| Hotline: 0983.970.780

Dạy nuôi bò sữa chuyên nghiệp

Thứ Ba 08/11/2011 , 09:52 (GMT+7)

Kết quả đạt được rất khả quan khi số lượng đàn bò và chất lượng sữa không ngừng tăng lên theo từng tháng do bà con đã nắm được những kiến thức, kỹ thuật căn bản trong chăn nuôi.

Nhờ được học nghề chăn nuôi bò sữa người dân huyện Ba Vì đã chuyên nghiệp lên rất nhiều

Sau một năm phổ biến kiến thức cơ bản trong chăn nuôi bò sữa cho người dân khá thành công, năm 2012 Cty CP Sữa quốc tế - IDP kết hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội (TTGSLHN) tiếp tục mở khóa dạy nghề chăn nuôi bò sữa nâng cao với kỳ vọng xây dựng đội ngũ nông dân hiện đại trong tương lai.

Năm 2011, IDP đã mở được 14 lớp dạy nghề chăn nuôi bò sữa cho 600 hộ dân. Kết quả đạt được rất khả quan khi số lượng đàn bò và chất lượng sữa không ngừng tăng lên theo từng tháng do bà con đã nắm được những kiến thức, kỹ thuật căn bản trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, thực trạng chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ vài ba con trong khu dân cư tại miền Bắc còn chiếm tỷ lệ khá lớn, xét về lâu dài không bền vững nên IDP có chủ trương nâng số lượng bò sữa/hộ gia đình lên cao hơn bằng việc dạy kiến thức chuyên sâu về nuôi bò sữa cho người dân. Theo đó, người chăn nuôi được học cách phát hiện cũng như phòng các loại dịch bệnh thông thường trên bò, cách phối chọn giống, cách khai thác sữa khoa học, hiệu quả nhất và cả tư duy chăn nuôi lớn…

Theo anh Tạ Viết Hùng - PGĐ Trung tâm Hợp tác Phát triển bò và đồng cỏ quốc tế Ba Vì (IDP), năm 2012 IDP dự kiến mở trên 20 lớp (50 người/lớp) đào tạo nghề chăn nuôi bò sữa nâng cao theo từng địa phương, khóa khai giảng đầu tiên bắt đầu từ cuối năm 2011. “Hiện chúng tôi đã xây dựng xong giáo trình, giáo án và tổ chức phối hợp với TTGSL Hà Nội, Trạm Thú y Ba Vì, Trại bò giống Moncada sẵn sàng cho đề án dạy nghề mới. Sở dĩ chúng tôi muốn nâng cao trình độ người chăn nuôi vì hiện có khoảng 3.000 hộ nuôi bò sữa, song số hộ nuôi từ 5 con bò trở lên chiếm chưa đến 50%. IDP đặt mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ trên phải đạt 100% thì thu nhập của bà con mới thực sự đảm bảo. Để chuẩn bị cho chiến lược dài hơi đó, trước tiên người chăn nuôi phải có kinh nghiệm, kiến thức vững trong tay họ mới dám mạnh dạn tăng đàn”, anh Hùng chia sẻ.

Đúng như nhận định của anh Hùng, chị Hoàng Thị Hồng, một hộ chăn nuôi bò sữa tại thôn Hát Giang, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì tâm sự, sau 3 năm khai thác 5 con bò sữa gia đình chị đã có chút vốn kha khá trong tay nên dự định mua thêm 5 con bò nữa về nuôi. Nhưng nhận thấy kinh nghiệm chưa chín nên vợ chồng chị còn chần chừ vì giá trị một con bò quá lớn, lên tới 40 triệu đồng nhỡ không may bò bị làm sao thì mất cả một đống gia tài. Chị Hồng khẳng định, nếu trình độ chăn nuôi cao hơn, chắc chắn chị sẽ đầu tư 200 triệu đồng tậu thêm 5 con bò về nuôi.

Còn hộ anh Phùng Tấn Địch ở thôn Đức Thịnh, xã Tản Lĩnh được TTGSL Hà Nội đầu tư 30% kinh phí xây dựng chuồng trại cao ráo, khang trang, sạch sẽ từ máng ăn đến sân chơi, nay IDP có chủ trương hỗ trợ 50% vốn mua bò không tính lãi suất mà chuồng vẫn còn trống ô nên anh mạnh dạn mua thêm 5 con bò nâng tổng số đàn bò nhà anh lên 10 con.

Hiện tại, mỗi ngày gia đình anh Địch thu 100 kg sữa nhân với giá 11.600 đồng/kg, như vậy mức thu hàng tháng của gia đình anh Địch không dưới 30 triệu đồng. Anh Địch khoe: “Sau khi kết thúc khóa học nghề sắp tới tôi bàn với vợ mua thêm 5 con bò nữa về nuôi cho bõ công, đằng nào cũng mất hai người chăm nom với lại chuồng trại còn rộng rãi. Nuôi bò tuy bận rộn nhưng được cái thu nhập cao, so với cấy lúa trồng khoai thì gấp cả trăm lần”.

Sau một năm triển khai đề án phát triển chăn nuôi lớn tập trung ngoài khu dân cư, Giám đốc TTGSL Hà Nội Tạ Văn Tường phấn khởi cho biết kết quả đạt được ngoài sự mong đợi khi số lượng đàn bò và sản lượng sữa tăng chóng mặt. Nhằm khuyến khích người dân chăn nuôi theo quy mô lớn, hiện TTGSL Hà Nội đang kết hợp với IDP dạy nghề và chuyển giao công nghệ chống nóng chuồng bò cho người chăn nuôi.

Thực tế, hầu hết chuồng trại của bà con trước đây là cải tạo từ chuồng lợn, chuồng gà nên không đảm bảo vệ sinh, kỹ thuật, mà đây là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định đến sản lượng sữa của con bò. Do đó, trong những năm qua TTGSL Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí và chuyển giao kỹ thuật giúp 300 hộ trên tổng số 3.000 hộ nuôi bò sữa có chuồng nuôi đạt chuẩn với đầy đủ máng ăn uống, mái chống nóng, sân chơi, hầm biogas... Với đà này, chẳng bao lâu nữa người nuôi bò sữa tại Ba Vì và các vùng lân cận sẽ trở thành những nông dân triệu phú, hiện đại.

Xem thêm
Tôm hùm bông chết tại Vạn Ninh, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường quản lý

Cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tìm tác nhân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết ở Khánh Hòa.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.