| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Nhiễu giá lúa gạo, do đâu?

Thứ Tư 08/09/2010 , 10:01 (GMT+7)

Thời gian gần đây, thông tin thị trường lúa gạo ở ĐBSCL luôn bị nhiễu loạn. Giá lúc tăng, lúc giảm, biến động khó lường. Nông dân bất an, lo lắng. Vậy giá lúa gạo nhiễu do đâu? Câu hỏi này NNVN đã nhận được trả lời ở những góc độ khác nhau.

Thời gian gần đây, thông tin thị trường lúa gạo ở ĐBSCL luôn bị nhiễu loạn. Giá lúc tăng, lúc giảm, biến động khó lường. Nông dân bất an, lo lắng. Vậy giá lúa gạo nhiễu do đâu? Câu hỏi này NNVN đã nhận được trả lời ở những góc độ khác nhau.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Tăng ảo do lời rao, tin đồn

Vừa kết thúc kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 thì đã có nhóm nông dân tới Viện Lúa chuyện trò, báo cho các nhà khoa học của Viện hay tin giá lúa đã lên cao, có nơi tới 5.500 - 6.500đ/kg. Như thế lời khuyên của những người làm khoa học như thế nào, nông dân có nên giữ lúa hay bán lúa vào lúc này. Thật khó. Thế nhưng thông tin này được kiểm chứng chưa? Ai báo giá và giá lúa cao thế có ai mua không hay chỉ là giá ảo? Thật ra giá lúa gạo lên xuống trong vùng như vừa qua là một tồn tại lâu nay. Phần nhiều nông dân khi thu hoạch vì thiếu kho trữ mà muốn bán lúa ngay lại gặp lúc giá giảm. Nếu hỏi các DN kinh doanh lúa gạo hay Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thường họ không nói giá trước, giá lúa gạo lên xuống là do thị trường và khi nào DN mua thì mới ra giá. Nhưng lúc mua cũng có tới 2-3 giá, giá DN mua qua thương lái, rồi giá thương lái mua của nông dân.

Giá lúa gạo tùy thuộc vào yếu tố cung cầu. Hàng nhiều nhưng ít người mua thì giá giảm, ngược lại thì giá tăng lên. Nhưng cũng có khi giá lúa gạo tăng “ảo” là do lời rao, tin đồn mà thực chất không có người mua. Như vừa qua, có dân hàng xáo nói rằng đang mua êm ấm lúa 4.500đ/kg thì một vài nông dân kháo nghe đâu giá lúa lên 5.500đ/kg nên trong xóm không ai muốn bán. Tâm lý nông dân hễ nghe giá lên thì giữ lại. Do đó, để tránh tình trạng mua bán trôi nổi, người mua người bán không gặp nhau, giá cả lên xuống theo giờ, chúng ta cần sớm thực hiện liên kết vùng, đề ra phương hướng, cách thức để các DN vào cuộc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua; đồng thời có sự chỉ đạo, quản lí chặt chẽ của Nhà nước.

Ông Lê Văn Tâm, PTGĐ Cty CP Lương thực Hậu Giang: DN không nắm được nguồn lúa

Khoảng gần một tháng nay, giá lúa gạo ở ĐBSCL liên tục tăng, nguyên nhân chủ yếu là do giá thế giới tăng. Giá lúa khô đã lên từ 5.400 - 5.500 đồng/kg. So với nửa tháng nay thì giá lúa vẫn tăng đều. Giá lúa tăng nên Cty cũng chỉ mua được với số lượng 100-200 tấn/ngày. Trong khi trước đó bình thường mỗi ngày Cty mua được 400 tấn.

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung ít. Là DN chúng tôi không kiểm tra được nguồn lúa trong dân. Trong dân bây giờ còn hay hết lúa ai mà biết được. Giá lúa biến động có phần do thông tin từ báo đài đưa tin thiên tai ở nơi này nơi khác thiếu lương thực. Còn hàng xáo có tác động gì không? Câu hỏi này lớn chúng tôi nắm không nổi. Mình nói không khéo cũng kẹt. 

Nông dân Nguyễn Văn Bé, xã Khánh An, huyện An Phú - An Giang: Bán lúa cũng...hên xui

Tôi làm hơn 3 ha lúa, thông thường thu hoạch xong được giá hay không cũng phải bán đi một ít để trang trải chi phí VTNN. Ở vùng tôi hầu hết bà con bán lúa trực tiếp cho hàng xáo. Bán theo kiểu nhìn từ giá sàn trên thị trường trong ngày rồi hai bên thỏa thuận với nhau được thì bán. Chúng tôi cũng thường xem hàng xóm bán giá nào thì bán theo giá đó. Có khi buổi sáng bán được giá cao thì buổi chiều giá đã giảm. Nếu bán số lượng nhiều mất vài chục triệu như chơi.

Nói hàng xáo ém giá lúa tội nghiệp cho họ. Chúng tôi cần bán, họ cần mua. Thú thật bán lúa hiện nay cũng...hên xui.  Có người ở xóm tôi 3 vụ liền bán đều không được giá dù cập nhật tin tức thường xuyên. Có người rất “ầu ơ” nhưng lại may mắn luôn bán được giá cao. 

Ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh An Giang: Do cung cầu chênh lệch quá cao

Gần đây vấn đề nhiễu thông tin lúa gạo là khá phổ biến. Nguyên nhân do thị trường cung cầu chênh lệch quá cao. Thời gian qua lại xuất hiện thông tin lượng lúa gạo xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch mà đã là tiểu ngạch thì ai biết bao nhiêu, cứ ang áng. Chính vì lẽ đó làm sốt giá lúa gạo ảo. Nhiều nông dân ngậm ngùi khi phải bán lúa với giá rẻ. Khi giá lúa gạo lên cao vượt trên 5.000 đồng/kg phần đông nông dân không còn lúa để bán. Vấn đề rất cần thiết hiện nay là  Bộ Công thương phải vào cuộc can thiệp, trong đó cần điều tra cụ thể sản lượng lúa gạo của cả nước rồi công bố rộng rãi. Không để xảy ra tình trạng đồn đoán ẩu làm nhiễu thông tin thị trường.

Trên phạm vi một địa phương, An Giang đang làm tốt vấn đề điều tra sản lượng lúa gạo XK hàng năm trong tỉnh. Đồng thời cũng biết sản lượng lúa từ nước bạn Campuchia mỗi năm xuất qua đường tiểu ngạch bao nhiêu để cân đối, giảm tối thiểu chuyện đoán già đoán non. An Giang cũng đẩy mạnh truyền thông trên báo đài và Internet về giá lúa gạo hằng ngày. Khi nông dân sở hữu thông tin chính xác thì rất khó có thể ép giá được họ.

Ông Lý Khoa, hàng xáo chuyên kinh doanh lúa gạo ở huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng: Hàng xáo không thể quyết được giá lúa

Hàng xáo đều phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Hàng xáo không thể quyết định được giá lúa. Trong cuộc đời kinh doanh lúa gạo của tôi, đối tượng tác động mạnh và có đủ lực làm biến động giá lúa, gạo là các DNXK. Mỗi khi các DN này ký được hợp đồng xuất gạo thì ngay lập tức giá tăng. Giá giảm là khi họ đã mua đủ số lượng. Làm nghề hàng xáo hồi hộp lắm. Nay đi mua lúa giá này nhưng mai xay gạo bán giá khác- có thể giảm và cũng có thể tăng. Chuyện lỗ vì mua lúa giá cao về xay gạo bán giá thấp là thường.

Giá lúa, gạo thời gian gần đây liên tục bị nhiễu có lẽ phần nào ảnh hưởng từ các DNXK gạo. Thực tế từ nhiều năm nay, thị trường lúa gạo nội địa phụ thuộc vào tình hình XK.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.