| Hotline: 0983.970.780

Đê biển Vũng Tàu - Gò Công: Cần nghiên cứu kỹ tác động môi trường

Thứ Sáu 06/10/2017 , 08:01 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, GS.TS Nguyễn Ân Niên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho rằng:

Bên cạnh nhiều ý kiến đánh giá cao giá trị chống ngập cho TP.HCM, ngăn triều, giảm xâm nhập mặn và trữ ngọt, một số ý kiến cũng cho rằng, ý tưởng về đê biển Vũng Tàu – Gò Công cần được nghiên cứu, hoàn thiện thêm việc đánh giá tác động tới môi trường, nhất là rừng ngập mặn Cần Giờ.

16-07-27_dsc08131
GS.TS Nguyễn Ân Niên

Trao đổi với NNVN, GS.TS Nguyễn Ân Niên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho rằng: Ý tưởng xây dựng đê biển Vũng Tàu – Gò Công có 3 cái được lớn nhất là ngăn triều, giảm xâm nhập mặn và trữ ngọt, tuy nhiên bên cạnh đó sẽ có những vấn đề ảnh hưởng bất lợi, cần phải tiếp tục nghiên cứu đánh giá kỹ.

TP.HCM vừa ký hợp đồng thuê “máy bơm siêu khủng” ở đường Nguyễn Hữu Cảnh để chống ngập. GS có bình luận gì về việc này?

Dùng bơm để chống úng nước mưa thì không có gì mới, cái mới ở chỗ trạm bơm này có cơ cấu vớt rác tự động nên bơm đủ công suất liên tục. Tuy nhiên cũng cần nói rõ hơn, bơm chỉ là tình thế, chỉ giải quyết được trong phạm vi nhỏ hội tụ một số điều kiện nhất định nên không thể đại trà. Cả thành phố nếu làm thêm thì cũng chỉ được ba bốn chỗ có được hiệu quả như đường Nguyễn Hữu Cảnh mà thôi.

Vậy giải pháp nào có thể chống úng ngập cho TP.HCM trên diện rộng thưa ông?

Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Việc chống ngập cho TP.HCM đã được các nhà khoa học và nhà nước quan tâm từ lâu, trước hết phải kể đến quy hoạch do các chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 752/QĐ-TTg năm 2001 về Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020. Theo đó tách bạch nước mưa và nước bẩn. TP.HCM được chia thành 6 lưu vực thoát nước, 9 lưu vực thu gom xử lý nước bẩn…

Tuy nhiên, quy hoạch này không khả thi vì đề bài lúc đó là mực nước trên sông Sài Gòn mới 1,32 m và dân số 5,7 triệu người, còn hiện nay đỉnh triều đã lên tới 1,68 m và dân số thì gấp 2, gấp 3.

Đến năm 2008, bằng quyết định 1547/QĐ-TTg (quy hoạch 1547), Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM do ngành thủy lợi nghiên cứu, đề xuất (còn gọi là phương án bao nhỏ). Theo đó, sẽ xây dựng tuyến đê bao khép kín và toàn tuyến sẽ xây lắp 11 cống ngăn triều.

Khi ngăn được triều, nước mưa sẽ tự rút xuống hệ thống kinh rạch nếu có hệ thống cống tốt, những chỗ thấp quá thì không có cách nào khác là phải sử dụng bơm. Quy hoạch này vẫn đang được TP.HCM triển khai và đã đi được nửa chặng đường, những chỗ thi công hoàn chỉnh đã tạo nên hiệu quả hơn cả mong đợi như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tân Hóa. Theo dự kiến tới năm 2018 khi các công trình này hoàn thiện, có thể giải quyết được khá nhiều vấn đề ngập của TP.HCM.

Quy hoạch 1547 hiệu quả như vậy, tại sao hiện nay nhiều ý kiến vẫn nghi ngại về khả năng tiêu thoát ngập triệt để của những công trình này thưa giáo sư?

Quy hoạch trên cũng mới chỉ đáp ứng được cho phía hữu sông Sài Gòn, nội thành cũ, trong khi TP.HCM bây giờ đã mở rộng ra cả 4 phía với điều kiện tự nhiên khác nên cần có tầm nhìn khác. Cái khó không những do điều kiện tự nhiên của vùng đất này, mà còn là do chúng ta. Bởi đúng ra quy hoạch đô thị phải đi sau quy hoạch tiêu thoát nước, bao gồm chống lũ, ngăn triều, thoát nước mưa, thu gom xử lý nước bẩn... Nhưng trên thực tế thì phố xá nhà cửa cứ mọc lên trước, rồi quy hoạch tiêu thoát nước mới chạy theo nên càng ngày càng phát sinh nhiều rắc rối.

Về ý tưởng xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công, ông đánh giá thế nào về khả năng giải quyết việc úng ngập cho TP.HCM?

Tôi là người được phản biện đề án này trước Chính phủ nên không còn lạ. Ý kiến của tôi trước đây và hiện nay vẫn vậy. Theo tôi, đề án này có 3 cái được đó là ngăn triều, giảm xâm nhập mặn và trữ ngọt, nhưng cái không được cũng nhiều.

Các cửa sông từ Vũng Tàu đến Tiền Giang có hình thái lõm vào tạo nên vịnh. Nhờ lõm mà năng lượng của dòng chảy biển ven bờ được tiêu giảm mạnh, giảm sạt lở cho phía Bến Tre, Trà Vinh. Nay đắp đê thẳng, không còn chỗ tiêu năng thì hậu quả đối với khu vực bờ biển Bến Tre – Trà Vinh là chưa thể tiên đoán được, cần phải nghiên cứu thêm. Việc xây dựng đê biển ở cửa sông Sài Gòn – Soài Rạp cũng sẽ làm giảm đi khoảng 50% lượng nước trao đổi từ biển với sông Soài Rạp nên sẽ mất khả năng tự làm sạch của chúng. Tuyến đê này cũng làm giảm lưu tốc các sông từ 1,31 m/s xuống còn 0,33 – 0,8 m/s (tùy khẩu độ cống) nên sẽ bị bồi lắng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng tuyến đê sẽ làm giảm đỉnh triều khoảng 0,53m, chân triều tăng 1,53 m trên hệ thống sông Soài Rạp – Sài Gòn so với hiện trạng. Việc giảm biên độ triều không những ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước mà còn khó được hệ sinh thái chấp nhận. Đồng thời, lưu tốc nước qua các cống ở tuyến đê này lên tới 5 m/s, có thể khiến cho việc đóng mở cống rất khó khăn, nhất là khẩu độ cống rất rộng.

16-07-27_17-53-57_1
Ngập lụt đang là mối họa ngày càng lớn cho TP.HCM

Đối với vận tải biển, việc phải xếp tàu trọng tải lớn qua âu để vào các cảng Tân Thuận, Cát Lái rất khó khăn mất nhiều thời gian và chi phí cao khiến cho các cảng Sài Gòn yếu thế trong cạnh tranh (cảng Amsterdam – Hà Lan nằm ngoài đê, đê Saemangeum Hàn Quốc chỉ cải tạo vùng bãi lầy mà không có cảng). Các tàu lớn có trọng tải 50.000 T – 100.000 T vào cảng Cái Mép không qua âu nhưng độ tịnh không của cầu phải rất cao, chi phí rất nặng.

Đối với hệ sinh thái trên 28 nghìn ha rừng ngập mặn Cần Giờ, nếu không có giải pháp để bảo vệ thì sẽ bị ngọt hóa. Lá phổi xanh của TP.HCM, khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (vì mắm và đước chỉ sống ở độ mặn 0,22 – 0,28 phần nghìn)...

Vậy ông có ý tưởng nào khác để giải quyết vấn đề ngập lụt của TP.HCM hiện nay?

Có. Nhưng không phải của tôi hay các nhà khoa học Việt Nam, mà là của công ty EPT (Cty Mục tiêu môi trường và cộng đồng). Phương châm của họ là tác động đến thiên nhiên sao cho “ít hối tiếc”. Họ đề xuất giải pháp hạ đỉnh triều xuống 15-30 cm bằng các cấu kiện xương cá trên các sông. Giải pháp này rẻ tiền, ít tác động đến môi trường và xã hội được các nhà khoa học Đức ủng hộ và đã được đăng ký bản quyền ở Mỹ. Tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã chấp nhận nghiên cứu của họ đồng ý thử nghiệm tại Đồng Nai. Hãy chờ xem nhưng tôi thấy có nhiều cơ sở để hy vọng.

Xin cảm ơn GS!

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.