| Hotline: 0983.970.780

Dạy nghề cho ngư dân

Thứ Ba 08/10/2013 , 10:59 (GMT+7)

Từ năm 2012, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi đã giao Trung tâm Hướng nghiệp - giáo dục thường xuyên & dạy nghề Bình Sơn phối hợp với Viện Khoa học công nghệ & khai thác thủy sản Nha Trang tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho ngư dân.

Quảng Ngãi có khoảng 5.500 tàu cá, hơn 40.000 lao động hành nghề khai thác hải sản trên biển, trong đó khoảng 2.300 tàu đánh bắt xa bờ. Hầu hết ngư dân chỉ đánh bắt bằng kinh nghiệm, chưa được đào tạo kiến thức cơ bản về khai thác, sửa chữa tàu thuyền...

Cùng với các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, từ năm 2012, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi đã giao Trung tâm Hướng nghiệp - giáo dục thường xuyên & dạy nghề Bình Sơn phối hợp với Viện Khoa học công nghệ & khai thác thủy sản Nha Trang (Trường ĐH Nha Trang) tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho ngư dân.

Ông Võ Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp - giáo dục thường xuyên & dạy nghề Bình Sơn cho biết: Năm 2012 Trung tâm đã phối hợp đào tạo được 10 lớp thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 cho 326 ngư dân. Từ đầu năm 2013 đến nay đã mở 9 lớp, đào tạo thêm cho 193 ngư dân. Kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ mở tiếp 20 lớp với khoảng 700 ngư dân tham gia.


Thuyền trưởng Võ Hải (bên phải) giới thiệu máy hải đồ

Ngư dân được trang bị kiến thức về kỹ năng lái tàu, tìm hiểu ngư trường khai thác, cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố; các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác trên biển; cách cứu hộ, cứu nạn trên biển; cách điều khiển tàu chạy tránh bão, phương cách bảo quản hải sản an toàn.

Qua các lớp đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 (đối với tàu công suất trên 400 CV trở lên) giúp ngư dân vững tin vươn khơi xa, bám biển làm ăn, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Ông Hoàng vui mừng chia sẻ, hầu hết các ngư dân dân được đào tạo đã nhận thức được về chủ quyền biển, đảo; ứng phó với thiên tai; vận dụng vào  đánh bắt đạt hiệu quả. Cùng với những kinh nghiệm đi biển, qua đào tạo các thuyền trưởng đã hiểu và vận dụng an toàn khi đi ngang qua các tuyến hàng hải.

Đồng thời tiết kiệm được nhiên liệu; kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, nắm vững các kỹ thuật bảo quản thủy sản; sử dụng thành thạo hải đồ, máy định vị hỏng vẫn có khả năng xử lý… nên tăng hiệu quả kinh tế mỗi chuyến ra khơi.

Ông Võ Hải, thuyền trưởng tàu QNg 95779 TS  ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, người đã có thâm niên đi biển cho biết: "Trước đây tôi chỉ làm theo kinh nghiệm. Được tham gia khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 từ tháng 10-12/2012 tôi thấy rất bổ ích. Biết được hướng đi để thoát ra khỏi tâm bão.

Trước đây, vào ban đêm, ông Hải liên tục canh chừng để né tránh tàu hàng hải. Còn bây giờ, cứ theo tín hiệu đèn của tàu lớn mà chủ động né tránh. Có lần thấy tàu bị 3 đèn giăng thẳng đứng, chúng tôi tưởng tàu chiến của nước ngoài, vội vàng bỏ chạy; nhưng khi học, biết đó là tín hiệu tàu lai dắt, nên không phải bỏ chạy như trước".

Ngư dân Phạm Nhành cùng quê với ngư dân Võ Hải gật đầu thừa nhận: “Khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 rất bổ ích cho ngư dân chúng tôi. Bây giờ ra biển yên tâm hơn nhiều”.

Mùa biển năm nay, ngư dân Quảng Ngãi rất phấn khởi và tự tin hơn khi ra khơi nhờ được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích về việc xử lý các tình huống có thể xảy ra khi đang hành nghề trên biển.

Ông Bùi Hồng Vân, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Bình Châu (Bình Sơn) nói: "Việc đào tạo nghề cho ngư dân, giúp họ nắm vững những kiến thức cơ bản để tự sửa chữa máy móc hay cách điều khiển tàu an toàn trên biển xa.

Ngoài ra, ngư dân còn được hướng dẫn về Luật biển, Luật Hàng hải để tránh nguy hiểm khi đánh bắt ngoài khơi. Chúng tôi mong muốn mở thêm nhiều lớp đào tạo nữa để ít nhất mỗi tàu có từ 1 - 3 người được đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng để có thể phối hợp hành nghề một cách an toàn".

Trong điều kiện đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn thì việc đào tạo nghề giúp ngư dân có thêm kiến thức khi hoạt động trên biển là hết sức cần thiết. Việc phổ cập kiến thức, kinh nghiệm đánh bắt để họ yên tâm bám biển là việc làm hết sức ý nghĩa, giúp họ tự tin ra khơi làm ăn, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất