| Hotline: 0983.970.780

Đề án đào tạo nghề cho LĐNT: Kết nối được ý Đảng, lòng dân

Thứ Năm 08/07/2010 , 10:35 (GMT+7)

Trong 2 ngày 8-9/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở ra triển khai đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020...

Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề

Trong 2 ngày 8-9/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở ra triển khai đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề xung quanh việc triển khai đề án qua 6 tháng đầu năm và kế hoạch thời gian tới.

Ông có thể cho biết những kết quả đạt được trong 6 tháng triển khai Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ?

 Ngay sau khi đề án được phê duyệt, Chính phủ đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các Bộ, ngành, cơ quan TW và 63 tỉnh thành trên toàn quốc để quán triệt, triển khai thực hiện đề án do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì vào 3/2/2010. Tại Hội nghị trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu triển khai đề án “khẩn trương, đồng bộ, quyết tâm cao”, giao nhiệm vụ và tiến độ triển khai thực hiện đề án cho các Bộ, ngành, cơ quan và các tỉnh, thành trực thuộc TW.

 "Thái độ" tiếp nhận dự án của các địa phương như thế nào?

Cho đến nay, tôi có thể xác nhận rằng việc triển khai thực hiện đề án đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương đã thành lập BCĐ các cấp; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện năm 2010; Các tỉnh, thành phố đã và đang ban hành chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Thành ủy về triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức các cuộc họp cán bộ chủ chốt ở các cấp để thống nhất kĩ thuật triển khai; nhiều địa phương đã thực hiện xong điều tra, khảo sát nhu cầu LĐNT học nghề, nhu cầu sử dụng LĐ của các doanh nghiệp, cơ sở SXKD, dịch vụ trên địa bàn; năng lực đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý; đào tạo bồi dưỡng kĩ năng sư phạm cho giáo viên dạy nghề; xác định các mô hình dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp…; huy động hệ thống chính trị các cấp tham gia chỉ đạo và tổ chức thực hiện đề án…

 Việc đào tạo nghề cho LĐNT hiện nay không đơn giản vì người đông, địa bàn rộng và nhu cầu học nghề thì rất đa dạng. Khi tuyên truyền đề án này đến từng tỉnh, thành, ông có nắm được phản hồi của LĐNT không?

 Qua quá trình theo dõi và nhận được phản hồi của các địa phương cũng như các cơ quan liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt khi tiếp xúc với người nông dân ở các thôn, bản, xã chúng tôi nhận thấy cơ quan, người dân đều cho rằng, đây là một đề án kết nối được ý Đảng, lòng dân. Bởi để chính quyền các cấp thực hiện thành công được chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của mình thì nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và cấp bách là phải nâng cao được chất lượng LĐNT; người nông dân muốn việc làm của mình có năng suất và hiệu quả cao thì không có con đường nào khác, họ phải được trang bị kiến thức, kĩ năng và thái độ nghề nghiệp đúng đắn. Do đó, Quyết định 1956 của Chính phủ ra đời đáp ứng được nguyện vọng của nông dân cũng như chính quyền các cấp.

  Ông nhận thấy khó khăn lớn nhất đối với đề án này là gì?

Có thể nói, thuận lợi là cơ bản nhưng cũng có không ít khó khăn. Theo tôi, khó khăn lớn nhất là trang bị cho người dân “ba biết” của đề án đặt ra: biết được nhu cầu việc làm ở địa phương; biết được chính sách và nhiệm vụ của người học; biết được cơ hội việc làm.

Để giải quyết khó khăn trên thì đề án đã yêu cầu phải thực hiện 3 điều tra khảo sát trước khi tiến hành dạy nghề cho LĐNT, đó là: điều tra khảo sát gắn với tuyên truyền tư vấn để nắm bắt được nhu cầu học nghề của từng người dân phù hợp với năng lực và điều kiện của từng hộ gia đình; khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các DN, tổ chức dịch vụ trên địa bàn; khảo sát năng lực đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề.

 Theo ông, các DN, hiệp hội, làng nghề…đã vào cuộc để thực hiện đề án như thế nào?

 Đúng vậy! Đề án này không phải chỉ có Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan TW và địa phương…triển khai thực hiện mà còn có sự tham gia tích cực của các DN, hiệp hội, làng nghề…Bởi đây không chỉ là trách nhiệm mà gắn chặt với lợi ích trong việc phát triển bền vững của DN, hiệp hội, làng nghề. Vì thế, trong thời gian qua, các đơn vị này đã tham gia ở nhiều cấp độ khác nhau như TCty Thuốc lá VN tham gia dạy nghề cho nông dân khu chuyên canh, các TCty Cà phê VN, Tập đoàn Công nghiệp cao su VN…tham gia dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn về phát triển khu nguyên liệu, chế biến sản phẩm của ngành.

 Thế còn việc dự báo ngành nghề để đào tạo cho LĐNT, sắp tới đề án sẽ chú trọng vào những nhóm ngành, nghề nào?

 Hiện nay, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được giao nghiên cứu xây dựng các mô hình dạy nghề thủ công mỹ nghệ và các nghề truyền thống tại các làng nghề. Trong năm nay, chúng tôi sẽ chú trọng vào 3 nhóm: Nhóm mô hình dạy nghề, tổ chức việc làm gắn với phát triển làng nghề mới; Nhóm mô hình dạy nghề kết hợp với xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức việc làm và bao tiêu sản phẩm; Nhóm mô hình đào tạo nghề, tổ chức việc làm gắn với gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất