| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp

Thứ Ba 15/04/2014 , 07:00 (GMT+7)

Năm 2014, Tổng cục Lâm nghiệp tập trung triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung vào tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.

* Số vụ cháy rừng giảm 31%

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), mặc dù quý I/2014 thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn kéo dài trên diện rộng; đặc biệt đối với khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng (BVR), PCCCR rừng, song nhờ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt nên không có điểm nóng về phá rừng, các vụ cháy rừng được dập tắt kịp thời, trồng rừng tăng đáng kể.

Về BVR: Số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm so với cùng kỳ năm 2013. Trong quý I/2014 toàn quốc xảy ra 4.631 vụ vi phạm quy định về BVR và quản lý lâm sản, giảm 30% về số vụ so với cùng kỳ.

Tổng diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng và phá rừng là 318,18 ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó số vụ cháy rừng giảm 31% với 74 vụ, gây thiệt hại 226,8 ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2013. Thu nộp ngân sách 43,5 triệu đồng, bằng 91,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Về phát triển rừng: Tổng hợp đến ngày 31/3/2014, cả nước đã trồng được trên 10 triệu cây phân tán các loại, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2013; trồng được trên 12 ngàn ha rừng tập trung. So với năm 2013, tiến độ trồng rừng SX nhanh hơn, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2013.

Về khai thác lâm sản: Cả nước đã khai thác 1.940 ngàn m3 gỗ rừng trồng, đạt 21% kế hoạch năm, bằng 132% so với cùng kỳ năm 2013.

Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng: Trong quý I, các địa phương đã triển khai ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng cho gần 2 triệu ha rừng trên tổng diện tích rừng được chi trả từ dịch vụ môi trường rừng là 4,1 triệu ha.

Ngày 10/12/2013, Bộ NN-PTNT đã ban hành Văn bản số 4403/BNN-TCLN về kế hoạch triển khai trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng công trình thủy điện gửi UBND các tỉnh, TP có dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng công trình thủy điện phải trồng rừng thay thế, theo đó, kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2014 là 11.200 ha.

Bộ NN-PTNT cũng đã có Văn bản số 4404/BNN-TCLN gửi Bộ Công thương về việc phối hợp chỉ đạo kế hoạch trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng công trình thủy điện. Bộ Công thương cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh về việc thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT.

Thực hiện chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/1/2014 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác, Bộ NN-PTNT đã có Văn bản số 673/BNN-TCLN ngày 27/2/2014 về việc báo cáo tình hình triển khai trồng rừng thay thế gửi các địa phương.

Tổng cục Lâm nghiệp đang chủ trì tham mưu cho Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác (dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4/2014), trên cơ sở đó để các địa phương chỉ đạo thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế và nghiêm túc thực hiện các quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng.

Năm 2014, Tổng cục Lâm nghiệp tập trung triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung 4 nhiệm vụ đã được nêu trọng Nghị quyết của Quốc hội và được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ đạo sát sao là:

- Triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp để tạo chuyển biến rõ nét trong thực tiễn, trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng rừng; triển khai quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng toàn quốc; sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh; khuyến khích chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; rà soát quy hoạch chế biến gỗ rừng trồng, giảm tỷ trọng dăm gỗ xuất khẩu.

- Phấn đấu đạt chỉ tiêu về độ che phủ rừng năm 2014 là 41,5%.

- Hoàn thành xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với lĩnh vực lâm nghiệp.

- Chỉ đạo các địa phương trồng rừng thay thế theo Chỉ thị 02/CT-TTg tăng cường phối hợp giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư trong việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, đặc biệt đối với các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.