| Hotline: 0983.970.780

Đê biển cầu cứu

Thứ Ba 12/08/2014 , 09:39 (GMT+7)

Tình hình sạt lở ven biển tỉnh Cà Mau hiện đang ở mức báo động, hàng năm có hàng ngàn ha rừng phòng hộ bị “ngốn” mất. 

Có những đoạn sạt lở đã mất hết rừng và nguy cơ phá vỡ đê biển ảnh hưởng đến người dân.

Sạt lở ven biển

Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, tình trạng sạt lở phức tạp hiện nay diễn ra ở cả biển Đông và biển Tây. Mặc dù trước đây, ven biển Tây chỉ bồi tụ, không có sạt lở. Tình hình sạt lở bờ biển xảy ra từ năm 2007 đến nay, bình quân từ 15m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm. Theo thống kê đã có khoảng 3.810 ha rừng phòng hộ biển Tây đã bị mất.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Tình hình sạt lở đang diễn ra trên diện rộng, chiếm 80% tổng chiều dài bờ biển. Cà Mau có chiều dài bờ biển 254km, trong đó bờ biển Đông 100km, bờ biển Tây 154km.

Thời điểm sạt lở diễn ra nghiêm trọng nhất là vào mùa mưa bão, từ khoảng tháng 6 đến cuối năm. Thời gian này sóng dữ đêm ngày gầm rú, rừng phòng hộ cứ thế bị đánh mất dần.

Hiện có 4 đoạn sạt lở được liệt vào diện khẩn cấp, tổng chiều dài 16,975 km (xã Khánh Tiến, huyện U Minh; xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời và xã Tân Hải, huyện Phú Tân với chiều dài 8,26 km thuộc bờ biển Tây; xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển; xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, chiều dài 8,715 km thuộc bờ biển Đông).

Trước sự tàn phá của biển cả, hàng ngàn hộ dân sống ven đê biển Tây luôn trong tình trạng mất ăn mất ngủ. Ông Trần Văn Bảy, một hộ dân sống gần đê biển đoạn vàm Rạch Dinh (xã Khánh Tiến, huyện U Minh), cho biết: “Trước đây vài năm rừng ngập mặn phòng hộ tại đây kéo dài ra biển tới mấy trăm mét, nhưng dạo này cứ lở hoài. Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, hiện nay đã vào tới chân đê rồi. Tui không biết sao đoạn trên, đoạn dưới làm kè cố định rất hiệu quả, còn đoạn vàm Rạch Dinh này còn hơn km chưa thấy đâu hết”.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau:  “Vừa qua tỉnh đã báo cáo kiến nghị Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT đệ trình Chính phủ bổ sung và ghi vốn cho các dự án kè Đất Mũi, kè Tân Thuận, kè khắc phục sạt lở từ Hương Mai đến Tiểu Dừa. Nhưng do tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng và quá cấp bách hiện nay, tha thiết xin Trung ương quan tâm, hỗ trợ vốn cho tỉnh Cà Mau để thực hiện các dự án khắc phục sạt lở ở những đoạn cấp thiết trước mắt”.

Tôi nhìn ra hướng tây, thoáng trông đã thấy hãi hùng trước sự tàn phá của thiên nhiên. Quay lại nhìn ông Bảy, thấy một nỗi buồn lo hiện rõ. Nhà ông gần ngay chân đê, không biết chừng mấy năm nữa nhà mình cũng sẽ bị cuốn trôi như những cây mắm, cây đước ở ngoài rừng ngập mặn kia.

Giải pháp có, vốn không

Trước tình trạng biển xâm thực mất rừng ngày càng nhiều, ngành chức năng tỉnh Cà Mau bằng nhiều giải pháp và nguồn vốn khác nhau, đã nỗ lực xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu, với chiều dài 17.215m, tổng mức đầu tư 511 tỷ đồng (đã tạm ứng 324 tỷ đồng).

Đầu tiên, để khắc chế những cơn sóng to áp bờ, ngành chức năng tỉnh Cà Mau dùng những cây cừ tràm cắm xuống biển tại những nơi không còn rừng phòng hộ như vàm Rạch Dinh. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, cừ tràm bị sóng xô ngã.

 Kế tiếp hàng loạt các giải pháp được đưa ra như xây dựng kè rọ đá, kè bản nhựa và nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Những năm gần đây, dựa trên kinh nghiệm từ các loại kè không mang lại hiệu quả đã xây dựng, kè ngầm tạo bãi được ra đời. Đây là loại kè vừa mang lại hiệu quả, vừa giảm chi phí nhiều lần so với các loại kè kiên cố khác (chi phí khoảng 30 tỷ đồng/km) được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao.

Ông Lâm Minh Thời, Trưởng ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết: “Loại kè này được đánh giá cao vì phương pháp xây dựng hết sức đơn giản. Người ta dùng cừ ly tâm đóng sâu xuống đất ngoài biển thành hai hàng song song, xen kẽ cách nhau khoảng 2 m, tiến hành đổ đà phía trên, bỏ đá vào hộc bên trong để giảm lực sóng biển.

Đặc biệt, loại kè này còn giúp tạo bãi bồi từ lượng phù sa theo các cơn sóng biển đưa vào. Khi đã có bãi bồi, các loại cây sẽ tái tạo tự nhiên hoặc nhân tạo góp phần mở rộng rừng phòng hộ bảo vệ đê biển”.

Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết, tỉnh đã triển khai làm 8.228m kè ngầm tạo bãi khẩn cấp ở những nơi trọng yếu nhất. Tuy nhiên, việc xây dựng kè tạo bãi khắc phục sạt lở bảo vệ hệ thống đê biển đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của tỉnh nên chưa đáp ứng được hết tình hình thực tế.

Đặc biệt, đoạn sạt lở xã Khánh Tiến rất nguy hiểm (đoạn sạt lở thuộc bờ biển Tây từ Lung Ranh – Hương Mai), thường trực mối nguy vỡ đê. Người dân sống gần khu vực này rất bức xúc. Đoạn sạt lở Lung Ranh – Hương Mai đã được đầu tư làm 5.500 m kè ngầm tạo bãi, hiện còn một đoạn 1.200m ngang vàm Rạch Dinh, cần khoảng 40 tỷ đồng nhưng không có vốn đầu tư. Để bảo vệ đê, bộ phận quản lý đang phải ra sức thực hiện giải pháp tạm thời (kè rọ đá).

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.