| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh khuyến nông miền núi

Thứ Tư 31/07/2013 , 10:14 (GMT+7)

Sáng 30/7, tại Hà Nội, Ipsard đã tổ chức hội nghị nâng cao hiệu quả hoạt động KN cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi phía Bắc.

Sáng 30/7, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) đã tổ chức hội nghị nâng cao hiệu quả hoạt động KN cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng miền núi phía Bắc.

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ Cơ quan viện trợ Ireland (Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam), Trung tâm KNKNQG, Ủy ban Dân tộc cùng đại diện Khuyến nông 3 tỉnh Điện Biên, Hòa Bình và Bắc Giang.

TS Vũ Trọng Bình, Phó Viện trưởng Ipsard cho rằng, hiện nay, công tác KN mà rộng hơn là cải cách nông nghiệp, hết sức cần thiết và bức xúc. Nhìn tổng thể, nền nông nghiệp của nước ta đang phát triển chậm lại một cách rõ rệt. “Chúng ta xuất khẩu càng nhiều thì giá trị gia tăng của sản phẩm càng thấp. Còn chiến lược cạnh tranh bằng giá rẻ cũng đang mất dần đi sự hiệu quả của nó”, TS Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.


Toàn cảnh hội thảo

Thay mặt Trung tâm Phát triển nông thôn (thuộc Ipsard), TS Hoàng Vũ Quang, GĐ Trung tâm chia sẻ, công tác KN miền núi hiện nay đang gặp vô vàn khó khăn. Bối cảnh đặt ra là, trong khi có rất nhiều tác nhân cung cấp dịch vụ KN nhưng cách tổ chức, tiếp cận chưa thật sự đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, nhu cầu về tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách KN gắn với đào tạo nghề, xây dựng NTM là rất bức thiết.

Trong những năm qua, Trung tâm Phát triển nông thôn đã thực hiện nghiên cứu và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KN cho đồng bào vùng miền núi phía Bắc. Từ việc xác định được hạn chế của các chính sách, đánh giá lại hiệu quả thực hiện, nghiên cứu muốn đưa ra các khuyến nghị một cách chi tiết về chính sách cũng như các bước triển khai trong công tác KN.

Thế nào là KN hiệu quả, TS Quang cho rằng, điều này phải dựa trên nhiều khía cạnh như kinh tế, xã hội, môi trường. “Nhóm nghiên cứu đã xác định hai tầng hiệu quả khuyến nông cần chỉ rõ đó là cấp hộ và cấp cộng đồng”, TS Quang chia sẻ.

Các thành viên của nhóm nghiên cứu đã chọn 12 xã đặc biệt khó khăn (xã 30A, xã 135) của 3 tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Nghệ An để rà soát. Ngoài các đối tượng trực tiếp hưởng lợi từ KN là người dân, nghiên cứu còn tập trung vào lực lượng quản lí nhà nước về KN, hệ thống KN các cấp của mỗi địa phương.

Nghiên cứu trên chỉ ra rằng, hệ thống tổ chức nhà nước hiện nay còn nhiều chồng chéo, bất cập. Việc phân định rõ, KN là một cơ quan quản lí hay hành chính sự nghiệp còn đang hết sức mập mờ. Ngay trong một tỉnh, như Điện Biên, hệ thống KN chưa thực sự đồng nhất. Nhiều xã không có lấy một vài cán bộ, cộng tác viên KN chuyên nghiệp. Những xã có cán bộ KN thì năng lực còn hạn chế.

KN xã đóng vai trò quan trọng, cốt lõi trong việc triển khai, tuy nhiên về công tác đãi ngộ, hầu hết đều cho rằng chưa thực sự thỏa đáng. Bà Phạm Thị Tươi, GĐ Trung tâm KN tỉnh Điện Biên than rằng, dường như đơn vị này đang đánh vật với công tác khuyến nông. Từ trung tâm thành phố đi đến các xã cách nhau trên 100km, địa hình phức tạp, đi lại vô cùng khó khăn. Sinh sống tại đây chủ yếu là bà con DTTS, dân trí thấp, tỉ lệ hộ nghèo lên đến 50%.

“Nói thật với các vị, với mức lương trả cho cán bộ, cộng tác viên KN trên dưới 1 triệu đồng như hiện nay thì không đủ tiền đổ xăng để đi xuống cơ sở”, bà Tươi phân trần.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn, GĐ Trung tâm KN tỉnh Hòa Bình cũng ngán ngẩm, một năm mà lượng cán bộ KN các cấp chuyển công tác và phải bố trí lại lên đến hơn 30% quân số. “Thực sự không ai muốn làm vì công việc khó khăn, đồng lương lại quá thấp. Những người mới về thì chưa có nghiệp vụ khiến chúng tôi phải đào tạo lại từ đầu nên rất tốn kém thời gian, tiền của và công sức”, ông Tuấn than thở.

Một vấn đề ông Tuấn cũng đặc biệt quan tâm đó là cơ chế đấu thầu các dự án KN TW theo Nghị định 02 của Chính phủ. Ông Tuấn cho rằng, việc một tỉnh miền núi khó khăn như Hòa Bình hay Điện Biên có thể tham gia đấu thầu một dự án cấp TW là điều vô cùng khó khăn. Không chỉ thiếu về vốn, nguồn nhân lực vừa yếu vừa thiếu, hạn chế về năng lực thì làm sao có thể đáp ứng được nguồn vốn từ dự án.

“Tôi cho rằng, quy cách làm mô hình KN 1 lần/1 điểm như hiện nay chỉ thực sự phù hợp với các tỉnh đồng bằng”, ông Tuấn nói. Việc đưa mô hình trồng cây gì, nuôi con gì vào cho bà con không phải là chuyện một lần là xong.

Tuy không ở mức độ “bi đát” như Điện Biên hay Hòa Bình, nhưng Bắc Giang cũng là một tỉnh có đến 4 huyện miền núi với 30 xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Ông Lê Hồng Giang, PGĐ Trung tâm KN Bắc Giang cho rằng, nghiên cứu của Trung tâm Phát triển nông thôn đã phản ánh tương đối hoàn thiện bức tranh nông thôn miền núi. Đối với Bắc Giang, cái khó nhất trong công tác KN hiện nay lại bắt nguồn từ sự phân bổ ngân sách không đồng đều.

Ông Giang dẫn chứng, huyện Lục Ngạn có điều kiện kinh tế trung bình nhưng mỗi năm lại được cấp đến 5 – 7 tỉ đồng làm KN. Trong khi, một huyện khó khăn như Sơn Động, một năm chỉ được cấp vỏn vẹn 500 – 700 triệu đồng. “Mỗi tháng, cán bộ KN chỉ được cấp 250 nghìn đồng để đi lại thực hiện mô hình, như thế ai còn thiết tha với công tác khuyến nông nữa”, ông Giang nói.

+ Ông Garvan McCann, Phó Đại sứ nước cộng hòa Ireland tại Việt Nam đánh giá cao những gì đội ngũ KN cơ sở đã làm được trong thời gian qua. Ông mong rằng, các tổ chức khuyến nông của Việt Nam tiếp tục gắn bó hơn nữa với cơ quan viện trợ Ireland, hướng tới hoàn thiện công tác KN nói riêng và SXNN nói chung.

+ TS Vũ Trọng Bình: Việc lồng ghép nhiều nguồn lực để phát triển KN sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo. Trung tâm Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức liên quan, mở rộng địa bàn nghiên cứu trên cả 3 miền nhằm có được những đánh giá chính xác hơn thực trạng KN hiện nay.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất