| Hotline: 0983.970.780

Dạy nghề lưu động

Thứ Sáu 21/12/2012 , 13:48 (GMT+7)

Trung tâm Dạy nghề & giới thiệu việc làm Thanh niên tỉnh Bình Định đã mở hướng đào tạo mới bằng cách dạy nghề lưu động theo mô hình thực tiễn.

Trong bối cảnh các trường dạy nghề tại địa phương “bí” về tuyển sinh đào tạo nghề, Trung tâm Dạy nghề & giới thiệu việc làm Thanh niên tỉnh Bình Định đã mở hướng đào tạo mới bằng cách dạy nghề lưu động theo mô hình thực tiễn.

Trong cách đào tạo mới này, những người tham gia học nghề không chỉ có đối tượng là thanh niên, mà bất cứ ai có nhu cầu học nghề đều có thể tham gia. Ví như 2 lớp dạy nghề nuôi cá lồng bè được mở tại bán đảo Hải Minh thuộc KV9, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn).

“Năm 2011, nghe thông tin ngư dân nuôi cá lồng bè ở Hải Minh thất bại thảm hại vì cá nuôi bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, chúng tôi liền “để bụng” chuyện này. Đầu năm 2012, trung tâm tổ chức biên soạn giáo trình và mở thêm 2 ngành nghề đào tạo mới là nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Với phương châm đào tạo theo mô hình thực tiễn nên cả giáo trình, chương trình dạy cũng như thời gian đứng lớp được “uyển chuyển” sao cho phù hợp với lịch SX để bà con ngư dân thuận lợi đến lớp”, ông Lê Nam Long, PGĐ Trung tâm DN&GTVLTN Bình Định cho biết.

2 lớp dạy nghề nuôi cá lồng bè trên biển được mở tại Hải Minh từ tháng 8/2012, từ đó đến nay, bất kể nắng mưa, đều đặn mỗi tuần 3 lần các cán bộ, giáo viên của trung tâm lênh đênh trên những chiếc ghe đò vượt biển sang Hải Minh để đến với những ngư dân đang khao khát học nghề. Theo học nghề này có 52 học viên, thế nhưng quá nửa trong số đó là những ngư dân đã cao niên, và họ đều đến học nghề với tinh thần háo hức.

Theo ngư dân địa phương, nghề nuôi cá lồng bè trên biển đã xuất hiện tại Hải Minh từ 10 năm trước đây với khoảng 15 hộ tham gia. Tuy nhiên, với cách nuôi “trăm sự nhờ trời”, hiệu quả mang lại không cao. Thậm chí người nuôi thường xuyên bị thất bại do môi trường nước tại vùng nuôi nằm gần cửa biển, tàu bè đánh cá ra vào liên tục gây ô nhiễm nghiêm trọng, cá nuôi đã chậm tăng trưởng lại có thể “lăn đùng” ra chết bất cứ lúc nào.

“Ngoài 2 lớp đào tạo nghề nuôi cá lồng bè tại Hải Minh, trong năm 2012, chúng tôi còn mở được 7 lớp dạy nghề khác cho gần 200 học viên tại khắp các địa phương trong tỉnh. Thu hút học viên nhiều nhất là các lớp dạy nghề chạm khắc gỗ tại xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) và lớp chế biến thủy sản tại Hải Minh”, ông Lê Nam Long.

Khi tham gia lớp học, những ngư dân ở Hải Minh được hướng dẫn kỹ thuật bảo vệ môi trường nước, cách làm lồng bè, chọn giống, chọn thức ăn và cách điều trị bệnh cho cá. Sau khi học nghề, ngư dân nuôi cá lồng bè trên biển ở Hải Minh gặt hái được thành công nên ngày càng có nhiều học viên tham gia.

Ông Nguyễn Văn Diện, chi hội phó Chi hội ngư dân KV9 phường Hải Cảng cho biết: “Dịch bệnh xảy ra trên đàn cá nuôi trong lồng bè đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng nặng nề nhất là vào năm 2011. Cá bị lở lói rồi chết hàng loạt. Sau khi học được kỹ thuật nuôi, nghề nuôi cá lồng bè của ngư dân địa phương đã ổn định và phát triển.

Từ 15 hộ nuôi ban đầu, đến nay đã có 63 hộ tham gia, trong đó có 5 hộ ngoài khu vực cũng tìm về đây học nghề và tổ chức nuôi. Những hộ đầu tư nuôi quy mô lớn thì mỗi năm kiếm lãi được 60 - 70 triệu đồng, hộ nuôi ít cũng lại được 20 - 30 triệu đồng/năm”.

Bà con ngư dân Hải Minh đang thả nuôi các giống cá bớp, cá hồng, cá mú và cá chẽm. Đây là những loại cá có giá trị kinh tế cao, phù hợp với môi trường nước tại đây. Sau khi nắm bắt được kỹ thuật nuôi, ngư dân Hải Minh đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô SX. Riêng 5 hộ ngoài địa phương tìm đến Hải Minh học nghề và tổ chức nuôi đang SX quy mô lớn với mức đầu tư 300 triệu đồng/hộ.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.