| Hotline: 0983.970.780

Dạy nghề trồng rau

Thứ Ba 23/04/2013 , 10:56 (GMT+7)

Cuộc sống ở đây thay đổi nhờ mô hình trồng rau hữu cơ cho thu nhập 200 - 400 triệu đồng/sào/năm.

Từ một vùng quê chỉ quen trồng lúa và sống dựa vào rừng, được sự hỗ trợ của dự án ADDA (Đan Mạch) và Trường Cao đẳng NN-PTNT Bắc bộ, nông dân huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã thay đổi cuộc sống nhờ mô hình trồng rau hữu cơ cho thu nhập 200 - 400 triệu đồng/sào/năm.

“Nâng cấp” nông dân

NGND.TS Phạm Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ NN-PTNT Bắc bộ cho biết, từ cuối năm 2008, với sự hỗ trợ của dự án ADDA (Đan Mạch), nhà trường phối hợp với Hội Nông dân huyện Lương Sơn triển khai mô hình trồng rau hữu cơ trên địa bàn huyện. Từ năm 2008 - 2012, đã mở được hàng chục lớp, đào tạo nông dân SX rau sạch. Tham gia lớp tập huấn, nông dân không chỉ được học kiến thức trồng rau mà còn được học trồng chè, bưởi, nhãn.


Xã viên HTX Nông sản hữu cơ Lương Sơn chăm sóc thu hoạch rau.

Theo thầy Hải, ở nước ta SX nông sản kiểu tự cung tự cấp, quy mô nhỏ vẫn phổ biến, ít đem lại lợi nhuận về kinh tế cũng như nâng cao thu nhập. Thông qua các lớp học tại Trường CĐ NN-PTNT Bắc bộ, nông dân được chuyển giao TBKT, biết cách kiểm soát và xây dựng chất lượng nông sản. Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo từ 3 - 6 tháng, bà con có thể nắm rõ quy trình canh tác chuẩn, biết sử dụng sổ tay hướng dẫn, sổ tay ghi chép…

Thế mạnh của mô hình nông nghiệp hữu cơ là sản xuất không dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì thế dù giá bán cao hơn 30% so với thị trường nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận.

Từ thành công tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình), Trường CĐ NN-PTNT Bắc bộ tiếp tục kết hợp với nhiều địa phương khác hình thành nên các chuỗi tiêu thụ sản phẩm như: HTX thu mua chè Yên Lập (Phú Thọ); các tổ nhóm SX ngô, chăn nuôi lợn, gà, nhóm SX hữu cơ ở các tỉnh, TP: Hà Nội, Hoà Bình, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Những nhóm này đều SX hiệu quả, thu nhập bình quân tăng so với trước từ 50 - 60%. Cho đến nay đã hình thành và phát triển được 200 nhóm nông dân SX nông nghiệp. Việc xây dựng nhóm, tổ nông dân sau đào tạo nghề được coi là một trong những cách làm hiệu quả gắn đào tạo nghề và việc làm, tạo thu nhập.


Một buổi học lý thuyết về rau hữu cơ tại Trường CĐ NN-PTNT Bắc bộ.

Tự bỏ tiền đi học

Mô hình nông nghiệp hữu cơ tại Lương Sơn đang tạo động lực cho nhiều nông dân thoát nghèo, hướng đến SX hàng hóa để làm giàu. Anh Nguyễn Đức Xưởng, Chủ nhiệm HTX Nông sản hữu cơ Lương Sơn cho biết, năm 2008 anh tham gia lớp học 3 tháng về nông nghiệp hữu cơ tại Trường CĐ NN-PTNT Bắc bộ. Sau khi hoàn thành khóa học, anh trở về địa phương thành lập các tổ, nhóm và hướng dẫn người dân SX. Đến khi được Viện Chính sách, chiến lược & PTNNNT hỗ trợ thành lập, HTX đã kết nối được tất cả các tổ nhóm trong huyện, mô hình SX rau hữu cơ bắt đầu đi vào ổn định.

Thầy Cù Xuân Phương , Trưởng Trại thực nghiệm (Trường CĐ NN-PTNT Bắc bộ) chia sẻ với chúng tôi tín hiệu đáng mừng, giờ người nông dân đã bắt đầu thấy sự cần thiết của việc học tập và tiếp thu TBKT. Bằng chứng là sau mấy khóa đầu được dự án tài trợ miễn phí, giờ tất cả các học viên đăng ký theo học đều phải tự bỏ tiền túi song nhà trường vẫn phải mở lớp liên tục mới đáp ứng đủ nhu cầu của bà con.

Hiện, sản phẩm rau hữu cơ tại Lương Sơn đều được 2 Cty đầu mối là Tân Đạt và VinaGAP thu mua hàng ngày và được tiêu thụ trong các siêu thị lớn tại Hà Nội. Anh Xưởng chia sẻ, thu nhập từ trồng rau hữu cơ so với trồng lúa cao hơn 3 - 4 lần, giúp bà con người Mường tại Lương Sơn có nguồn thu nhập ổn định 3 - 4 triệu đồng/hộ/tháng.

Anh Xưởng khoe, nhiều gia đình tại Tân Thành, Trung Sơn (Lương Sơn) đã cải thiện được cuộc sống chỉ nhờ trồng rau ngót theo quy trình nông nghiệp hữu cơ. Với kỹ thuật trồng bằng hom, phương pháp trồng mau, cắt đốn, người trồng có thể thu hái rau quanh năm, thu nhập tới 200 - 300 triệu đồng/sào/năm. Rau ngót thường xuyên được thương lái thu mua, mang đi Hà Nội tiêu thụ.

“Một số gia đình ở Tân Vinh, Nhuận Trạch, Hợp Hòa, Cư Yên... lại giàu lên nhờ trồng lặc lày. Đây là đặc sản của vùng, cho giá trị kinh tế khá cao. Lặc lày dễ trồng, tiêu thụ thuận lợi. Hiện toàn huyện có khoảng 70 ha lặc lày, tập trung ở hai xã Cư Yên, Nhuận Trạch. Năm 2011, huyện chỉ đạo bà con chuyển đổi những diện tích cấy lúa không hiệu quả sang trồng lặc lày và một số cây trồng khác theo quy trình nông nghiệp hữu cơ”. Anh Xưởng phấn khởi cho biết.

Chính vì nhận thấy hiệu quả, nên giờ rất nhiều hộ nông dân tại Hòa Bình tự bỏ tiền túi để đi học nghề làm nông nghiệp hữu cơ thay vì ngồi chờ có dự án mới. Chúng tôi gặp anh Lê Văn Ý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Lập, huyện Lương Sơn khi anh đang tham gia khóa học về nông nghiệp hữu cơ kéo dài 6 tháng do Trường CĐ NN-PTNT Bắc bộ tổ chức. Cùng tham gia lớp học với anh Ý còn có hơn 20 học viên khác đến từ các xã trong huyện đều tự bỏ tiền ra đi học.

Anh Ý chia sẻ: “Sau khi thấy các xã khác trong huyện học nghề về hoạt động rất hiệu quả, mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho người dân tôi xin phép địa phương cho đi học để về phổ biến cho bà con rồi tiến hành thành lập các tổ trồng rau hữu cơ cung cấp cho các Cty ở Hà Nội. Sau thời gian theo học, giờ tôi đã nắm được quy trình, kỹ thuật SX rau hữu cơ, biết cách ghi chép nhật ký, cách thu hoạch bảo quản… Nói chung tôi thấy học không khó lắm, nhưng nếu không đi học thì sẽ không bao giờ làm đúng được”, anh Ý bộc bạch.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất