| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL xuống giống chậm

Thứ Sáu 29/11/2013 , 12:33 (GMT+7)

Do nước lũ năm nay khá lớn, cộng với những cơn mưa lớn trút xuống khiến việc bơm rút nước để gieo sạ lúa ĐX gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ so với khung thời vụ.

Do nước lũ năm nay khá lớn, cộng với những cơn mưa lớn trút xuống khiến việc bơm rút nước để gieo sạ lúa ĐX gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ so với khung thời vụ, dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới và mặn xâm nhập cuối vụ.

Chi phí bơm rút nước tăng cao

Vụ lúa ĐX 2013-2014, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch xuống giống 301.000 ha. Theo lịch thời vụ, nông dân sẽ gieo sạ tập trung thành 3 đợt chính. Đợt 1 từ 25/10 - 15/11, xuống giống ở các địa phương ven biển ảnh hưởng mặn cuối vụ và khu vực được quy hoạch làm lúa 3 vụ/năm.

Đợt 2 từ 10 - 30/11 gieo sạ tập trung ở các huyện SX lúa 2 vụ/năm (ĐX và HT). Đợt 3 từ 5 - 25/12, xuống giống ở các địa phương còn lại. Trong trường hợp thời tiết bất lợi thì chậm nhất cũng phải kết thúc trước ngày 30/12.

Tuy nhiên, đến thời điểm này toàn tỉnh mới xuống giống được 65.475 ha, đạt chưa tới 22% so với kế hoạch và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ gieo sạ của các huyện có diện tích lớn  còn rất thấp như Hòn Đất 8.471/81.355 ha, Giồng Riềng 3.208/43.965 ha, Tân Hiệp 6.087/36.655 ha…


Nông dân huyện Thới Lai, TP Cần Thơ vệ sinh đồng ruộng để xuống giống

Tại Hậu Giang, tình hình xuống giống lúa ĐX cũng khá chậm. Mặc dù lịch thời vụ xuống giống đợt 1 từ 9 - 15/11 nhưng đến hạ tuần tháng 11 toàn tỉnh mới sạ được khoảng 3.000 ha, trong tổng diện tích dự kiến là 79.000 ha.

Ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, khuyến cáo: “Để đảm bảo lịch thời vụ nên cùng nhau gia cố lại bờ bao, chủ động bơm tát để làm đất, gieo sạ lúa ĐX sớm, không chờ đến khi nước rút hết mới xuống giống. Vì theo dự báo, mùa mưa năm nay ở Nam bộ có thể kết thúc sớm, nguy cơ xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt vào cuối vụ là rất cao”.

Ở những nơi có đê bao khép kín, nông dân phải chủ động liên kết để thuê mướn máy bơm tát với giá trọn gói từ 100.000 - 150.000 đồng/công, tùy mực nước nội đồng cao hay thấp. Còn ở những khu vực thấp trũng hoặc bơm tát riêng lẻ từng hộ, chi phí lên đến 200.000 đồng/công.

Ông Trần Văn Tiên, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy cho biết: “Gia đình tui có 6 ha ruộng, mọi năm thời điểm này lúa đã xanh đồng. Thế nhưng năm nay vẫn chưa bơm rút nước xong, vì chưa kịp cạn thì lại gặp trời mưa lớn.

Mấy ngày nay, chiều nào trời cũng âm u, ngán nhất là khi vừa gieo sạ xong mà mưa lớn trút xuống, ít cũng tốn thêm vài giạ lúa giống để sạ dặm, còn nặng là mất trắng. Thế nhưng cũng phải kêu thêm máy bơm rút nước cho nhanh, làm liều sạ đại vì đã quá lịch”.

Tập trung đợt 2, 3

Nhiều địa phương bị trễ không thể xuống giống trong đợt 1 nên đang tập trung cho đợt 2, 3. Tại các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) mực nước lũ còn nhiều trên đồng nhưng nông dân đã chuẩn bị giống, phân, thuốc BVTV, vệ sinh đồng ruộng.

Ông Lê Văn Lai, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Vụ lúa ĐX năm nay gia đình làm 3 ha, sẽ xuống giống đợt 2 theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp vì vùng đất ở đây trũng hơn các vùng khác. Tuy nhiên, tôi đã vệ sinh đồng ruộng sớm, thu gom, xử lý tốt các nguồn rơm rạ trên đồng, cố gắng không để trễ hơn nữa”.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, vụ lúa ĐX năm nay Cần Thơ xuống giống khoảng 87.800 ha và tuân thủ theo lịch xuống giống để né rầy. Đợt 1 từ ngày 6 - 12/11; đợt 2 từ 6 - 12/12. Hiện chỉ còn 1 đợt gieo sạ tập trung nữa là phải kết thúc, ngành đã chỉ đạo các địa phương tuân thủ tốt lịch thời vụ, không để chậm trễ.

Theo ông Quỳnh, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho ngành nông nghiệp trong vụ lúa ĐX năm nay là phải tổ chức tốt SX gắn với ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả, gia tăng giá trị trên cùng một diện tích và tăng thu nhập cho nông dân.

Ngoài việc tuân thủ lịch thời vụ còn phải áp dụng đồng bộ các TBKT vào SX, đẩy mạnh SX theo yêu cầu đặt hàng của các DN để đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Các địa phương cần chú trọng nhân rộng các mô hình CĐML, gắn kết giữa nông dân và DN để đảm bảo đầu ra ổn định. Đến nay, Cần Thơ đã có khoảng 30.000 ha được DN đăng ký tham gia xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu lúa gạo hàng hóa cho nông dân.

Tại An Giang, vụ lúa ĐX này sẽ xuống giống 234.000 ha; được chia ra thành 3 đợt. Đợt 1 từ ngày 1 - 7/11, đợt 2 từ 25/11 - 7/12 và đợt 3 từ 15 - 31/12. Nông dân đang tập trung cho đợt cao điểm vào cuối tháng 11 đầu tháng 12.

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng chi cục BVTV An Giang cho biết, đầu mùa vụ đã khuyến cáo nông dân chuẩn bị tốt khâu chọn giống, sử dụng giống lúa xác nhận để đảm bảo chất lượng giống sạch, độ nẩy mầm cao. Sạ các giống chủ lực như Jasmine 85, OM 2517, OM 4218, OM 5451 và OM 7347…

Theo ông An, vụ lúa ĐX cần chú ý đến bệnh cháy bìa lá, cần có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu và kịp thời. Bên cạnh đó không được dùng thuốc diệt cỏ 24D, sẽ dễ dẫn đến bệnh đạo ôn và bệnh VL-LXL, đồng thời sẽ làm giảm chất lượng hạt gạo XK.

Song song đó, áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, không sử dụng lãng phí lượng giống lúa gieo sạ, lượng giống sử dụng không quá 100 kg/ha. Áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như 1 phải 5 giảm, công nghệ sinh thái…

Tại Đồng Tháp, mực nước lũ cao cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ lúa ĐX đợt đầu. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, vận động nông dân chủ động bơm rút nước ra khỏi đồng ruộng, bảo vệ đê bao an toàn để xuống giống kịp thời vụ đối với những khu vực đầu nguồn nước đã bắt đầu rút như Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông… Công tác vệ sinh đồng ruộng một số nơi đã xong, chỉ chờ bơm rút là xuống giống.

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Xây dựng dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa

Ngày 22/4, Cục Trồng trọt phối hợp cùng IRRI tổ chức hội thảo tham vấn, đánh giá và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.