợi thế cạnh tranh. Vì thế, tái cơ cấu ngành điều để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm sẽ được tập trung làm mạnh”.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Từ nay đến năm 2020, ngành điều sẽ trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 60.000 ha tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Gia Lai, Bình Định. Vì thế, Bộ NN-PTNT đang tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu chọn tạo, bình tuyển cây đầu dòng; xây dựng vườn đầu dòng, vườn nhân giống ghép. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh, tái canh và ghép cải tạo thay thế giống điều, thực hiện đào tạo “kỹ thuật ghép” cho lực lượng kỹ thuật tại địa phương để triển khai nhân rộng cho bà con nông dân trồng điều.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, các Cục, Vụ, Viện có liên quan và các địa phương đồng loạt vào cuộc, trong đó công tác cải tạo vườn điều được quan tâm đặc biệt. Gần 2 năm qua, người ta thấy Thứ trưởng Lê Quốc Doanh - Trưởng Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững, liên tục xuống các địa phương để điều hành, gắn kết những tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm phát triển, nhân rộng phong trào cải tạo vườn điều. Bằng sự nỗ lực rất lớn, đến nay, rất nhiều nông dân các địa phương trồng điều (Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng…) đã “xắn tay” vào thực hiện cải tạo, trẻ hóa vườn.

Để động viên những nông dân chăm sóc tốt vườn điều, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng vừa ký tặng bằng khen cho 44 nông dân trồng điều giỏi, đi đầu trong công tác cải tạo vườn, làm hạt nhân phổ biến cách làm hay, hiệu quả ra các vùng miền trên cả nước.

Nông dân Hoàng Văn Tần (thôn 8, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) có 10 ha, thực hiện ghép cải tạo vườn điều đưa năng suất đạt 4,2 tấn/ha và được Bộ trưởng tặng Bằng khen, cho biết: Phong trào ghép cải tạo vườn điều tại Bình Phước đang được nhân rộng, bản thân ông đã được Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Phước mời đứng lớp chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo cho khoảng 1.000 nông dân tại 9 xã (Tiến Hưng, Đồng Nai, Đoàn Kết, Long Phước, Thác Mơ, Thanh Bình, Thanh Hòa, Tân Phú, Đồng Tiến), thuộc 5 huyện và thị xã (Đồng Xoài, Phước Long, Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Phú). Các nông dân đều rất hào hứng học hỏi và nhiều người đã thực hiện thành công tại vườn của gia đình, đồng thời giúp đỡ những nông dân khác cùng tiến hành cải tạo vườn điều hiệu quả hơn.

Kết quả, trong 2 năm qua, sản lượng điều cả nước đã tăng lên: năm 2014 năng suất điều bình quân tăng 2,5 tạ/ha so với 2013 (đạt 12 tạ/ha), tổng sản lượng 345.000 tấn. Sang năm 2015 năng suất điều tiếp tục tăng thêm 1,2 tạ/ha (đạt 13,2 tạ/ha), sản lượng đạt 400.000 tấn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác kiểm tra, giám sát và kiểm định chất lượng điều giống tại hầu hết các cơ sở kinh doanh gần như bị thả nổi; trong khi nhà nước chưa hình thành được các vườn điều đầu dòng chất lượng cao, đảm bảo cung cấp nguồn mắt ghép với nhu cầu lên tới vài triệu cây mỗi năm. Hiện diện tích điều của nước ta có tới 65% trồng bằng giống thực sinh, 67% giống không rõ nguồn gốc, nhiều vùng trồng điều phân tán, điều kiện khí hậu, đất đai không phù hợp, nên công tác cải tạo chắc chắn sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi sự kiên trì và tâm huyết.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cây điều chưa đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra. Tổ chức sản xuất, liên kết giữa nông dân trồng điều với doanh nghiệp chưa được thiết lập chặt chẽ; người trồng điều tiếp cận nguồn vốn tín dụng vô cùng khó khăn…, đang tạo ra nhiều lực cản cho công tác cải tạo vườn điều.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm