| Hotline: 0983.970.780

Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020: Tạo thay đổi trong cách dạy và học

Chủ Nhật 28/09/2014 , 10:07 (GMT+7)

Theo đánh giá của hiệu trưởng một số trường tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện chương trình thí điểm dạy tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia đã tạo chuyển biến tích cực.

Ví dụ như giáo viên năng động trong truyền đạt kiến thức, học sinh được tiếp cận với phương pháp và cách học mới, nhưng vẫn còn một số bất cập cần sự điều chỉnh từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tích hợp nhiều phương pháp giảng dạy

Từ năm 2011-2012, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm dạy tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020") từ tiểu học đến đại học.

Theo cách dạy ngoại ngữ truyền thống, chỉ sử dụng sách giáo khoa và dạy học trực tiếp trên lớp nhưng khi dạy tiếng Anh theo đề án, giáo viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để bài giảng thêm sinh động, thu hút được người học.

Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ vào việc học còn giúp người học tận dụng được thời gian rỗi khi ở nhà.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Vinh, Trưởng bộ môn tiếng Anh - Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ sau khi Đại học Quốc gia có chủ trương về đào tạo tiếng Anh theo đề án, các trường đại học thành viên đã soạn lại chương trình đào tạo, trong đó đẩy mạnh việc sử dụng trang thiết bị hiện đại và công nghệ thông tin.

Giáo viên có giáo án điện tử, sử dụng công nghệ để chiếu những bài hát, những hoạt cảnh bổ sung cho bài học; sử dụng phần mềm dạy và học tiếng Anh trực tiếp trên Internet để sau giờ học trên lớp, sinh viên có thể làm bài tập tại nhà mà vẫn được giáo viên sửa bài trực tiếp.

Khi không hiểu bài hoặc muốn hỏi thêm, sinh viên có thể hỏi trực tiếp qua mạng Internet bởi luôn có giáo viên trực; giáo viên và sinh viên có thể trao đổi thông tin bài học qua thư điện tử.

Để sinh viên có thể nâng cao kỹ năng nói và nghe, nhiều trường đã thành lập các Câu lạc bộ tiếng Anh với những hoạt động ngoại khóa như tổ chức các cuộc thi hùng biện, những buổi nói chuyện tiếng Anh theo chủ đề...

Nhờ tích hợp nhiều phương pháp dạy học trên, các trường thuộc Đại học Quốc gia không cần tăng thời gian học, không cần tách thành lớp nhỏ (mỗi lớp khoảng 15-20 người) mà sinh viên vẫn học tốt. Hơn thế nữa, bốn kỹ năng nghe-nói-đọc-viết của sinh viên được nâng lên rõ rệt.

Đối với học sinh ở tiểu học, việc học ngoại ngữ không đặt nặng về ngữ pháp mà chủ yếu là nghe và nói. Vì vậy, cách dạy ở bậc tiểu học phải giúp học sinh có thể ghi nhớ từ vựng bằng mắt, phát âm chuẩn khi nói.

Về vấn đề này, cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang, Trưởng bộ môn tiếng Anh, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4 (một trong những trường thí điểm dạy tiếng Anh theo Đề án), cho biết học từ vựng tiếng Anh thông qua hình ảnh giúp học sinh ghi nhớ lâu hơn và dễ hiểu hơn. Vì vậy, ngay từ năm đầu tiên học tiếng Anh theo Đề án, nhà trường đã sử dụng tranh, ảnh để dạy học.

Nhà trường còn đầu tư thiết bị máy móc cho các lớp học tiếng Anh như bảng tương tác, I-Learn (phần mềm I learn là chương trình học tiếng Anh tương tác trực tuyến) hay phần mềm Dainet (học trên máy tính) để học sinh luyện kỹ năng nghe. Nhà trường còn mời giáo viên bản xứ về dạy học nhằm giúp học sinh có thể phát âm chuẩn tiếng Anh.

Giáo viên có cơ hội nâng cao trình độ

Quy định của Đề án, giáo viên các cấp tham gia giảng dạy phải đạt trình độ năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu chung châu Âu. Chẳng hạn, đối với giáo viên dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở phải đạt trình độ B2, còn giáo viên trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên phải đạt chuẩn C1... Từ quy định này, giáo viên có động lực để tự nâng cao, trau dồi kiến thức.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Vinh cho biết thêm ngoài đối tượng được thụ hưởng chính là học sinh, sinh viên (được học miễn phí, tiếp cận với phương pháp giảng dạy hiện đại), Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 còn giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn qua việc tham gia những khóa đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ danh tiếng. Giáo viên còn được miễn phí thi lần đầu để đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu.

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ tham dự những kỳ khảo thí, bộ phận giảng dạy hiểu rõ công việc mình làm, giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn phải biết chủ động làm mới kiến thức cũng như nâng cao trình độ chuyên môn của mình.

Năm qua, 20 giáo viên của thành phố đã được đi học nâng cao chuyên môn ngắn hạn ở New Zealand theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để tạo điều cho các giáo viên có thời gian học, bồi dưỡng kiến thức, ngoài việc đăng ký học tại các trung tâm, Sở còn cho phép giáo viên có thể đăng ký học trực tuyến trên Internet.

Đầu khóa học, giáo viên được học 40 tiết tại các trung tâm, sau đó được cấp mật khẩu để học trên Internet. Như vậy, các thầy cô vừa tiết kiệm được thời gian học vừa có thể đi học bồi dưỡng mà không ảnh hưởng đến công việc. Hơn thế, Sở cũng quản lý được việc học của giáo viên.

Vietnam+

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.