| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Làm gì khi lũ nhỏ?

Thứ Hai 06/09/2010 , 10:08 (GMT+7)

Mọi năm đến thời điểm này lũ đã tràn đồng. Năm nay nhiều nơi đồng còn cạn. Theo cơ quan chuyên môn thì cơ hội lũ về là rất thấp. Nông dân vùng lũ ĐBSCL làm gì khi lũ không về? Phóng viên NNVN đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Trung tâm KNKN một số tỉnh vùng lũ ĐBSCL xoay quanh vấn đề này.

Ông Huỳnh Hiệp Thành, GĐ TTKN An Giang: Lũ nhỏ thất thu từ 1.500-1.600 tỷ đồng

An Giang thuận lợi là nằm giáp với vùng đầu nguồn biên giới Campuchia, hàng năm lũ về mang lại lượng phù sa dồi dào cho vùng đất sản xuất nông nghiệp và nguồn lợi thủy sản phong phú. Theo thông lệ nước lũ thường xuất hiện từ giữa tháng 7 âm lịch, nhưng năm nay lũ chưa về và dự báo nhỏ hơn trong vòng 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân lũ nhỏ có thể là do trên dòng sông Mekong bị ngăn chặn nhiều đập để làm thủy điện và một phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Lũ nhỏ sẽ gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL do đồng ruộng không được làm sạch, rửa trôi rơm rạ, thiếu phù sa. Vì vậy, vụ lúa ĐX tới nông dân làm lúa sẽ phải tốn kém thêm một lượng phân bón đáng kể.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, trung bình mỗi năm An Giang thu được khoảng 1.500-1.600 tỷ đồng từ việc khai thác lợi thế do mùa nước nổi đem lại. Lũ nhỏ sẽ mất đi nguồn thu đáng kể này. Nguồn lợi mùa nước nổi đem lại lớn như vậy nên tỉnh An Giang đã có cả Đề án sản xuất trong mùa lũ, làm giàu và sống chung với lũ. Như vậy, năm nay lũ nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con nông dân, không phải chỉ những người sống bằng nghề đánh bắt tôm cá. Trước tình thế như hiện nay, tỉnh đã triển khai và đưa ra nhiều mô hình trồng trọt, nuôi trồng thủy sản thích hợp, cũng như tạo công ăn việc làm cho nông dân trong vùng lũ tùy theo đặc thù của từng nơi.

Ông Nguyễn Văn Sơn, GĐ Trung tâm KNKN Hậu Giang: Không phải thu hoạch mía non chạy lũ

Mùa nước nổi từ lâu được coi là mùa làm ăn của nông dân, nhất là những nông dân nghèo, ít đất sản xuất. Vì khi mùa nước về tràn đồng các loại thủy sản có điều kiện sinh sôi, phát triển, nông dân làm nghề câu lưới có nguồn thu nhập. Các nghề đóng xuồng, làm câu lưới cũng có điều kiện phát triển theo. Tuy nhiên, lũ về quá lớn sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của nông dân. Còn đối với những năm lũ vừa phải, thường gọi là lũ đẹp nông dân rất phấn khởi vì họ làm ăn được. Thông thường, chương trình khuyến nông của Hậu Giang vào mùa lũ những năm qua vẫn tập trung cho cây lúa và cá nước ngọt là chính. Vì mùa lũ cũng là thời điểm trùng với vụ lúa thu đông ở ĐBSCL.

Hậu Giang là tỉnh có diện tích lúa thu đông tương đối lớn, dự kiến năm nay khoảng 50.000ha, lũ nhỏ sẽ giúp nông dân yên tâm hơn do không lo lúa bị ngập lũ. Nông dân trồng mía cũng được hưởng lợi vì không phải thu hoạch mía non chạy lũ, giảm được thiệt hại. Ngoài ra, đối với những vùng trũng, nông dân còn tận dụng nguồn nước lũ để đầu tư nuôi cá nước ngọt trên ruộng rất có hiệu quả. Cá nuôi trong môi trường tự nhiên, chi phí thấp, chất lượng thịt ngon nên lợi nhuận khá cao. Lũ nhỏ sẽ giúp cho những vùng chuyên canh rau màu, trồng nấm rơm có điều kiện phát triển. Vì thông thường vào mùa lũ giá nhiều loại rau màu rất cao, do nguồn cung bị hạn chế.

Ông Hoàng Trung Kiên, GĐ Trung tâm KNKN Kiên Giang: Tận dụng rơm rạ trồng nấm

Những năm qua, Trung tâm đã triển khai nhiều mô hình trong mùa lũ giúp nông dân có thêm thu nhập như: nuôi tôm càng xanh, nuôi cá nước ngọt, làm lúa chét. Tuy nhiên, do Kiên Giang là tỉnh cuối nguồn, lũ thường về trễ nên thời gian ngập lũ không được kéo dài, chất lượng nước không tốt nên nuôi cá kết quả đạt được không cao. Năm nay, lũ nhỏ nước tràn đồng càng trễ và ít, do đó nuôi cá không hiệu quả. Lũ nhỏ có thể làm lúa chét, tuy nhiên mô hình này không được khuyến khích vì phải để cho đồng ruộng nghỉ ngơi cắt đứt nguồn bệnh lây lan đến vụ sau. Thay vào đó, nông dân có thể tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có để trồng nấm rơm, trồng rau màu trên các bờ đê. Đây là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao mà đất ruộng cũng có thời gian ngơi nghỉ.

Ông Phan Văn Khổng, GĐ Trung tâm KNKN Bến Tre: Phát triển rau màu hợp lí trên nền đất lúa

Bến Tre là tỉnh cuối nguồn sông Cửu Long, lũ nhỏ ngoài thiệt hại về nguồn lợi thuỷ sản, phù sa, còn thiếu nước tháo chua, rửa mặn, khiến địa bàn ven biển phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn nước ngọt. Nước mặn sẽ xâm nhập sớm, sâu, nhiều và lâu hơn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ cho sản xuất mà còn liên quan chặt chẽ đến xã hội và môi trường. Vì vậy cần chú ý các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chúng tôi khuyến cáo bà con tăng cường nuôi trồng thuỷ sản, nhất là các loại phù hợp với điều kiện nước mặn và nước lợ. Đặc biệt, phát triển rau màu hợp lí trên nền đất lúa. Mở rộng diện tích làm muối. Bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Chuyển giao kĩ thuật thích hợp để các loại hình sản xuất thích ứng với môi trường, tăng sức đề kháng với các điều kiện bất thuận, tăng sức chống chịu với các dịch hại. Tăng cường tác động tổ chức sản xuất theo hướng liên kết hợp tác. Tăng cường quan trắc để kịp thời phát hiện các bất lợi nhằm cảnh báo về môi trường, nhất là trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản. Bà con nông dân cần ý thức và thực hiện các giải pháp trữ nước ngọt, ngăn nước mặn. Cần Thơ: Lũ nhỏ nên phát triển mô hình nuôi cá trong ruộng lúa.

Bà Nguyễn Thị Hồng Điểu, GĐ Trung tâm KNKN TP. Cần Thơ: Nuôi cá trong mùa lũ thu nhập bằng 1 vụ lúa

Đến thời điểm này lũ vẫn chưa về. Mùa lũ đến nhưng không có nước nông dân buồn vì mất đi nguồn thu nhập từ đánh bắt thủy sản trong tự nhiên. Trước tình hình lũ nhỏ như hiện nay, ngành nông nghiệp đã mở lớp tập huấn dạy nghề trồng nấm rơm, khuyến cáo nông dân tận dụng bờ cao trồng các loại rau màu. Những nơi nuôi được cá thì khuyến khích nuôi cá lóc trong vèo, nuôi ếch, nuôi lươn. Hiện nay, ở huyện Cờ Đỏ và Thới Lai đang đẩy mạnh phong trào nuôi cá kết hợp trong ruộng lúa được trên 600 ha. Mô hình này được bà con nông dân hăng hái đăng ký tham gia. Vì chỉ cần sau 2-3 tháng nuôi có thể thu hoạch được cá. Ngoài ra, nuôi cá trong ruộng còn để lại lượng phân cá thay thế lượng phù sa của lũ giúp vụ lúa ĐX giảm được lượng phân bón đáng kể. Ở huyện Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt thì phát triển mô hình nuôi lươn, cá lóc, ếch, trồng rau nhút và trồng nấm rơm. Đây là những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế hộ gia đình rất cao, có thể thu nhập bằng sản xuất 1 vụ lúa.

Ông Nguyễn Thành Hưởng, GĐ Trung tâm KNKN Đồng Tháp: Mọi năm chống úng năm nay phải bơm nước vào

Năm nay dấu hiệu mùa lũ khác lạ hơn mọi năm. Mọi năm phải chống úng thì năm nay có một số huyện làm lúa vụ 3 lại thiếu nước phải dùng máy bơm nước vào đồng ruộng. Trước tình hình thời tiết hiện nay, ngành nông nghiệp đang tính đến chuyện giúp bà con vùng rốn lũ đưa ra những mô hình mới phù hợp. Mùa lũ năm nay ngành nông nghiệp khuyến khích bà con nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, nuôi cá chình, trồng cây điên điển, trồng ấu…Vì đây là những mô hình mới vận dụng cả mùa khô và mùa lũ cũng thích hợp. Chỉ riêng ở huyện Tam Nông đã có trên 800 ha đang thực hiện nuôi thả tôm càng xanh trong ruộng lúa trong mùa lũ năm nay. Còn đối với các hộ sống ở các cụm tuyến dân cư vượt lũ cũng được Trung tâm KNKN tỉnh kết hợp với Sở LĐTB–XH đào tạo nghề gắn liền trong mùa lũ như gia công đan lục bình làm mỹ nghệ, đan lát...

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất